Quản lý vật tư nông nghiệp còn quá lỏng lẻo

09:08, 26/08/2012
.

(QNg)- Chất lượng vật tư nông nghiệp là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng thực tế thì việc quản lý chất lượng các loại vật tư này ở Quảng Ngãi còn quá lỏng lẻo dẫn đến nông dân thua thiệt...  

Vật tư nông nghiệp bao gồm các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh,  thuốc tăng trưởng các loại cây trồng; vật nuôi, phân bón, cây, con giống các loại... Vật tư thủy sản gồm thuốc phòng bệnh, thức ăn, con giống... Nhưng thời gian qua, các cơ quan quản lý thuộc ngành nông nghiệp đã buông lỏng trong quá trình quản lý, là cơ hội cho những sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Quá nhiều cơ sở không đăng ký kinh doanh  

Thực hiện Thông tư số 14/2011/TT-BNN&PTNT về Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và vật tư thủy sản. Qua đợt thanh tra đã có những con số đáng kinh ngạc.

Nông dân ở các huyện không tin vào vật tư nông nghiệp bán trên địa bàn nên đến các cơ sở có uy tín ở TP. Quảng Ngãi để mua.
Nông dân ở các huyện không tin vào vật tư nông nghiệp bán trên địa bàn nên đến các cơ sở có uy tín ở TP. Quảng Ngãi để mua.

Toàn tỉnh có hơn 2.037 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; trong đó có 543 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; 575 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); 63 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi nông, lâm nghiệp, thủy sản...và hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp khác. Nhưng trong số đó chỉ có 538 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (26,4%); còn 1.499 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng thường ngày vẫn "thỏa mái" bán buôn các mặt hàng vật tư nông nghiệp.  
 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 64.000 ha sản xuất lúa hai vụ/năm thì cần khoảng 7.680 tấn lúa giống, 54.000 tấn các loại phân đạm, Urê, phân lân, kali, NPK...và một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngành chức năng quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp còn quá lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến nông dân thu lợi nhuận từ hạt lúa rất thấp (bởi đã trừ chi phí về vật tư nông nghiệp thì còn lại quá ít).

Còn trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở NN-PTNT đã tổ chức 6 đợt thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống lúa, ngô, cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản; kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm...và hai cuộc kiểm tra đột xuất đối với 45 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Các cơ sở này cũng có nhiều vi phạm trong chất lượng con giống, điều kiện sản xuất, kinh doanh không đảm bảo...

Đối với lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV, Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra 13 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; thanh kiểm tra 27 cơ sở về quản lý thuốc BVTV. Qua đó, Chi cục đã phát hiện nhiều sai phạm về  nhãn mác, không ghi hoặc ghi sai địa chỉ nhà sản xuất. Và cũng như năm trước, Chi cục lại phát hiện một số trường hợp buôn bán không có giấy phép hành nghề. Thực tế này cho thấy,  số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản được cấp giấy chứng nhận đăng ký là quá thấp.

Nông dân thở dài với vật tư nông nghiệp

Trên đám ruộng lúa sắp trổ bông, ông Trần Đình Luyến thôn An Hà 1 xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa),  vạch từng luống lúa để hớt bông cỏ đang mọc chen để đảm bảo cho lúa trổ đòng. Ông bảo: Đầu vụ,  gieo sạ sau 3 ngày là phun thuốc cỏ theo hướng dẫn trên nhãn mác của chai thuốc diệt trừ cỏ. Nhưng rồi cỏ vẫn tốt nên vợ chồng tôi cất công nhổ cỏ từ lúc lúa còn nhỏ, nhưng vẫn không hết. Giờ lúa trổ bông lại phải bỏ công cắt thôi. Còn thuốc trừ sâu cũng bơm hết đợt này đến đợt khác, nhưng hình như sâu, bệnh hại lúa đã quen mùi thuốc rồi nên lờn thuốc; hay chất lượng thuốc không đảm bảo nên sâu bệnh vẫn cứ lây lan mà bà con thì đâu biết được". Ông Luyến bỏ lửng câu nói, bởi nông dân đâu dễ phân biệt được chất lượng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo hay đảm bảo. Chỉ thấy sâu bệnh thì họ mua thuốc diệt trừ.

Trước sự bức xúc của nông dân, chúng tôi trao đổi về việc quản lý vật tư nông nghiệp đối với một số lãnh đạo phòng nông nghiệp cấp huyện thì họ né tránh, còn cấp xã thì họ biết nhiều nông dân phun hóa chất bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả không cao. Còn lý giải vì sao thì họ lại thiếu căn cứ khoa học.

Lúa sắp trổ bông nhưng ông Trần Đình Luyến vẫn phải nhổ cỏ vì phun thuốc cỏ không hiệu quả.
Lúa sắp trổ bông nhưng ông Trần Đình Luyến vẫn phải nhổ cỏ vì phun thuốc cỏ không hiệu quả.


