"Bạn đồng hành" của Du kích Ba Tơ

02:03, 08/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước năm 1945, vùng núi rừng hiểm trở ở Ba Tơ là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Hrê.  Từ khi thực dân Pháp và triều đình phong kiến nhà Nguyễn đặt guồng máy cai trị ở đây thì các chánh tổng và một số tộc trưởng quyền uy mới bắt đầu sử dụng ngựa làm phương tiện đi lại, còn trước đó chủ yếu là đi bộ. Càng về sau, nhất là trong kháng chiến chống Pháp, ngựa xuất hiện ở Ba Tơ ngày càng nhiều, trở thành một trong những phương tiện giao thông quan trọng, có những đóng góp đáng kể cho cuộc kháng chiến.Con ngựa của Đội Du kích Ba Tơ

TIN LIÊN QUAN

Một trong những chiến lợi phẩm sau Khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) là chú ngựa thu được khi đánh chiếm Nha Kiểm lý của Bùi Danh Ngũ. Các chiến lợi phẩm khác như lương thực, súng đạn thì được phát huy tác dụng ngay. Riêng chú ngựa thì đi đâu cũng phải dắt theo và phải cắt cử người trông coi, chăm sóc (có phần phiền toái trong tình hình khẩn trương, căng thẳng lúc bấy giờ).

 

Các chiến sĩ du kích Ba Tơ họp nghe quyết định thành lập đại đội tháng 5.1945.                                                                                                                                                                                                                       Ảnh: T.L
Các chiến sĩ du kích Ba Tơ họp nghe quyết định thành lập đại đội tháng 5.1945. Ảnh: T.L


Sau “Lễ ăn thề” tại Hang Én, Đội Du kích Ba Tơ bắt đầu di chuyển về khu căn cứ Nước Sung để củng cố và bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Chú ngựa bắt đầu làm nhiệm vụ thồ lương thực, vũ khí cho Đội và “rước” bớt hành trang cho những chiến sĩ đau yếu. Khi quân Nhật tấn công chiến khu Nước Sung, Đội Du kích phải tiếp tục lùi vào vùng núi cao hơn. Chú ngựa theo Đội Du kích lên tận đỉnh Cao Muôn. Ở đây, Đội đã phải trải qua những tháng ngày đói rét, bệnh tật hoành hành hết sức gian khổ. Tháng 6.1945, tình hình chuyển biến.

Phong trào cách mạng ở các huyện đồng bằng phát triển mạnh, Đội Du kích Ba Tơ được lệnh “xuống núi”, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Khi bàn phương án xuống núi, thảo luận mãi mà không biết giải quyết chuyện chú ngựa thế nào vì ngựa không thể xuống theo các sườn dốc đá dựng đứng. Có ý kiến: Cứ để ngựa lại trên đỉnh núi đá. Lại có ý kiến: Ngựa rất có công với đội; để ngựa ở đây, chỉ mấy ngày sau, ngựa cũng sẽ chết vì đói khát. Chi bằng, tất cả chúng ta xin tạ lỗi với ngựa và xin ngựa hãy giúp Đội lần cuối để Đội đủ sức “hạ sơn”. Mọi người hiểu ý. Vả lại, trong thời gian bức bách ấy cũng không có điều kiện bàn nhiều và sự việc đã được quyết định. Những miếng thịt ngựa “nhớ đời” ấy đã góp phần tiếp sức cho toàn Đội xuống núi, và nhờ những đóng góp của mình, chú ngựa này luôn có mặt trong những trang sử oai hùng về Đội Du kích Ba Tơ ngày ấy.

Con ngựa của Chủ tịch Trần Toại

Đồng chí Trần Toại (1890-1948) là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Ba Tơ (tháng 4.1930). Sau Cách mạng Tháng 8.1945, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Ngãi. Phương tiện đi lại của đồng chí Trần Toại thời ấy chủ yếu là một con ngựa kim (ngựa trắng) do một tộc trưởng người Hrê tặng. Có thể nói đây là một con tuấn mã có “nước phi” và “nước kiệu” tuyệt vời tùy theo những đoạn đường đầy đèo dốc ở Ba Tơ.

Tuy nhiên, đúng như người đời vẫn nói: “Ngựa hay thường có chứng”. Chú ngựa này hiền lành và ngoan ngoãn với đồng chí Trần Toại bao nhiêu thì hung hăng và trở chứng với người lạ bấy nhiêu. Người lạ vừa nhảy lên lưng là ngựa liền tung vó sau đá như tôm búng, miệng hí vang và ném người cưỡi lăn quay xuống đất. Nhiều người muốn biết bí quyết thuần phục ngựa của đồng chí nhưng ngại chẳng ai dám hỏi. Mãi đến cuối đời, nhân lúc vui vẻ, ông Trần Trác (em ruột đồng chí Toại) mới được đồng chí Toại tiết lộ: Thật ra, thủ thuật này là do người chủ cũ của chú ngựa truyền lại.

Trước khi cưỡi, nếu thấy ngựa có dấu hiệu trở chứng thì nắm chặt cương, dùng tay tát vào mặt ngựa mấy cái thật mạnh, ngựa mới chịu quy phục. Đồng chí Toại bảo: Tôi cũng chỉ làm một lần như vậy với chú ngựa này và từ đó, chú trở thành “người bạn đồng hành thân thiết” với tôi trên  khắp những nẻo đường công tác thời ấy. Khi có việc gấp, tôi thúc chân, giật cương, ngựa phi nhanh như gió. Khi dây cương thả lỏng, ngựa như cảm nhận được tôi đang mệt nên chạy nước kiệu rất êm hoặc đi lững thững đưa tôi về đến tận nhà. Khi tôi ốm nặng, lâu không thấy tôi, chú ngựa cũng “buồn”, ăn uống ít hẳn và gầy đi trông thấy. Năm 1948, khi đồng chí Trần Toại qua đời, nhà không có đàn ông nhưng cụ bà vẫn thuê người chăm sóc ngựa chu đáo.

Trần Hoài Hà
 


CÁC TIN KHÁC
.