Cách nào để ngư dân vươn khơi xa

10:10, 29/10/2010
.

(QNg)- Hiện nay  nguồn thủy sản tuyến lộng ở Quảng Ngãi ngày càng khan hiếm, ngư dân tìm nhiều cách đóng tàu lớn vươn khơi xa. Thế nhưng, bão tố,  tàu lạ tấn công, bắt giữ ngày càng nhiều, làm cho ngư dân gặp nhiều khó khăn, do đó cơ quan chức năng phải tìm cách bảo vệ để ngư dân bám biển. 

* Tai họa ...
 Những năm gần đây, hải sản ven bờ cạn kiệt, nên nhiều ngư dân đã cố  gắng làm ăn hoặc vay mượn Nhà nước và người thân để đóng tàu công suất lớn vươn  ra biển xa. Trong tổng số hơn 5.560 chiếc tàu thuyền toàn tỉnh thì có khoảng 1.500 tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên  hoạt động chủ yếu ở các vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nam Bộ... Ở các ngư trường đó mặc dù ngư dân đã quen thuộc địa hình,  con nước nhưng cũng khó lường trước những tai họa từ nhiều phía. Tàu của anh Đặng Nam, ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) hoạt động ở vùng biển nước ta thì bị tàu lạ đâm chìm ngày 15/7/2009, làm 9 lao động trên tàu bị thương nặng. Nếu không có những tàu bạn đánh bắt gần đó cứu vớt kịp thời, thì tính mạng và tài sản của ngư dân khó giữ được.
 
 
(QNg)- Hiện nay  nguồn thủy sản tuyến lộng ở Quảng Ngãi ngày càng khan hiếm, ngư dân tìm nhiều cách đóng tàu lớn vươn khơi xa. Thế nhưng, bão tố,  tàu lạ tấn công, bắt giữ ngày càng nhiều, làm cho ngư dân gặp nhiều khó khăn, do đó cơ quan chức năng phải tìm cách bảo vệ để ngư dân bám biển.
Các lực lượng chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của các tàu cá tại cửa biển Sa Kỳ.  Ảnh: P.D

Ngư dân thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) Mai Phụng Lưu đã  nhiều lần bị tàu nước ngoài bắt tịch thu phương tiện và giam giữ. Sau những lần đó gia đình anh như tan gia bại sản. Nhưng rồi vì mưu sinh,  anh em bạn chài động viên, anh Lưu gắng gượng  vay mượn đóng tàu tiền tiếp tục ra khơi. Bây giờ lại thêm một lần bị bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa. Mới đây anh Mai Phụng Lưu lại được trở về đoàn tụ cùng gia đình...

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh từ năm 2008 đến nay, số lượng ngư dân và tàu thuyền bị tai nạn trên biển và nước ngoài bắt ngày càng tăng. Trong tổng số 108 trường hợp (với 134 phương tiện và 1.302 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ thì năm 2008 có 31 trường hợp, năm 2009 có 39 trường hợp và 10 tháng năm 2010  có 38 trường hợp.  Cũng trong khoảng thời gian này, tai nạn trên biển có 330 trường hợp (với 107 người chết, 40 người và 15 phương tiện mất tích), 824 phương tiện bị chìm và hàng chục chiếc tàu bị hỏng và trôi dạt. Cứ mỗi lần gặp tai nạn là hầu hết họ trở về trắng tay. Nhiều chủ tàu trở thành người đi bạn, long đong tìm chủ tàu khác để mưu sinh.

* Chính sách hỗ trợ nên kịp thời
Hỗ trợ ngư dân bám biển, vươn khơi xa không chỉ giải quyết cuộc sống cho bộ phận ngư dân các làng chài còn nghèo khó, mà còn là mục tiêu để ngư dân góp phần bảo vệ an ninh biên giới vùng biển đảo nước ta. Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 289/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền xăng dầu, mua mới, đóng mới, thay máy tàu cho ngư dân với mức cao nhất 70 triệu đồng/năm.

Đi đôi với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi cũng có Quyết định số 310/QĐ-UBND hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn rủi ro do thiên tai. Theo đó tàu có công suất dưới 30CV đến 300CV sẽ được hỗ trợ từ 20 triệu đồng đến 110 triệu đồng. Chủ trương này tỉnh giao cho UBND các huyện phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở NN&PTNT bàn bạc thống nhất về mức hỗ trợ cho ngư dân. Nhiều địa phương ven biển trong tỉnh đã linh hoạt triển khai thực hiện công tác này.

Tuy vậy trong thực tế có nhiều ngư dân muốn mua được tàu phải vay mượn nhiều nơi, sau đó lợi dụng vùng bãi ngang đưa tàu ra khơi mà chưa có bảo hiểm tàu thuyền. Các thủ tục khác như (giấy phép hành nghề cũng không đúng thời hạn quy định), nên khi tai họa xảy ra, thủ tục hồ sơ chưa đảm bảo cuối cùng họ không được nhận khoản hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác trước khi hỗ trợ cần phải có thời gian lập danh sách, xét duyệt, kiểm tra. Công đoạn này thường kéo dài từ 4-6 tháng, nên ngư dân bị nạn cứ mỏi mắt chờ. Chính vì vậy tỉnh đã kiến nghị với Trung ương và chỉ đạo các hội nghề cá thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Chủ trương đã có, nhưng đến nay từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa thành lập được quỹ xã hội này.

