Tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân

10:12, 22/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Kế hoạch số 3559/KH-UBND ngày 10.9.2013 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, thì toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2014 đạt 70% và năm 2015 đạt trên 75% dân số của tỉnh tham gia BHYT, đến năm 2020 đạt 90% dân số tham gia BHYT.

TIN LIÊN QUAN

Để đạt mục tiêu trên, những năm qua công tác BHYT luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm và chỉ đạo ngành BHXH thực hiện có hiệu quả. Số người tham gia BHYT trên địa bàn hằng năm không ngừng tăng lên. Nếu như năm 1993 (năm đầu tiên thực hiện BHYT), toàn tỉnh có 26.120 người tham gia BHYT, thì đến năm 1995 có 60.910 người tham gia, năm 2000 có 143.400 người, năm 2005 có 255.372 người, năm 2010 có 725.096 người và tính đến tháng 9.2014 toàn tỉnh có 857.247 người tham gia BHYT. Như vậy qua hơn 20 năm số người tham gia BHYT tăng hơn 32 lần. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt gần 70% dân số. Đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Ngãi thì đây là một tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Công tác KCB BHYT đã được ngành BHXH phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đối tượng tham gia, chất lượng KCB ngày càng  được cải thiện. Nếu như năm 1993 toàn tỉnh có 6.377 lượt người KCB BHYT, thì đến tháng 9.2014 toàn tỉnh có 1.182.389  lượt người KCB BHYT. Trong đó có rất nhiều trường hợp điều trị được quỹ BHYT chi trả chi phí cao từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng.

Trong công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, ngoài việc phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đưa tin, bài phản ánh, BHXH tỉnh cũng đã tham gia chương trình đối thoại trực tiếp với người dân ở cơ sở; đối thoại với doanh nghiệp.  Đồng thời ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn. Đặc biệt là việc ký kết với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh và triển khai thí điểm BHYT tự nguyện đối với Nông dân 2 xã Bình Trung (Bình Sơn) và Hành Thịnh (Nghĩa Hành); với phụ nữ 2 xã Bình Thới (Bình Sơn) và Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Điều này đã đưa chính sách BHYT đến gần hơn với người dân, góp phần tích cực vào lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện BHYT trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn nhất định: Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm; tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao, ngoài những đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm, tỷ lệ tham gia BHYT của người lao động trong các doanh nghiệp, hộ cận nghèo, tự nguyện tham gia BHYT còn thấp.

Đối với đối tượng bắt buộc chủ sử dụng lao động luôn tìm cách trốn tránh đóng BHYT cho người lao động, nên ảnh hưởng đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT và nợ đọng BHYT ngày càng tăng. Đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT hiện nay do nhiều ngành quản lý, chưa tập trung vào một đầu mối nên không có sự kiểm soát trong khâu lập danh sách giữa các ngành dẫn đến tình trạng trùng thẻ BHYT vẫn còn xảy ra. Vai trò quản lý nhà nước của UBND các cấp chưa phát huy đầy đủ, các chỉ tiêu phát triển BHYT, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Vừa qua, tại Hội thảo về vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân do Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức, BHXH tỉnh đã đề ra giải pháp: Phải có cam kết mạnh mẽ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định rõ vai trò và trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện Luật BHYT; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT. Nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT... Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, công tác triển khai thực hiện BHYT tại Quảng Ngãi thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Hồ Thủy
 


.