Bao giờ hết cảnh đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian?

10:02, 25/02/2011
.

(QNg)- Phát triển kinh tế biển là mục tiêu của Quảng Ngãi, đòi hỏi phải đóng mới, nâng cấp  những con tàu công suất lớn, trang bị các phương tiện hiện đại đủ sức vươn khơi xa. Tuy nhiên các cơ sở đóng mới tàu thuyền ở Quảng Ngãi hầu hết đều vi phạm quy định về kỹ thuật đóng tàu. Câu hỏi: Bao giờ không còn cảnh đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian trở thành điều băn khoăn của ngư dân vùng biển Quảng Ngãi?

Đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian
Trước khi vào mùa biển mới, ở triền đà Cổ Lũy (Tư Nghĩa) có hàng chục tàu thuyền đang được đóng mới, nâng cấp, sửa chữa. Có những chiếc tàu đóng mới  có công suất lên đến 420 CV. Tuy vậy trao đổi với những người thợ đang trần mình gõ đục, sơn quét nước, tôi được họ cho biết chỉ làm theo kinh nghiệm của mình. Nhìn quanh khu vực triền đà  như thấy chỉ có những đường ray chạy dọc xuống biển và chiếc ròng rọc để kéo những con tàu sau một năm hành nghề với sóng nước biển khơi lên tu sửa, nâng cấp; hay hạ thủy những vừa đã đóng mới hoàn thành...
 
 Hầu hết các cơ sở đóng mới tàu thuyền đều làm nghề theo kinh nghiệm dân gian.
Hầu hết các cơ sở đóng mới tàu thuyền đều làm nghề theo kinh nghiệm dân gian.

Theo HTX tàu thuyền Cổ Lũy, để đáp ứng cho việc nâng cấp sửa chữa, đóng mới tàu thuyền trước khi bước vào mùa biển mới, HTX phải thu hút 30 đội thợ (mỗi đội từ 5-10 người) đến từ nhiều vùng khác nhau. Phần lớn thợ đóng tàu là tay ngang, một số khác làm bằng kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại, chứ chưa được đào tạo trường lớp. Tuy vậy những đội thợ đó mỗi năm là "tác giả" của hàng trăm con tàu vừa đóng mới, sửa chữa, nâng cấp. 

Rời HTX tàu thuyền Cổ Lũy, chúng tôi về Phổ Thạnh (Đức Phổ) ghé HTX tàu thuyền Viễn Đông. Ở đây cũng chẳng khác HTX tàu thuyền Cổ Lũy là mấy. Ông Nguyễn Duy Chín - Chủ nhiệm HTX Viễn Đông Sa Huỳnh, cho biết: Hợp tác xã có mặt bằng rộng hơn 8.000m2, đảm nhận việc kéo tàu có nhu cầu nâng cấp, tu sửa và hạ thủy những con tàu đóng mới. Còn việc đóng mới tàu hay tu sửa nâng cấp là do chủ tàu hợp đồng với đội người chuyên đóng tàu về đóng, chứ HTX chưa đảm nhiệm được.

Chúng ta đến các cơ sở ở  2 xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê (Sơn Tịnh) hay Bình Châu (Bình Sơn) cũng gặp cảnh hoạt động của các HTX tàu thuyền như thế. Nhìn quanh các HTX có nơi còn có biển hiệu địa chỉ, nhà xưởng là mảnh đất ngoài trời, thậm chí không có nhà bao che, không có thiết bị bảo đảm an toàn, hệ thống máy móc nâng hạ con tàu nhiều cơ sở chưa đầu tư, chỉ có tời kéo tàu....

Theo Thanh tra Sở NN & PTNT Quảng Ngãi cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 10 cơ sở đóng tàu, tất cả đều hoạt động theo kinh nghiệm dân gian, nên vi phạm những quy định về hoạt động kinh doanh. Ngành đã nhiều lần kiểm tra nhắc nhở, xử phạt, nhưng vẫn đâu vào đấy.

Những quy định ràng buộc

Thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ - CP ngày 19/5/2005 của Thủ Tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2007/TT - BTS ngày 13/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ - CP về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, và Nghị định số 59/2006/NĐ - CP ngày 4/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2006/TT - BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ - CP  thì, các cơ sở cá nhân, tổ chức đóng mới, cải hoán tàu cá thuộc diện đăng kiểm (trừ cơ sở đóng tàu của ngành công nghiệp hoặc của Quốc phòng  nhưng phải có địa điểm xây dựng theo quy hoạch của địa phương, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về ngành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá theo cơ sở quản lý Nhà nước có cấp thẩm quyền cấp.
 
