Công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ: Còn "lỏng" tay với doanh nghiệp

02:04, 09/04/2010
.
(QNg) - Do sự thiếu trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, nên tình trạng mất an toàn trong lao động trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã diễn ra phức tạp. Hậu quả là đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm, gây ra nhiều cái chết và bị thương cho người lao động. Thế nhưng thực tế rất ít DN  bị xử phạt nghiêm minh vấn đề này.

Đến đâu cũng thấy vi phạm...
Nhà máy may Dung Quất (Công ty Vinatex - Đà Nẵng) là một trong số ít đơn vị trên địa bàn tỉnh làm tốt về công tác ATVSLĐ-PCCN. Vậy mà chúng tôi đến một lò hơi, thì thấy lửa đang cháy nham nhở ở phía ngoài miệng lò, "gặm" những mẩu gỗ xung quanh. Thấy có người đến người công nhân trông lò hơi mới chạy đến dùng bình xịt hơi dập tắt ngọn lửa, rồi phân bua: "Em mới đưa than từ lò ra ngoài, đợi nguội rồi mới mang đi bỏ". Nghe giải thích cũng xuôi... tai, nhưng nếu lửa bốc cháy mạnh lên và nổ lò hơi, không biết hậu quả sẽ như thế nào. Đi vào các phân xưởng may chúng tôi còn thấy, rất nhiều công nhân không đội mũ, mang khẩu trang và đồng phục theo qui định.

Công nhân may không mặc đồng phục và chưa đảm bảo đồ bảo hộ lao động, chuyện thường thấy ở các xưởng may công nghiệp.
Công nhân may không mặc đồng phục và chưa đảm bảo đồ bảo hộ lao động, chuyện thường thấy ở các xưởng may công nghiệp.
Trong những ngày đi cùng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra công tác ATVSLĐ-PCCN, chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh “cam chịu” của công nhân mà xót lòng. Ở một cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu (Khu công nghiệp Quảng Phú), chúng tôi thấy chủ DN rất chủ quan khi không chừa hành lang cứu hoả, còn hệ thống lối thoát nạn ra khỏi xưởng sản xuất thì không đảm bảo. Tại các xưởng sản xuất, nhiều công nhân không mang găng tay, khẩu trang và kính đeo mắt. Một công nhân bảo:  Đeo găng tay sợ vướng, khó làm việc. Trong khi đó các cánh quạt thổi bụi bay mù mịt xung quanh nơi làm việc. Chắc chắn những bụi gỗ này sẽ không chừa các buồng phổi và mắt của công nhân lao động ở đây. Hỏi ra mới biết DN đã trang bị đầy đủ cho người lao động, nhưng công nhân không mang đồ bảo hộ khi lao động. Còn chủ DN thì cũng chẳng buồn nhắc nhở họ thực hiện việc "an toàn để lao động".

Đoàn kiểm tra liên ngành còn cho chúng tôi biết, ngoài những lỗi vi phạm trên, qua công tác kiểm tra các DN trên địa bàn tỉnh còn hàng chục lỗi vi phạm khác: Chưa tổ chức huấn luyện an toàn lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động; vệ sinh công nghiệp trong và ngoài nhà xưởng không đảm bảo; chưa đo đạc môi trường lao động theo định kỳ; chưa có bảng quy trình vận hành xử lý sự cố và kiểm định đối với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Nhiều DN không huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng chữa cháy tại cơ sở; hệ thống PCCC (hệ thống nước chữa cháy, bình chữa cháy) chưa được bảo dưỡng thường xuyên và trang bị đủ cơ số theo qui định...
   
Doanh nghiệp "nhờn thuốc"? 
Vấn đề mà dư luận lâu nay đặt ra là, vì sao DN không lo an toàn lao động cho công nhân mà vẫn "bình chân như vại", vẫn sản xuất kinh doanh bình thường. Thông thường trước khi đi vào hoạt động, DN phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục, điều kiện cần thiết. Nhưng tại Quảng Ngãi có nghịch lý là: Hoạt động sản xuất rồi mới... "đụng đâu lo đấy". Nghĩa là, vấn đề an toàn lao động không được đặt lên hàng đầu trong lao động, sản xuất.
 
Dù được trang bị kính đeo mắt nhưng người công nhân này vẫn không mang kính bảo hộ.
Dù được trang bị kính đeo mắt nhưng người công nhân này vẫn không mang kính bảo hộ.
Từ sự chủ quan ấy của các DN, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động đau lòng. Mới đây khoảng 9 giờ ngày 11/01/2010, tại thôn Xuân Hoà, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) trong khi lắp dựng cột thép tại công trường đường dây 220KV Dốc Sỏi - Quảng Ngãi, do Xí nghiệp Viễn Đông, Công ty TNHH  Địa Phương (TP Tuy Hoà, Phú Yên) thi công, một sợi dây cáp đã đứt ra văng xuống, làm chết tại chỗ anh công nhân Mai Đình Tuấn. Theo đoàn điều tra vụ tai nạn lao động nói trên thì bất cẩn từ phía chủ sử dụng lao động, vì chưa bố trí cán bộ giám sát kỹ thuật an toàn trong quá trình thi công, đội thi công lại không tuân thủ theo các biện pháp thi công. Trong khi đó thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động là thiết bị nâng thì chưa được kiểm định. Người vận hành thiết bị nâng này lại chưa được đào tạo và cấp phép giấy chứng nhận vận hành theo quy định của Nhà nước.

