Một số công trình, dự án thực hiện chậm: Nguy cơ "cắt" vốn, ai chịu thiệt thòi?

01:10, 11/10/2010
.

(QNg)- Vài năm trở lại đây, tốc độ xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tăng vọt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn không ít dự án, công trình không đảm bảo tiến độ, trong đó đã có một số công trình bị "cắt" vốn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội...
 
Cầu Huy Măng (Sơn Tây) - công trình được đầu tư nguồn vốn 30a thi công đảm bảo tiến độ, đưa vào sử dụng thiết thực giúp người dân Sơn Tây xóa đói, giảm nghèo.
Cầu Huy Măng (Sơn Tây) - công trình được đầu tư nguồn vốn 30a thi công đảm bảo tiến độ, đưa vào sử dụng thiết thực giúp người dân Sơn Tây xóa đói, giảm nghèo.

 
Chậm như... điện!
Theo đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán lẻ đến hộ dân  được Tổng Công ty Điện lực miền Trung phê duyệt, đến 31/10/2010, toàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có 93 xã bàn giao lưới điện nông thôn về cho Công ty Điện lực Quảng Ngãi quản lý, trực tiếp bán điện đến từng hộ dân. Trong cả năm 2009, Công ty Điện lực Quảng Ngãi chỉ tiếp nhận bàn giao được 18 HTX điện trên địa bàn 13 xã, với khoảng 14.000 hộ sử dụng điện.  Đầu năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ngãi tiến hành làm việc với chính quyền địa phương, các hợp tác xã kinh doanh điện nông thôn để tiếp nhận thêm mạng lưới hạ áp nông thôn của một số xã của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Tuy nhiên, công việc này đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, nên tiến độ tiếp nhận bàn giao chưa hoàn tất. Đối với huyện Tư Nghĩa, đến thời điểm hiện nay, việc tiếp nhận bàn giao lưới điện trên địa bàn chủ yếu vẫn... nằm trên giấy!

Việc tiếp nhận bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn chậm là do các hợp tác xã kinh doanh điện nông thôn chưa thống nhất với Công ty điện lực về phương án bàn giao. Một số nơi, việc giải phóng mặt bằng trong quá trình tiếp nhận bàn giao, đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn chưa được người dân đồng tình trong giải tỏa bồi thường vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã tập trung nhân lực, kinh phí để giải quyết những vướng mắc này, nhưng trong thực tế công việc vẫn chưa đạt khối lượng như mong muốn. Theo thông báo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung đến ngày 31/10/2010, Đề án tiếp nhận bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn sẽ bị "cắt" vốn. Do đó, áp lực đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn đang đè nặng lên vai Công ty Điện lực Quảng Ngãi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 104 trạm biến áp chưa tiếp nhận bàn giao, nghiệm thu đóng điện, chủ yếu thuộc huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh...

Xin vốn rồi lại bị... "cắt" vốn!
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, năm 2009 do tiến độ thi công, giải ngân chậm nên Trung ương đã "cắt" vốn thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đối với Quảng Ngãi hàng trăm tỷ đồng. Đây là số vốn mà UBND tỉnh đã phải bỏ nhiều thời gian, công sức để đề nghị Trung ương phân bổ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Tuy nhiên khi được phân bổ đầu tư xây dựng công trình, thì chủ đầu tư, đơn vị thi công thiếu quyết tâm nên xảy ra chậm trễ, dẫn đến bị Trung ương "cắt" vốn.

Ngoài ra có một số công trình, dự án thuộc Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững tại 6 huyện miền núi do chưa được quan tâm đúng mức nên năm 2009 còn 30,8 tỷ đồng chưa giải ngân. Tại cuộc họp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 30a trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cảnh báo và đề nghị các huyện miền núi thụ hưởng Chương trình 30a nêu cao quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình, dự án, tránh tình trạng vốn được cấp nhưng không giải ngân được, dẫn đến bị "cắt".

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế đã chỉ đạo: Lãnh đạo 6 huyện gồm Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây phải phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhằm phát hiện khó khăn, vướng mắc, bất cập để tháo gỡ kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.  Nơi nào để xảy ra tình trạng thất thoát do buông lỏng quản lý ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính sách Chương trình 30a thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt nhất mạnh đến yêu cầu giải ngân vốn kịp thời, không để xảy ra tình trạng có nhu cầu đầu tư, có vốn nhưng lại không biết chi tiêu, dẫn đến vốn đóng băng. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện Chương trình 30a.

