Để thương mại là động lực thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển

08:06, 15/06/2011
.

(QNg)- Những năm qua, hoạt động thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được quan tâm phát triển. Tuy nhiên hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành và địa phương tỉnh Quảng Ngãi là phát triển thương mại nông thôn như thế nào để nó trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội vùng nông thôn? 

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG CÒN BỎ NGỎ

Với dân số chiếm trên 70%, khu vực nông thôn của Quảng Ngãi được đánh giá là thị trường tiềm năng trong việc tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên thị trường này đang bị bỏ ngỏ. Các siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp tiện lợi phần lớn tập trung tại thành phố Quảng Ngãi. Nguyên nhân xảy ra sự đầu tư "lệch" này là do vùng nông thôn dân cư đông nhưng mật độ thưa thớt, mức thu nhập thấp nên rất khó để doanh nghiệp thu hồi vốn khi đầu tư hệ thống siêu thị, cửa hàng.
 
Chợ Di Lăng (Sơn Hà) - trung tâm buôn bán lớn khu vực phía tây của tỉnh.
Chợ Di Lăng (Sơn Hà) - trung tâm buôn bán lớn khu vực phía tây của tỉnh.

Theo thống kê của Sở Công thương, Quảng Ngãi hiện có 153 chợ được nâng cấp, sửa chữa và xây mới, với tổng vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên việc đầu tư phát triển hệ thống chợ ở Quảng Ngãi chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, gần 80% chợ ở  khu vực nông thôn cần được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bởi phần lớn các chợ này trong tình trạng cơ sở hạ tầng thấp kém, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Nhiều năm nay, dù rất nỗ lực trong việc mời gọi, thu hút đầu tư xây dựng chợ nông thôn nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với nhu cầu này. Việc xây dựng các kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa tại các huyện cũng khó thực hiện.

Do đó, dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong việc tiêu thụ hàng hóa nhưng thị trường nông thôn hiện vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được sự quan tâm của các nhà phân phối, nhất là đối với các loại hàng tiêu dùng uy tín và chất lượng. Điều này thể hiện rõ nhất là tình trạng hàng không nhãn mác, hàng giả hay kém chất lượng gần như chiếm lĩnh thị trường nông thôn.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI LÀ THIẾT YẾU

Ở nông thôn, chợ là loại hình văn hóa thương mại truyền thống đặc thù, cùng tồn tại và phát triển lâu dài với các loại hình thương mại hiện đại. Chính vì thế, trong kinh tế thị trường, nhiều bất cập phát sinh đòi hỏi được giải quyết. Qua tìm hiểu của chúng tôi, bộ máy tổ chức quản lý chợ (ban quản lý, tổ quản lý) bố trí chắp vá, thiếu tính chuyên nghiệp. Phần lớn các chợ ở nông thôn thiếu vốn để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chợ.

Vì thế, nhiều chợ cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng giao thương. Hiện nay nhiều chợ trên địa bàn nông thôn được hình thành một cách tự phát, phần lớn là tạm bợ, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Nhưng vì nhu cầu bức thiết, chợ vẫn tồn tại. Cá biệt nhiều nơi người dân đã tự ý họp chợ, lấn chiếm lòng, lề đường thường xuyên.

Để tạo động lực phát triển thương mại nông thôn, ngày 6/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020". Theo đó từ năm 2010, các địa phương bắt tay thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng cho thương mại nông thôn, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ khoản kinh phí khoảng 300 triệu đồng cho mỗi địa phương để xây dựng: Chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... đến tận các xã, thị trấn. Mục tiêu đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.

ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT HÀNG HÓA

Tuy đã có nhiều tác động nhưng ở nhiều vùng nông thôn hiện nay nông dân chưa thoát khỏi hình thái kinh tế nhỏ lẻ. Ở một số nơi, sản xuất hàng hóa đã hình thành và phát triển, nông dân đã có thu nhập cao  từ quá trình sản xuất; cuộc sống đã có bước cải thiện rõ rệt. Tiền đề để hình thành và phát triển sản xuất hàng hóa trước hết phải xây dựng được quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, gắn sản xuất với chế biến, gắn sản xuất với thị trường. Để làm được điều đó, trước hết các ngành chức năng phải làm tốt công tác quy hoạch đất đai, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, lâm nghiệp; giải quyết vấn đề quyền sử dụng đất, làm tốt các khâu cung ứng vốn, dịch vụ sản xuất cho người nông dân.
 
 Nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa ở nông thôn ngày càng tăng mạnh nhưng hệ thống chợ búa ở khu vực này chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ.
Nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa ở nông thôn ngày càng tăng mạnh nhưng hệ thống chợ búa ở khu vực này chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa bàn nông thôn cũng là vấn đề tối quan trọng. Ông Phạm Tấn Hoàng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho rằng: Nhà nước cần có chính sách đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo cho các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông. Vì như vậy, mới tạo thuận lợi hơn trong việc luân chuyển hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn.