Vụ tai nạn lao động nói trên dù lỗi từ phía DN, nhưng  rồi DN dùng tiền lo chu đáo cho gia đình người bị hại (gần 100 triệu đồng) thế là xong. Có điều đây không phải là trường hợp duy nhất, vì lâu nay khi xảy ra tai nạn lao động, các chủ DN thoả thuận với gia đình và cứ lấy tiền ra "phủ" để tránh chịu tránh nhiệm trước pháp luật. Nhìn từ bên ngoài ai cũng cho vậy là hợp tình, thế nhưng phía sau sự hợp tình ấy là tính mạng và nỗi đau của người thân trong gia đình người bị nạn. Mạng sống con người quá rẻ mạt trước sự vô trách nhiệm một số DN và đồng tiền.

Tìm hiểu chúng tôi còn biết, còn rất nhiều vụ tai nạn lao động mà các chủ DN  giấu không báo cho cơ quan chức năng biết. Họ âm thầm đưa người bị nạn đến bệnh viện điều trị, nhưng theo một bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Dung Quất thì, có không ít trường hợp lý ra phải điều trị lâu dài, nhưng không hiểu lý do gì mà các đơn vị sử dụng lao động đều đến làm cam đoan với bệnh viện và xin lao động của mình xuất viện, có trường hợp rất nặng nhưng họ vẫn xin về. Có Phải chăng các đơn vị này sợ tốn kém khi điều trị công nhân tại bệnh viện?. Đó là chưa kể có vụ tai nạn lao động nhưng DN không báo cáo, Thanh tra Sở LĐTB&XH biết được đã vào xử lý và đề nghị cơ quan chức năng thụ lý, làm rõ trước pháp luật. Thế nhưng có một số vụ việc bị chìm vào im lặng.

Trong khi đó quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành nếu phát hiện các lỗi vi phạm nói trên thì chỉ dừng lại ở mức "nhắc nhở", đề nghị khắc phục sau 30 ngày kể từ khi lập biên bản vi phạm. Từng trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Lê Hồng Hà - Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng: Việc kiểm tra, thanh tra về an toàn lao động lâu nay vẫn mang tính "chiếu lệ". Thực tế là có xử phạt tiền, nhưng các doanh nghiệp không nộp tiền cũng phải "bó tay". Vì những lý do đó mà các doanh nghiệp đã "nhờn thuốc"...
 
* Ông Trương Văn Nhân - Phó Phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành công tác VSATLĐ-PCCN:
 
Việc quay lại kiểm tra xem DN khắc phục những lỗi vi phạm sau 30 ngày là rất khó. Vì từ khâu thủ tục thành lập đoàn kiểm tra đến thời gian và kinh phí cho đoàn kiểm tra... rất nhiêu khê. Vì vậy rút kinh nghiệm những lần sau, mỗi lần thành lập đoàn đi kiểm tra, ít nhất phải có thanh tra viên trong đoàn. Vì chỉ có thanh tra viên khi phát hiện lỗi vi phạm mới có quyền lập biên bản xử lý hành chính tại chỗ, tính răn đe mới đảm bảo, DN "ngán" mà thực hiện tốt an toàn lao động.

* Ông Trương Văn Hà - Chuyên viên LĐLĐ tỉnh, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành:
Qua kiểm tra cho thấy DN làm tốt công tác VSATLĐ-PCCN thì ít, mà DN vi phạm công tác này thì nhiều. Tuy nhiên 100% DN khi đoàn đến kiểm tra đều có lỗi. Trong đó nhiều DN biện bạch vi phạm là do không hiểu biết pháp luật, nhưng đây là điều vô lý. Vì khi bước vào kinh doanh thì trước tiên DN phải tìm hiểu luật trước đã, rồi mới bắt tay vào hoạt động sản xuất. Vì vậy theo tôi, nếu DN nào nói không hiểu luật là né tránh trách nhiệm của mình.

* Ông Lưu Văn Bảy- Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Vũ:
 
Để tránh thiệt hại nặng cho DN, chúng tôi đã mua bảo hiểm cháy nổ đầy đủ, trong đó có mua kèm theo phần rủi ro do thiên tai gây ra về giông bão, gió lốc. Vậy mà trong bão số 9/2009, DN chúng tôi bị thiệt hại do thiên tai gây ra mà bảo hiểm vẫn không thanh toán phần này, do cách dùng câu chữ của DN bán bảo hiểm. Chúng tôi nghĩ rằng ít nhất ngành chức năng phải tổ chức tập huấn, chỉnh sửa lại cách dùng các loại từ ngữ, câu chữ chuyên ngành để tránh chuyện DN mua bảo hiểm mà vẫn không được thanh toán bảo hiểm, như vậy là thiệt cho DN.

* Ông Huỳnh Bảo Lộc - Phó Giám đốc Nhà máy may Dung Quất:
 
Nhà máy chúng tôi chủ yếu là đối tác nước ngoài. Họ rất xem trọng công tác ATVSLĐ-PCCN, trong đó rất chú trọng quyền lợi của người lao động. Vì vậy Nhà máy chúng tôi luôn bảo vệ an toàn cho người lao động trong sản xuất. Vì chỉ có an toàn trong lao động và được tư vấn tận dụng thời gian trong sản xuất thì anh chị em công nhân mới an tâm, sản xuất được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập bản thân. Thông qua đó chúng tôi giảm được chi phí trong sản xuất. Vì vậy việc bảo vệ an toàn cho người lao động cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho chính nhà máy chúng tôi.

P.A

.