Lập tổ cấp cứu điều trị bệnh tay chân miệng tại các bệnh viện

03:12, 04/12/2011
.

Trước sự gia tăng và diễn biến phức tạp của dịch tay chân miệng, nhiều địa phương đã tiến hành các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng vào cuộc và huy động nhiều nguồn lực tham gia chống dịch. Dự kiến dịch còn diễn biến phức tạp hết năm 2011, có thể kéo dài sang cả năm 2012.

Hiện nay, dịch tay chân miệng (TCM) đang phát triển và diễn biến phức tạp ở các địa phương, một số nơi cần sự hỗ trợ chuyên môn của y tế tuyến trên.

Vì thế, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) mới có văn bản yêu cầu các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế mỗi đơn vị cần thành lập 2 tổ Hồi sức cấp cứu lưu động để sẵn sàng hỗ trợ hồi sức cấp cứu các ca bệnh nặng khi có yêu cầu của các địa phương hoặc có sự điều động của Bộ Y tế.

Riêng tại Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện bệnh nhiệt đới TW, các bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế có khoa nhi, truyền nhiễm, mỗi bệnh viện cần lập thêm 2 tổ lưu động cấp cứu, điều trị bệnh TCM để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới khi có yêu cầu.

Đối với các địa phương, Cục quản lý khám chữa bệnh cũng yêu cầu các sở y tế cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mỗi đơn vị thành lập 2 tổ lưu động cấp cứu để điều trị bệnh TCM.

Trước việc bệnh TCM đang bùng phát tại TP. Hải Phòng với số lượng người bệnh gia tăng đột biến, mức độ tiến triển bệnh khá nhanh, đe dọa tính mạng và sức khỏe của trẻ em, báo Sức khỏe đời sống đưa tin Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều trị, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong do bệnh TCM và ngăn chặn bệnh TCM lây lan trong cộng đồng.

Thành phố Hải Phòng cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kinh phí, thiết bị phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trước mắt, thành phố đồng ý trích quỹ dự phòng để mua thêm 15 máy phun dịch khử trùng cho 15 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện; mua bổ sung máy bơm tiêm điện, máy thở để dùng cho các trường hợp bệnh nhân nguy kịch.

Thành phố cũng quyết định tăng cường công tác truyền thông đến người dân về cách phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng phương án về thuốc, nhân lực cho xử lý nếu phát sinh dịch TCM.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðăk Nông Ngô Minh Trực cũng cho biết: Bệnh TCM bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh và đã lây lan tới tất cả 71 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã của tỉnh với 398 ca mắc bệnh.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận tại 30 trường mẫu giáo, mầm non thuộc 21 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã có học sinh mắc bệnh TCM, trong đó một số trường ở huyện Ðác R’lấp và Tuy Ðức phải đóng cửa để ngăn ngừa bệnh lây lan.

Ðể tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM, Sở Y tế đã cấp 1.098 kg cloramin B; 2.220 khẩu trang; 5.600 đôi ủng... cho trung tâm y tế các huyện, thị xã triển khai khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại vùng có bệnh.

Trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa các huyện thành lập các đội phòng, chống bệnh và khám chữa bệnh lưu động tại cơ sở. Ngoài ra, trung tâm y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho 500 cán bộ y tế thôn, buôn, giáo viên và 100 trưởng, phó trưởng các thôn, buôn trong toàn tỉnh về cách nhận biết bệnh, xử lý, giám sát bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh trong cộng đồng.

Theo N.Anh - VietNamNet

.