An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều nỗi lo

05:03, 01/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra công tác ATVSTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

TIN LIÊN QUAN

Theo chân các đoàn kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh một số cơ sở chấp hành quy định pháp luật về sản xuất, chế biến thực phẩm thì cũng còn nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm, nhất là công tác vệ sinh cơ sở sản xuất và sử dụng phụ gia, hóa chất trong quá trình sản xuất. Đây là những mối nguy đối với sức khỏe người tiêu dùng.

 Kiểm tra VSATTP tại một cơ sở sản xuất bò khô trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.
Kiểm tra VSATTP tại một cơ sở sản xuất bò khô trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.


Trước Tết, ngành y tế đã tổ chức kiểm tra 58 cơ sở (11 cơ sở sản xuất bò khô, 14 cơ sở sản xuất chả thịt, 1 cơ sở sản xuất chả cá, 5 cơ sở chế biến cá bống, 1 công ty bia, 1 cơ sở sản xuất đậu khuôn, 16 cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống, 6 cơ sở chế biến hạt hướng dương) và đã phát hiện 27 cơ sở vi phạm. Ngành y tế cũng tăng cường kiểm tra công tác triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Minh Long, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Ngành NN&PTNT đã thanh tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, giống cây trồng nông nghiệp, phân bón, sản phẩm nông thủy sản, thu gom, mua bán động vật và kiểm tra 67 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, thực phẩm. Các huyện thành lập 14 đoàn kiểm tra và cấp xã, phường, thị trấn 163 đoàn để kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết.   

Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở vẫn còn sử dụng chất phụ gia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong số 29 mẫu (gồm thịt bò khô, heo khô, chả thịt, chả cá, cá bống rim, mứt gừng, mứt dừa) gửi kiểm nghiệm giám sát mối nguy thì có 9 mẫu không đạt, trong đó có 5 mẫu sử dụng Natri Benzoat và 4 mẫu có hàm lượng sunfit (do sử dụng phụ gia Metabisunphit) vượt mức quy định.

Trong dịp Tết vừa qua, tuy không có ca ngộ độc tập thể, nhưng vẫn có nhiều trường hợp ngộ độc nhỏ, lẻ do sử dụng rượu và thực phẩm thiếu an toàn. Toàn tỉnh có 9 ca ngộ độc thực phẩm, không có ca tử vong. Điều đó cho thấy, mối nguy từ thực phẩm thiếu an toàn vẫn đang là nỗi lo của người tiêu dùng. Thực tế hiện nay, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn, nhất là các mặt hàng rau củ quả, các sản phẩm như thịt, chả...

Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Nguyễn Văn Oai, cho biết: Đối tượng thanh kiểm tra hầu hết là các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ; vi phạm chủ yếu như: Không khám sức khỏe định kỳ cho người tham gia chế biến thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu chế biến không rõ ràng. Nhiều cơ sở sản xuất do ngành nông nghiệp quản lý chưa thiết kế, bố trí quy trình sản xuất theo quy tắc 1 chiều, dụng cụ còn thô sơ, chưa đảm bảo VSATTP, nơi sản xuất bố trí gần nguồn ô nhiễm; cơ sở kinh doanh rau củ quả, thịt, trứng chưa đủ điều kiện; dụng cụ sơ chế, chế biến và bảo quản, vận chuyển chưa đảm bảo...

Hiện nay, công tác kiểm tra ATVSTP vẫn còn chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót; một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Hiện công tác quản lý ATVSTP có sự tham gia của 3 đơn vị, gồm: Y tế, nông nghiệp và công thương. Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa được thực hiện thường xuyên. Trên thực tế, quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng chưa được một số cơ sở sản xuất đặt lên hàng đầu. Do đó, người tiêu dùng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có sự an toàn ngay chính trong những bữa ăn hằng ngày của gia đình.
                         

Bài, ảnh: PV
 


.