Nơi xuất quân hùng binh Hoàng Sa - Trường Sa

02:01, 04/01/2013
.

(QNg)- Ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) hiện có Lăng thờ một bộ xương Cá Ông mà ngư dân ở đây gọi là Lăng Ông. Tương truyền rằng, nơi đây là điểm xuất phát của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải hàng trăm năm trước. Sau này, khi người dân An Kỳ, xã Tịnh Kỳ và An Hải xã Bình Châu ra định cư tại đảo Cù Lao Ré , tức Lý Sơn bây giờ khai khẩn, lập làng thì những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa mới tổ chức xuất phát tại đảo Lý Sơn.


Theo chân Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Kỳ Nguyễn Xí, chúng tôi đi bộ men theo bờ biển để đến Lăng Ông ở thôn An Vĩnh tọa lạc bên bờ biển. Trong không gian trầm tích vắng lặng, những phế tích của Lăng Ông vẫn còn tồn tại với bức tường được xây bằng đá cuội rêu phong cho thấy Lăng Ông này đã có từ lâu. Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Nguyễn Xí cho biết, lúc trước Lăng Ông nằm xa vị trí hiện nay, nhưng bị biển dần xâm thực và qua thời gian xuống cấp chỉ còn lại phế tích. Vì vậy năm 2005, Sở Văn hóa- thông tin nay là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch xây dựng lại trên diện tích thu nhỏ hơn so với nền cũ.

 

Phía trong gian thờ bộ xương cá Voi.
Phía trong gian thờ bộ xương cá Voi.


Ông Nguyễn Nhứt (73 tuổi) ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ nhà ở gần Lăng Ông cho biết, đi qua 2 cuộc chiến tranh nhưng ông vẫn gắn bó với làng chài này từ lúc còn sơ sinh cho đến bây giờ. Ông không biết Lăng Ông xây dựng từ lúc nào nhưng khi thời còn niên thiếu ông được cha ông là ông Nguyễn Đồn, lúc đó là Trưởng Vạn chài An Vĩnh dẫn đến Lăng Ông trong những dịp tế lễ tại đây.

Cũng như những người trong vạn chài này, ông Nhứt đi biển từ năm còn mười tám đôi mươi. Mấy mươi năm gắn bó với biển cũng là ngần ấy năm ông gắn bó với Lăng Ông. Ngày trước mỗi khi giong thuyền ra khơi, ngư dân ở vạn chài này đều đến Lăng Ông tế lễ thần linh, cầu cho ông Nam Hải cứu giúp khi gặp rủi ro trên biển.  Ông Nhứt đã được nghe cha  của mình kể lại rằng: chính nơi đây cũng là một phần hải đội Hoàng Sa là trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải bên cửa Sa Kỳ thường làm lễ tế trước khi giong buồm xuất quân. Sau này, ngư dân ở đây họ vẫn không quên công đức tổ tiên mở mang, bảo vệ Tổ quốc nên hàng năm, cứ mỗi độ tiết xuân họ vẫn làm lễ cúng tế để tưởng nhớ linh hồn những hùng binh đã vì nước vong thân. Cho đến bây giờ ông vẫn tới lui lo hương khói trong Lăng Ông.

Còn đối với ông Nguyễn Hường ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ đã bước sang tuổi 85 nhưng ông đang giữ trong ký ức những câu chuyện lưu truyền về hải đội Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Hường cho hay, lúc nhỏ ông đã từng trong đội cầm đèn trong những dịp tế lễ thần Nam Hải tại Lăng Ông - An Vĩnh. Ngày trước Lăng Ông rất lớn và những lần tổ chức tế lễ rất hoành tráng. Không chỉ ngư dân ở thôn An Vĩnh mà cả xã Tịnh Kỳ đều tề tựu về đây trong dịp tế lễ thần Nam Hải (cúng Cá Ông). Còn bộ xương đầu của một con cá voi rất lớn đang thờ trong Lăng tương truyền là do hùng binh Hoàng Sa đưa về từ dãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa về đây thờ cúng.

Theo những tài liệu cổ và các gia phả cổ của các họ tộc ở Lý Sơn thì ngày trước các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được tuyển chọn trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải phủ Bình Sơn. Và chọn mũi Ba Làng An làm điểm xuất quân. Sở dĩ trai tráng ở hai làng An Vĩnh, An Hải được chọn vào hải đội Hoàng Sa vì họ có truyền thống đi biển rất thạo. Ngoài ra, từ đây cũng là nơi có hải trình ngắn nhất để ra quần đảo Hoàng Sa.

Tại thôn An Vĩnh, ngay trên cửa biển Sa Kỳ nay vẫn còn di tích Vườn Đồn ở khu vực đóng quân của đồn biên phòng Sa Kỳ là địa điểm tập kết, huấn luyện, trang bị tàu thuyền, chuẩn bị hậu cần cho các chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Cách Vườn Đồn khoảng 200 mét là miếu Hoàng Sa thờ bộ xương đầu của một con cá voi rất lớn. Miếu Hoàng Sa đã bị phá hủy từ gần nửa thế kỷ nay, nhưng bộ xương cá voi xưa, thần linh của miếu vẫn được nhân dân địa phương giữ lại và chuyển sang thờ tại Lăng Chánh ngay cạnh Miếu ( tức là Lăng Ông bây giờ). Miếu Hoàng Sa chính là nơi những người trong đội Hoàng Sa làm lễ tế thần linh, cầu mong Ông Nam Hải phù giúp cho họ vượt qua được khó khăn, hoạn nạn trong những tháng ngày lênh đênh giữa biển khơi.

Hiện nay, Lăng Ông, An Vĩnh đã xuống cấp trầm trọng. Nền của Lăng bị sóng biển xâm thực sạt lở nghiêm trọng; đặc biệt là do không bảo quản nên bộ xương Cá Ông rệu rã theo thời gian.  Ngư dân trong vạn chài này ai cũng mong muốn các ngành chức năng quan tâm trùng tu tôn tạo di tích này. Nhiều ngư dân có nguyện vọng góp của, góp công để cùng với nhà nước trùng tu, tôn tạo di tích này trang nghiêm. Bởi vì nơi đây không chỉ là nơi tín ngưỡng của ngư dân mà còn gắn liền với Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải hàng trăm năm trước đi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

 

Anh Vinh

 


CÁC TIN KHÁC
.