Cơ  sở đó phải có địa chỉ, địa điểm rõ ràng, nhà xưởng, trang thiết bị phải phù hợp theo yêu cầu của Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT); có hệ thống xử lý nước thải; chất thải rắn; phải đáp ứng đủ yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ học vấn trung cấp trở lên về chuyên ngành vỏ tàu, có một cán bộ chuyên ngành có trình độ trung cấp trở lên về động lực...

Còn quy định Nhà nước ngày 13/02/2009 sửa đổi bổ sung Nghị định 59 về trình độ nhân viên kỹ thuật, đối với cơ sở đóng mới tàu cá có công suất dưới 50CV, thì có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã tập huấn về quy trình quy phạm tiêu chuẩn đóng mới cải hoán tàu cá. Cơ  sở đóng mới tàu cá có công suất trên 50 CV thì phải có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ học vấn trung cấp trở lên về chuyên ngành vỏ tàu, một cán bộ chuyên ngành có trình độ trung cấp trở lên về máy tàu.

Đối với cơ sở đóng mới tàu thuyền có công suất 250 CV trở lên phải có kỹ sư chuyên ngành máy tàu và vỏ tàu, để giám sát kỹ thuật.  Song, qua nhiều đợt kiểm tra, Thanh tra Sở NN&PTNT đã phát hiện hầu hết các cơ sở hoạt động kinh doanh đều vi phạm quy định, nhưng không thay đổi được. Bởi thực tế là ngành nông nghiệp chưa quy hoạch tổng thể hoặc chi tiết cho các cơ sở đóng mới tàu cá trên địa bàn tỉnh. Các huyện cũng chưa có kế hoạch bố trí các cơ sở đóng mới tàu thuyền.

Ngoài ra theo quy định, cơ sở đóng tàu có công suất từ 250 CV trở lên phải có sàn phóng dạng con tàu trên bản vẽ, để triển khai đóng tàu theo thiết kế. Nhưng bà con chỉ đóng theo kinh nghiệm dân gian. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa đào tạo qua trường lớp, chủ yếu là cha truyền con nối, miễn là tàu không phá nước, có độ ổn định, không bị nghiêng ngang dọc... Giấy phép kinh doanh của các HTX tàu thuyền chủ yếu là kéo đẩy triền đà, làm nước., nhưng thực tế thì các cơ sở này đều đóng mới tàu cá.

Theo thống kê hàng năm mỗi cơ sở ít nhất đóng mới từ 10 - 40 con tàu. Trong những năm gần đây nghề biển phát triển, để đáp ứng cho những con tàu vươn khơi xa, nhiều cơ sở đã đóng những con tàu có công suất từ 300 CV -  450 CV... Do việc đóng mới tàu công suất lớn nhưng thực hiện theo kinh nghiệm dân gian, chưa đảm bảo quy trình và những thông số kỹ thuật, nên khi đưa tàu vào hoạt động đánh bắt hải sản không đảm bảo độ an toàn là điều không tránh khỏi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN& PTNT,  trong  năm 2010 đã có 10 trường hợp bị tai nạn do lỗi về kỹ thuật máy móc hoặc bị tàu lạ tấn công.

Phát triển nghề biển là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng phát triển thế nào cho bền vững, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra cần được tỉnh quan tâm. Vì vậy, việc đóng mới các con tàu hiện đại vươn ra khơi xa cần được tỉnh đầu tư hơn về con người, kỹ thuật mới, để đáp ứng nhu cầu của ngư dân,  để không còn cảnh đóng sửa tàu thuyền công suất lớn mà chỉ bằng kinh nghiệm dân gian thì làm sao đảm bảo an toàn cho những chuyến ra khơi...
 

