Ghi ơn người mở đất, lập làng

02:02, 13/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã thành lệ, cứ đến tháng Giêng và tháng 8 âm lịch, người dân các thôn Gia Hòa, An Lộc, Tăng Long, An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) lại tổ chức lễ cúng tại các nhà thờ tiền hiền, nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính đối với Thành hoàng làng cùng các bậc tiền hiền đã có công khai khẩn, dựng làng.
 
Vào ngày 16 tháng Giêng, tiếng trống, tiếng chiêng trong lễ cúng tiền hiền tại nhà thờ tiền hiền của 4 thôn Gia Hòa, An Lộc, Tăng Long, An Đạo (xã Tịnh Long) vang vọng cả một vùng quê. Người dân các thôn tập trung về nhà thờ để thắp hương cho Thành hoàng làng cùng 8 bậc tiền hiền đã có công khai khẩn, dựng làng. “Người dân Tịnh Long có lệ thờ Thành hoàng làng và bậc tiền hiền ở đình làng và nhà thờ tiền hiền của thôn. Vào ngày rằm, mùng Một hằng tháng, chúng tôi đều đặn tổ chức cúng để tạ ơn Thành hoàng làng và bậc tiền hiền đã có công khai hoang, lập làng.
 
Nhà thờ tiền hiền thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) là nơi người dân địa phương thờ Thành hoàng làng và các bậc tiền hiền có công lập làng.           Ảnh: Ý THU
Nhà thờ tiền hiền thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) là nơi người dân địa phương thờ Thành hoàng làng và các bậc tiền hiền có công lập làng. Ảnh: Ý THU
Riêng ngày 16 tháng Giêng, chúng tôi tổ chức lễ cúng lớn nhất trong năm, gọi là Thanh Minh, chủ yếu để tạ ơn bậc tiền hiền và các âm hồn không có bà con thân thuộc cúng giỗ. Vào ngày này, thành viên ban lễ nghi khánh tiết của thôn mặc áo dài khăn đóng trang nghiêm để làm lễ cúng. Đông đảo người dân trong thôn đến dự, thắp hương để bày tỏ lòng thành”, ông Huỳnh Ân (74 tuổi), thành viên ban lễ nghi khánh tiết, phụ trách trông coi, hương khói tại nhà thờ tiền hiền thôn Tăng Long, xã Tịnh Long chia sẻ.
 
Ngoài lễ cúng lớn diễn ra vào tháng Giêng, người dân xã Tịnh Long còn duy trì tổ chức lễ Kỳ yên tại các nhà thờ tiền hiền vào ngày 12 tháng 8 âm lịch. “Người dân thường gọi lễ Kỳ yên là lễ giỗ Bà. Đây là lễ tế thần Thành Hoàng làng Sung Tích xưa, chính là xã Tịnh Long ngày nay. Ngoài kính cẩn tổ chức lễ cúng này, theo truyền miệng dân gian, hội đua thuyền được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán chính là để tỏ lòng kính trọng, biết ơn bà Thành hoàng đã có công lập làng”, Trưởng thôn An Lộc Nguyễn Văn Lâm cho biết.
 
Người dân xã Tịnh Long không ai biết Thành hoàng làng có tên cụ thể là gì, chỉ biết vị Thành hoàng làng là phụ nữ, có công xây dựng phát triển làng Sung Tích xưa. Trước kia, khi còn đình làng Sung Tích (ngôi đình được nhân dân xây dựng vào thời Hậu Lê, nằm ở thôn An Lộc), người dân thờ Bà tại đình làng này. Về sau, khi đình làng xuống cấp, người dân 4 thôn Gia Hòa, An Lộc, Tăng Long, An Đạo thờ Bà tại nhà thờ tiền hiền của từng thôn. Nhà thờ tiền hiền 4 thôn này đều thờ các bậc tiền hiền thuộc các dòng họ đến xây dựng làng Sung Tích, theo thứ tự thời gian trước - sau là họ Nguyễn, Đỗ, Tô, Huỳnh, Trần, Lê, Ngô, Trịnh.
 
Ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão 2023, các bậc cao niên thôn Tăng Long thực hiện lễ cúng Thanh Minh trang trọng tại nhà thờ tiền hiền.  Ảnh: Ý THU
Ngày 16 tháng Giêng năm Quý Mão 2023, các bậc cao niên thôn Tăng Long thực hiện lễ cúng Thanh Minh trang trọng tại nhà thờ tiền hiền. Ảnh: Ý THU
Theo người dân địa phương, vùng đất Tịnh Long cạnh sông, sát núi. Những lớp người đầu tiên đặt chân đến Tịnh Long đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ để khai phá, cải tạo thiên nhiên, đặt nền móng cho cuộc sống mới. Những người đến sau vì vậy mà luôn ghi lòng tạc dạ công ơn người đi trước. Từ đó, xây dựng nên nhà thờ tiền hiền, lập ra các ban lễ nghi khánh tiết phụ trách trông coi, cúng tế hằng năm.
 
Điều đáng quý là, trải qua bao thăng trầm của thời gian, 4 ban lễ nghi khánh tiết tại 4 thôn Gia Hòa, Tăng Long, An Lộc, An Đạo vẫn luôn được các thế hệ người dân địa phương duy trì. “Ở làng chúng tôi, “ông Từ” là tên gọi dành cho người phụ trách trông coi, nhang khói tại nhà thờ tiền hiền. Tôi tự hào là ông Từ đời thứ 9 của nhà thờ tiền hiền Tăng Long. Mỗi ngày, tôi đều đến nhang khói, quét dọn, chăm sóc hoa tại nhà thờ, như một cách bày tỏ lòng thành với các bậc tiền hiền đã góp công lao tạo nên làng xóm ngày nay”, ông Huỳnh Ân bày tỏ.
 
Phát huy truyền thống tốt đẹp, người dân xã Tịnh Long luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người có công với làng xã bằng cách luân phiên nhau duy trì tín ngưỡng thờ cúng các bậc tiền hiền. Dẫu làng quê xưa giờ đã lên phố thị, dẫu cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay, song công ơn của Thành hoàng và các bậc tiền hiền vẫn luôn được khắc ghi trong tâm khảm của người dân nơi này.
 
Ý THU
 
 
 
 

.