Theo quy định muốn thành lập quỹ xã hội từ thiện hỗ trợ ngư dân đối với cấp tỉnh thì phải có tài sản ban đầu 500 triệu đồng, đối với cấp huyện, thành phố phải có 100 triệu đồng, và cấp xã, phường là 50 triệu đồng. Việc thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ kịp thời động viên tinh thần những ngư dân bị nạn vượt qua khó khăn, tiếp sức cho những người bị nạn trở lại biển khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

Hơn lúc nào hết đi đôi với việc thăm hỏi, động viên ngư dân trước  thiên tai hoặc tàu nước ngoài bắt  thì tỉnh nên thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Trên cơ sở quỹ được thành lập, các thành viên của Quỹ hỗ trợ ngư dân tiếp tục vận động các tổ chức, đơn vị từ thiện, các doanh nghiệp và chính những ngư dân cũng đóng góp, để xây dựng quỹ hỗ trợ kịp thời cho ngư dân khi gặp rủi ro, tai họa.
 
Ngư dân vẫn tiếp tục đóng mới tàu thuyền để hành nghề ở khơi xa.
Ngư dân vẫn tiếp tục đóng mới tàu thuyền để hành nghề ở khơi xa.

Bên cạnh đó ngành chức năng và các huyện ven biển cùng huyện đảo Lý Sơn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về biển đảo cho ngư dân, những quy định đánh bắt chung giữa những vùng biển giáp ranh; tăng cường công tác dự báo về thời tiết; vận động ngư dân trang bị thêm các phương tiện thông tin liên lạc, để tiếp nhận những thông tin dự báo về thời tiết,  ngư trường. Ngành nông nghiệp và các địa phương cần định hướng cho ngư dân phát triển ngành nghề khai thác phù hợp và bền vững. Có vậy việc ra khơi của bà con mới an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
 

*Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: "Thực hiện quy chế phối hợp góp phần bảo vệ ngư dân vươn khơi xa chặt chẽ hơn".
Ngoài những chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển của Nhà nước, hằng năm ngành NN & PTNT đã phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện các quy chế phối hợp, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật; quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, quản lý tàu cá, con người hoạt động khai thác thủy sản; bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống thủy sản, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển; đấu tranh ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Nhờ quy chế phối hợp quản lý chặt chẽ, đã góp phần đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi xa.

*Đại tá Bùi Phụ Phú - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh: Bảo vệ ngư dân ra biển lớn đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Mặc dù Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cứu hộ, cứu nạn, giúp ngư dân đánh bắt an toàn trên biển nhưng vẫn không tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Do vậy bảo vệ ngư dân không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành nào mà cần phải phối hợp cả hệ thống chính trị (từ ngành quản lý đến chính quyền địa phương) trong việc vận động nhân dân tham gia cứu hộ cứu nạn, tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển quốc tế và những quy định pháp luật của nước ta về biển đảo, để ngư dân hiểu rõ bảo vệ mình khi ra khơi đánh bắt hải sản. 

*Ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn: "Cần động viên và hỗ trợ kịp thời cho ngư dân".
Trong tổng số khoảng 1.400 tàu thuyền trong toàn huyện thì có khoảng 300 tàu thuyền có công suất trên 90CV, hoạt động ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (chủ yếu là ngư dân Bình Châu). Khi tàu bị nạn do bão tố hoặc bị nước ngoài bắt tịch thu tàu, nhiều ngư dân trở về trắng tay, nên cần có sự động viên và hỗ trợ kịp thời cho ngư dân, để họ có điều kiện tu sửa hoặc đóng mới tàu thuyền, có như vậy  ngư dân mới yên tâm ra khơi đánh bắt.  

*Ông Nguyễn Ngọc Tây - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (Tư Nghĩa): "Nên xây dựng vũng trú bão an toàn ngoài đảo xa và hệ thống quản lý bộ đàm".
Những năm gần đây, bão tố ngày càng khốc liệt nên năm nào ngư dân trong tỉnh cũng bị thiệt hại do thiên tai. Ngoài chính sách hỗ trợ ngư dân, Nhà nước nên xây dựng vũng trú bão an toàn ở ngoài đảo xa, để ngư dân kịp thời né tránh bão, đồng thời nên hỗ trợ hệ thống bộ đàm có số đăng ký để ngành chức năng và địa phương dễ dàng quản lý khi có tai nạn xảy ra đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ. Lâu nay ngư dân tự sắm nên việc quản lý còn lỏng lẻo. Vì vậy có một số tàu thuyền hoạt động khơi xa, khi gặp bão tố vẫn không nắm bắt hết...

*Ông Võ Hoàng - ngư dân thôn Tân Thạch, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa): "Thành lập tổ đội liên kết để tự bảo vệ mình nơi khơi xa".
Ra khơi xa, giữa biển cả mênh mông, thì điểm tựa chủ yếu là các ngư dân  phải dựa vào nhau mà hoạt động nên các địa phương cần thành lập các tổ đội tự quản tàu thuyền trên biển. Thành lập tổ đội tự quản có nhiều điều lợi: Ngoài việc trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong việc đánh bắt hạn chế chi phí, và khi gặp rủi ro do bão tố hay tàu lạ đâm chìm thì kịp thời thông báo về địa phương, đồng thời cứu vớt, lai dắt tàu vào bờ kịp thời.

Mai Hạ

.