Ai chịu thiệt thòi?
Nhiều người dân ở những nơi chưa được tiếp nhận bàn giao lưới điện nông thôn cho rằng, nếu việc "cắt" vốn xảy ra, thì người dân nông thôn sẽ phải chịu thiệt thòi: Sử dụng điện chất lượng không đảm bảo, giá lại cao, nguy cơ mất an toàn luôn rình rập! Ông Đinh Văn Giáo, thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) cho biết: "Khi hay tin Điện lực Quảng Ngãi sẽ tổ chức tiếp nhận bàn giao lưới điện nông thôn để trực tiếp bán điện đến tận hộ dân, người dân ở đây mừng lắm. Thế nhưng chờ mãi chẳng thấy Điện lực Quảng Ngãi thực hiện. Nay lại nghe thông tin Điện lực Quảng Ngãi có thể bị cắt vốn vì không đảm bảo tiến độ bàn giao lưới điện. Nếu chuyện đó xảy ra, người dân nông thôn sẽ khó có cơ hội được mua điện trực tiếp từ điện lực…".

Đối với một số công trình dự án thuộc Chương trình 30a - Chương trình hỗ trợ đặc biệt cho người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi, thì sự mong đợi các công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng càng trở nên cấp thiết. Thực tế, chỉ qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình này, bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Vì vậy, dù chỉ một vài công trình 30a bị chững lại vì không tiếp tục được giải ngân hoặc chậm đưa vào sử dụng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân miền núi.

Tại nhiều cuộc họp với sở, ngành, địa phương về công tác xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế đã nhấn mạnh: "Lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân công trình, dự án. Địa phương nào cũng kêu ca thiếu vốn, nhưng khi vốn được cấp lại không quyết tâm thực hiện công trình, dự án, dẫn đến phải trả lại Trung ương, trong khi đó với nhu cầu xây dựng cơ bản hiện nay là rất cao. Sở, ngành và địa phương cần phải nâng cao nhận thức, không để xảy ra tình trạng xin được vốn rồi lại không thực hiện, đành để bị "cắt", gây thiệt thòi cho nhân dân trong vùng hưởng lợi từ công trình, dự án".     
 
*Ông Phạm Minh Toản - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh: "CỬ TRI THAN PHIỀN NHIỀU VỀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN"

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Cử tri các địa phương được tiếp xúc đều than phiền về tình trạng thực hiện công trình, dự án chậm, gây lãng phí đất đai. Cử tri mong mỏi chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng, đặc biệt là các dự án nước sạch, đường giao thông... để bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đây là mong mỏi chính đáng, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần lưu tâm giải quyết.

 
*Ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây: "NHÂN DÂN CẦN HỢP TÁC, TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN THI CÔNG ĐÚNG TIẾN ĐỘ".

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sơn Tây có một số công trình, dự án triển khai thực hiện chậm là do khâu giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc. Nhiều người dân, khi nghe tin chính quyền triển khai thực hiện dự án, công trình đã ồ ạt tổ chức trồng cây, dựng nhà, để đòi hỏi quyền lợi được bồi thường giải tỏa khi dự án thực hiện. Việc này, lỗi một phần là do chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu thấu đáo, ủng hộ việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhân dân cố tình lợi dụng dự án, công trình, để yêu sách quyền lợi không đúng quy định.

 
*Ông Đinh Sóng Trào - Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ (Sơn Hà): “CÔNG KHAI, MINH BẠCH VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN”.

Việc triển khai thực hiện công trình, dự án hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là dự án giao thông, thủy lợi. Do đó, nếu được phân tích đầy đủ ý nghĩa của việc làm này thì nhân dân sẽ sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên, lâu nay do một số chủ đầu tư khi thực hiện dự án đã không thực hiện đầy đủ quy định về công khai, minh bạch dự án, công trình; phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, nên người dân băn khoăn. Ở Sơn Hà nhiều năm nay, có nhiều công trình nhân dân sẵn sàng hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc giúp cho dự án triển khai nhanh. Vì vậy, khi triển khai dự án, điều quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân hiểu, ủng hộ, đóng góp vào việc giám sát thi công, tránh thất thoát, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.

 
*Ông Dương Quang Bình, thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (Bình Sơn): TỈNH CẦN XỬ LÝ NGHIÊM CHỦ ĐẦU TƯ TRONG VIỆC ĐỂ CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN BỊ "CẮT" VỐN.

Hiện nay có tình trạng chọn  nhà thầu thi công chưa đảm bảo năng lực về tài chính nên ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình. Trong đó, có một số công trình, dự án do thi công chậm, đã bị "cắt" vốn, đành bỏ dở dang. Đối với những công trình này, chủ đầu tư, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, chứ không thể giải quyết theo kiểu không có tiền thì không tiếp tục thi công như lâu nay, không ai đứng ra chịu trách nhiệm về việc này.
THANH NHỊ

.