Ngoài phân bón, thuốc trừ sâu, thì quản lý mặt hàng máy móc, thiết bị phục vụ canh tác trong nông nghiệp hiện cũng đang bị bỏ trống. Khảo sát trên thị trường, các loại mặt hàng này thật đa dạng, phong phú nhưng nhiều loại lại không có xuất xứ rõ ràng...

Còn trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có lắm điều phân vân, trước tiên là vấn đề chất lượng con giống. Nhiều năm rồi ngành nông nghiệp chưa quản lý được  giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Người nuôi tôm thường mua con giống trôi nổi trên thị trường. Vì vậy, nên chất lượng con giống không kiểm soát được, cộng với hóa chất cải thiện môi trường được sử dụng quá nhiều là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh phát sinh, lây lan làm cho người nuôi tôm thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Văn Thuận - Chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi từng thừa nhận:  "Người nuôi tôm tự ý mua con giống như thế "đổ" vào đồng tôm là một trong nhiều nguyên nhân làm cho tôm bị dịch bệnh liên tục, thất thu nặng trong nhiều năm qua".  

Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là vấn đề cấp thiết và quan trọng. Bởi nó có thể quyết định nền sản xuất nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả. Vì vậy, ngành nông nghiệp cùng các ngành chức năng cần tăng cường việc kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh hàng hóa không nhãn mác rõ ràng, chất lượng không đảm bảo. Có như thế nông dân mới bớt lo âu, tích cực lao động sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp cho gia đình và xã hội.
 

*Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi: Hàng năm, Sở NN&PTNT đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc quản lý vật tư nông nghiệp nắm rõ các quy định, để tiến hành thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh buôn bán sản phẩm vật tư không đảm bảo chất lượng... Nhưng, số lượng cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp quá lớn, trong khi nguồn lực để thực thi nhiệm vụ phần nhiều chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nguồn lực ở các huyện, xã; trang thiết bị phục vụ kiểm tra lấy mẫu chưa được đầu tư nên rất cần tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để ngành hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.

*Ông Lê Văn Biên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Chức năng của Chi cục là quản lý về mặt Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Toàn tỉnh hiện có 3.514 loại thuốc (trừ sâu, diệt cỏ, phòng trừ các loại bệnh; chất kích thích sinh trưởng...). Tuy nhiên, trong quá trình thanh, kiểm tra gặp rất nhiều khó khăn bởi Chi cục vướng phải Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định  này thì thành viên thanh tra là công chức, trong khi Chi cục thiếu đội ngũ cán bộ. Mấy năm trước, mỗi lần thành lập đoàn thanh, kiểm tra là Chi cục điều động cán bộ từ huyện lên để cùng thanh tra. Nay vướng nghị định nên không thể điều động cán bộ từ các huyện được, nên thiếu người thực thi nhiệm vụ.

*Ông Lê Đăng Khoa - Phó Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn: Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Bình Sơn có khoảng 130 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; trong đó có 80 hộ đủ điều kiện kinh doanh hợp pháp (gồm phân bón, thuốc trừ sâu, cây trồng) và 40 hộ kinh doanh các loại vật tư thú y. Số còn lại là tự phát. 6 tháng đầu năm, Phòng chỉ tổ chức một đợt thanh, kiểm tra. Việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn vô cùng khó. Chủ yếu là dựa vào đạo đức kinh doanh của chủ cơ sở?!

*Ông Phan Nuôi - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa (Bình Sơn): Trên địa bàn xã có 3 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Các cơ sở này chủ yếu là tự phát. Cán bộ xã chưa được tập huấn về cách thức để thanh, kiểm tra nên khi kiểm tra lại lúng túng về nghiệp vụ. Xã rất mong ngành nông nghiệp sớm tổ chức nhiều lớp tập huấn để giúp cán bộ làm công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở xã có cơ sở thanh, kiểm tra, nhằm góp phần đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

*Bà Hồ Thị Ly - xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa): Cũng bấy nhiêu ruộng (4 sào), mà hồi trước làm nông còn dễ thở. Bây giờ làm nông khó quá. Cứ rải hạt giống xuống đồng là bắt đầu theo dõi, hết phun thuốc cỏ, là đến phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ, đến rải thuốc cứng cây, thuốc phòng trừ sâu đục thân.. liên tục. Phân, thuốc ngày nay hình như cũng kém tác dụng so với trước đây. Nhà nông có biết gì đâu? Cứ thấy lúa không tốt, bị rầy sâu thì đến các cơ sở bán vật tư mà mua phun, rải. Một lần không hết thì hai, ba lần nên tốn tiền lắm. Nhà nước cần tăng cường thanh tra và phải xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất kinh doanh không có giấy phép hoặc kinh doanh vật tư giả, kém chất lượng thì mới  "cứu" được nông dân.

 


Mai Hạ
 


.