Quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh:
Phân cấp nhưng không khoán trắng

09:06, 24/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 24.6.2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND, về việc phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đây là hành lang để chính quyền các cấp và ngành văn hóa tích cực vào cuộc, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử quý báu.

Theo thống kê của Bảo Tàng tổng hợp tỉnh, hiện toàn tỉnh có 29 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia, 40 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh và khoảng 130 di tích được kiểm kê và bảo vệ. Trước đây, khi chưa có sự phân cấp thì tất cả những di tích trên đều do Sở VH-TT&DL quản lý, còn các địa phương dường như “đứng ngoài cuộc”. Với số lượng di tích tương đối nhiều, lại nằm rải rác trên khắp địa bàn tỉnh, cùng với nhận thức của người dân chưa cao đã gây khó khăn cho Sở VH-TT&DL trong việc quản lý, tôn tạo và phát huy hiệu quả các di tích. Chính vì vậy, việc phân cấp quản lý di tích là nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý di sản.

Giao trách nhiệm

Theo Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND, về phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh quy định rõ vai trò trách nhiệm của từng cấp quản lý. Trong đó, Sở VH-TT&DL trực tiếp quản lý các di tích Khu chứng tích Sơn Mỹ, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ, Bảo tàng Khởi nghĩa Trà Bồng và Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường. UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý các di tích quốc gia và nhà lưu niệm các danh nhân, các nhân vật lịch sử tại địa phương, trừ các di tích thuộc sự quản lý của Sở VH-TT&DL. UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý di tích cấp tỉnh, di tích trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh phê duyệt.

 Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia Điện Trường Bà (Trà Bồng).
Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia Điện Trường Bà (Trà Bồng).


Ông Phan Đình Độ - Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, cho biết: Quyết định số 28 đã nêu rõ các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý di tích và chịu trách nhiệm bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở VH-TT&DL và các cơ quan chức năng chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích gắn với phát triển du lịch cũng như chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích địa phương để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Theo ông Độ, để việc phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phát huy hiệu quả, đòi hỏi trình độ của cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ này phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Phần lớn cán bộ làm công tác này ở huyện và thành phố đều có trình độ đại học chuyên ngành văn hóa, bảo tàng. Vì vậy, đối với những di tích lớn thì BQL di tích cấp xã mời cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tham gia trong BQL nhằm đảm bảo nguồn nhân lực am hiểu về lĩnh vực văn hóa, bảo tàng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý di tích ở địa phương.

Không khoán trắng

Ngay sau khi có quyết định phân cấp, một số địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo di tích. Trong đó, các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Bình Sơn… là những địa phương ban hành đề án sớm nhất. Riêng huyện Sơn Tịnh đã nhanh chóng có hướng dẫn cho các xã thành lập BQL di tích. Tuy nhiên, điều các địa phương lo lắng là, dù quyết định của UBND tỉnh đã được ban hành hơn 1 năm qua, nhưng đến nay, Sở VH-TT&DL vẫn chưa có biên bản bàn giao cụ thể các di tích do cấp huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn quản lý.

Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý di sản thì quyết định phân cấp cũng tạo nguồn cho việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là các di tích cấp tỉnh. Phần lớn các di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia thì được trùng tu, tôn tạo dựa vào nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia, còn các di tích cấp tỉnh và các di tích được kiểm kê bảo vệ chưa được tỉnh bố trí nguồn kinh phí đầy đủ.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho rằng: Khi huyện lập được đề án chi tiết, thì sẽ có kinh phí để trùng tu, tôn tạo từ ngân sách địa phương và kêu gọi nguồn xã hội hóa từ người dân. Nguồn lực từ người dân là rất lớn, bởi lâu nay, người dân rất tích cực trong việc góp tiền vào việc trùng tu các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn huyện. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, suy cho cùng, cũng là để đáp ứng nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng cho nhân dân.

Hiện nay, Sở VH-TT&DL đang soạn thảo Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, có 59 di tích lớn cần thiết chống xuống cấp và cắm mốc giới bảo vệ, xây dựng bia di tích, chủ yếu là các di tích lịch sử cách mạng. Khi Quyết định 28 được ban hành làm cho cơ chế phối hợp hết sức chặt chẽ. Khi ở địa phương có vướng mắc hay xâm phạm di tích thì báo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thành phố và cơ quan này có trách nhiệm báo cáo với BQL di tích của huyện, thành phố để có hướng giải quyết.

Nếu vượt quá thẩm quyền thì huyện sẽ báo lên Sở VH-TT&DL. “Việc phân cấp quản lý được quán triệt đến cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp, tạo hệ thống chân rết vững chắc hơn chứ không phải khoán trắng. Để quản lý tốt, UBND các huyện, thành phố phải quan tâm nhiều hơn tới hệ thống di tích trên địa bàn, bao gồm cả các di tích đã xếp hạng và chưa xếp hạng. UBND các xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quản lý di tích về mặt an ninh trật tự, môi trường, đất đai, bảo đảm an toàn cho các hiện vật trưng bày trong di tích”, ông Độ nói.

 

*Ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL:
Tỉnh ta có số lượng di tích nhiều, lại nằm trên phạm vi rất rộng, từ đồng bằng đến miền núi, ven biển… nên nếu được phân cấp, việc quản lý di tích sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, địa phương sẽ chủ động trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích; đồng thời, người dân địa phương là người gắn bó, gần gũi với di tích nhất nên việc quản lý ở cấp cơ sở sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc phân cấp cũng dẫn đến một số khó khăn nhất định đối với địa phương, đòi hỏi sự nỗ lực cao của các cấp chính quyền.

*Ông Lê Văn Vân - Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Tịnh:
Từ năm 2007 đến nay, huyện Sơn Tịnh đã có hẳn 2 đề án Quản lý tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Kinh phí để thực hiện 2 đề án này khoảng 12,5 tỷ đồng. Nhờ đó, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện được giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử. Hiện nay, toàn huyện có 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, 18 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, nên hằng năm, kinh phí để trùng tu rất lớn. Khi được giao nhiệm vụ quản lý từng di tích cụ thể từ Sở VH-TT&DL, huyện sẽ tiến hành xác định kinh phí hằng năm, để có kế hoạch tham mưu UBND huyện trình HĐND huyện xem xét bố trí nguồn vốn; đồng thời, phòng sẽ lên kế hoạch kêu gọi xã hội hóa.

*Ông Đào Dương Minh – Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi):
Hiện trên địa bàn xã Tịnh Châu có 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp uốc gia là Thành cổ Châu Sa. Việc quản lý di tích khó khăn ở chỗ là thiếu người trông coi thường xuyên. Theo tôi, các cấp, ngành cần nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của người trực tiếp trông coi di tích. Tôi được biết, một vài di tích cũng có chế độ cho người trông coi, nhưng số lượng rất ít và chưa có sự đồng bộ. Để di tích được bảo vệ tốt nhất, ngoài việc phân cấp cụ thể, chi tiết từ Sở VH-TT&DL đến huyện, xã, thì việc ban hành Quy chế bồi dưỡng cho người trông coi di tích cũng rất quan trọng.

*Ông Nguyễn Minh Anh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi):
Chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến việc trùng tu, tôn tạo di tích Chiến thắng đồn Thương Chánh. Vì đây là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về sự hào hùng của lịch sử cha ông ngày trước. Từ đó khơi dậy niềm tự hào cũng như tình yêu quê hương đất nước trong thế hệ trẻ.

 


  Bài, ảnh: PHƯƠNG – TRIỀU
 


.