Để thương mại là động lực phát triển vùng nông thôn thì còn nhiều yếu tố quan trọng khác. Nhưng điều quan trọng là khi triển khai các giải pháp cần có sự đồng bộ.

*Ông Nguyễn An- Phó GĐ Sở Công thương:
Theo tôi, nền móng cho sự phát triển thương mại nông thôn là quy hoạch hạ tầng thương mại. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể là Sở Công thương sẽ kêu gọi đầu tư phát triển nhiều hệ thống chợ, cửa hàng xăng dầu... Thời gian gần đây, Sở Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp "đưa hàng Việt về nông thôn". Điều này cũng góp phần vào sự phát triển thương mại nông thôn, giúp người nông dân được tiếp cận với hàng hóa chất lượng, cũng như hình thành thói quen dùng hàng Việt. Trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ lập Đề án "Quy hoạch hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020". Đề án sẽ chú trọng vấn đề xã hội hóa chợ; chuyển đổi mô hình ban quản lý chợ; mở rộng mạng lưới bán lẻ. Đặc biệt trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh hơn nữa chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

*Ông Đặng Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà:
Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, đời sống người dân ngày càng ổn định nên nhu cầu của họ ngày càng tăng. Tuy nhiên do điều kiện miền núi, địa bàn rộng lớn, cách trở, giao thông đi lại chưa thuận lợi nên hệ thống chợ phát triển không đồng đều. Nhiều khu vực dân cư vẫn phải chịu thiệt thòi khi mà các nhu yếu phẩm cần thiết không dễ dàng đến được với họ. Với hình thức mua bán bằng chợ di động phần nào đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân vùng sâu, vùng xa. Nhưng với phương thức này không thể phát triển bền vững. Trong quy hoạch phát triển, đến năm 2015, thị trấn Di Lăng sẽ lên đô thị loại 5, mở ra cơ hội lớn cho việc buôn bán dịch vụ phát triển.

*Ông Trần Nam Giang - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Tư Nghĩa:
Hệ thống chợ trên địa bàn đã có đều khắp các xã, song chỉ phát triển mạnh và tập trung mua bán ở các trung tâm lớn như La Hà, Sông Vệ, Nghĩa Kỳ... nên giáp ranh gần các chợ lớn không có điều kiện phát triển mạnh. Mặt khác, điều kiện giao thông ngày càng thuận tiện nên người dân về các chợ lớn để mua sắm, dẫn đến sự phát triển không đều giữa các khu vực. Trên địa bàn Tư Nghĩa hiện có một số chợ đã xuống cấp, tuy nhiên việc nâng cấp và kiên cố hóa gặp khó khăn. Muốn xây dựng phải dựa vào nhu cầu thực tế, vừa thực hiện theo Quyết định 02 và 114 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ. Những chợ đầu mối, chợ trung tâm lớn hoặc khu vực miền núi mới được sử dụng ngân sách, còn lại phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

*Ông Đinh Quốc Bình- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng:
Thị trấn Di Lăng là trung tâm của huyện Sơn Hà, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện  dịch vụ phát triển mạnh. Đến nay hầu hết các dịch vụ thiết yếu cho đời sống đến những mặc hàng giải trí, điện máy, điện lạnh... đã có mặt tại trung tâm thị trấn để phục vụ nhu cầu ngày càng phong phú của người dân địa phương. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, họ đã biết chuyển đổi ngành nghề như học làm thợ xây dựng, học sửa chữa xe máy, cơ khí... để làm dịch vụ mang lại thu nhập. Vì thế, các dịch vụ dân dụng cũng được mở ra, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Không chỉ có buôn bán mà còn có nhiều gia đình thanh niên là người dân tộc đã biết tính toán và mạnh dạn đầu tư mở dịch vụ sửa chữa cơ khí, xe máy... để phát triển kinh tế gia đình theo hướng phi nông nghiệp. Đây là một tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ ở huyện miền núi Sơn Hà.

*Bà Nguyễn Thị Hân, tiểu thương chợ Ga, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh):
Chợ Ga là trung tâm buôn bán phục vụ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày cho người dân trong xã, thế nhưng, chợ hiện nay không khác nào là chợ tạm. Diện tích chợ chỉ khoảng vài sào đất, rất chật chội, cơ sở tồi tàn. Những người buôn bán ở đây phải tự dựng lều để làm ăn, tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm qua. Người dân gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, buôn bán, nhất là vào mùa mưa. Bà con nơi đây mong muốn Nhà nước quan tâm sớm làm chợ mới, tạo điều kiện cho những người buôn bán được làm ăn thuận lợi hơn.

N. TRIỀU - X.THIÊN

.