*Ông Nguyễn Đình Cương - Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi:
Trước thực trạng cơ sở tu sửa đóng mới tàu thuyền hiện hoạt động theo kinh nghiệm là không phù hợp, nên ngành đã xây dựng quy hoạch tổng thể  giai đoạn 2006 - 2010, đề xuất cơ quan tư vấn, quy hoạch tổng thể các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh, rồi tiến hành quy hoạch chi tiết theo từng huyện; đồng thời giao cho Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, để các cơ sở, các chủ tàu nắm các quy trình quy phạm; giải quyết bố trí mặt bằng cho các cơ sở đóng tàu cá để họ yên tâm, đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy tỉnh quan tâm tạo cơ chế thuận lợi để phát triển cơ sở đóng sửa tàu thuyền. Đồng thời các địa phương cần chú trọng tạo điều kiện cho nhân viên đóng tàu theo học các trường chuyên ngành vỏ tàu, ngành cơ khí, để về phục vụ cho công tác đóng tàu thì mới đảm bảo các thông số về kỹ thuật, an toàn cho tàu đánh cá.

*Ông Ngô Văn Hưng - Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản:
Để góp phần đảm bảo an toàn cho những con tàu ra khơi, Chi cục đã phổ biến các quy định hoạt động của nghề cá đến ngư dân; phổ biến quy định về đóng mới tàu cá cho các chủ tàu rõ: Các chủ tàu được phép đóng mới tàu khi nhận được văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý tàu cá; đồng thời buộc chủ tàu phải ký hợp đồng giám sát kỹ thuật đóng mới với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản trước khi triển khai đóng tàu.

Các trường hợp đóng mới không được chấp thuận thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy vậy thực tế vẫn có những trường hợp không đảm bảo quy định trên, nên Chi cục phải xử lý.

Theo Chi cục để đảm bảo an toàn cho những con tàu ra khơi thì ngoài việc chọn lựa gỗ để đóng tàu, trang bị các phương tiện thiết bị, cần có những nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản làm nhiệm vụ  theo dõi giám sát kỹ thuật đóng khung sườn tàu; lắp ráp ván vỏ; kiểm tra tàu trước khi hạ thủy chứ không thể đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian như hiện nay. 

*Ông Trần Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh):
Là xã biển nên trên địa bàn đã có 6 cơ sở tự phát làm các dịch vụ tu sửa, sơn nước, nâng cấp tàu thuyền. Do đặc thù là làm dịch vụ, nên các cơ sở này chưa đầu tư trang thiết bị, máy móc để đảm bảo điều kiện kinh doanh đúng luật định. Xã đã nhiều lần họp các chủ cơ sở để phổ biến các quy định về hoạt động kinh doanh của cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá; đồng thời tạo điều kiện cho họ vay vốn.

Nhưng các chủ cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư vì còn nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề mặt bằng. Hiện nay nhiều cơ sở ngoài làm dịch vụ, cũng đã đóng mới tàu thuyền nhưng chủ yếu là thuê thợ bên ngoài vào đóng. Cơ sở mang tính chất nhỏ lẻ, nên chưa được quan tâm đúng mức. Chúng tôi rất mong tỉnh sớm quy hoạch cơ sở đóng mới tàu thuyền, để xã có cơ sở sắp xếp, bố trí hợp lý.

*Ông Phan Như Huỳnh - Chủ nhiệm HTX tàu thuyền Cổ Lũy (Tư  Nghĩa):
Cơ sở này hình thành từ lâu. Hàng năm đã thu hút được nhiều ngư dân đưa tàu thuyền đến nâng cấp, sơn sửa, quét nước sau một mùa biển. Ngoài số lượng tàu tu sửa, nhu cầu đóng mới tàu công suất lớn cũng khá nhiều, nhưng  đội ngũ đóng tàu nơi đây chỉ có trình độ kỹ thuật đóng theo kinh nghiệm của người đi trước truyền lại. HTX rất mong liên minh HTX phối hợp với ngành chức năng mở các lớp đào tạo về kỹ thuật lắp ráp vỏ tàu, khung tàu...

Khi qua trường lớp đào tạo, các nhân viên đóng tàu không những đọc được các bản vẽ kỹ thuật rõ ràng để đóng những con tàu được chuẩn xác, mà còn nhanh chóng và đảm bảo an toàn. Hiện nay Quảng Ngãi chưa có lớp đào tạo, HTX phải đưa cán bộ kỹ thuật ra tận Đà Nẵng theo học lớp trung cấp kỹ thuật vỏ tàu để đảm bảo điều kiện kinh doanh trong thời gian tới.



MAI HẠ

.