Độc đáo hiện vật điêu khắc của người Chăm

08:02, 08/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang trưng bày 14 hiện vật niên đại từ cuối thế kỷ X đến giữa thế kỷ XII, được khai quật và mang về từ Chánh Lộ và một số nơi khác ở Quảng Ngãi. Trong đó, có phù điêu nữ thần Sarasvati, tượng nữ thần Lakshmi và tượng nữ thần Uma, đây là 3 hiện vật rất đặc biệt. 
 
[links()]
 
Phù điêu nữ thần Sarasvati
 
Sarasvati là nữ thần tri thức, âm nhạc và nghệ thuật, vợ của thần Brahma. Nữ thần thường xuất hiện trong tranh, tượng nghệ thuật và thần thoại với phong cách duyên dáng, giàu nữ tính, cưỡi trên lưng ngỗng Hamsa hoặc ngồi trên một đài sen, có 4 vật báu cầm tay gồm: Quyển sách (biểu tượng của văn chương, học thuật), đàn vina (biểu tượng cho sự am tường nghệ thuật), chuỗi tràng hạt pha lê (biểu tượng cho sức mạnh tinh thần) và lọ nước thiêng (biểu tượng của năng lực sáng tạo và sự thanh tẩy). Sarasvati còn là nữ thần của sông ngòi, tượng trưng cho sự màu mỡ và thịnh vượng.
 
Tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm ký hiệu: [21.4], là một hiện vật cao 100cm, rộng 91cm, chất liệu đá sa thạch, niên đại ước khoảng thế kỷ XII, tìm thấy trong cuộc khai quật Chánh Lộ năm 1904. Phù điêu thể hiện nữ thần trong tư thế múa, chân khuỳnh, hông nhếch, ngực và bụng ưỡn về phía trước, dáng điệu mềm mại, uyển chuyển. Nữ thần đeo vòng cổ với nhiều chiếc liên tiếp nhau, chiếc trong cùng có đáy hình trái tim giữa hai bầu vú đầy đặn, nhưng phía dưới không có ngấn như thường thấy. Khoác trên mình nữ thần là một sampot ngắn, trang trí nhiều hoa, vạt trước dài, xếp thành nhiều nếp, buông mềm mại theo những nét uốn lượn của thân thể. Thần đội kirita 3 tầng trên đầu, tai đeo nhiều vòng trang sức, khóe miệng có hai lúm sâu như thể mỉm cười.
 
Tượng nữ thần Lakshmi
 
Chánh Lộ là tên gọi được giới khảo cổ học đặt cho một cụm phế tích tháp Chăm, nằm ở xứ Cổ Tháp, làng Chánh Lộ, phủ Tư Nghĩa, nay là khu vực Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, thuộc phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi). Tháp đã bị đổ nát từ lâu, đến năm 1904 được H. Parmentier khai quật và tìm thấy khoảng 100 hiện vật có dáng dấp của một phong cách nghệ thuật riêng mà về sau nhà nghệ thuật học và nghiên cứu Chăm J. Boisselier gọi là “phong cách Chánh Lộ”, mang những đặc điểm chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách tháp Mẫm trong dòng chảy kiến trúc - điêu khắc Chăm. Phù điêu nữ thần Sarasvati, tượng nữ thần Lakshmi và tượng nữ thần Uma, là ba hiện vật rất đáng lưu ý trong số các hiện vật này.

Lakshmi là vị thần của vận may, sức khỏe, sắc đẹp và thịnh vượng, vì thế người ta thờ cúng nàng để cầu mong có được phú quý, sung túc và giàu sang. Nàng là vợ của Vishnu, là mẹ của Kama - thần tình yêu, nhục cảm. Trong nghệ thuật Ấn Độ, Lakshmi thường được thể hiện qua hình tượng một phụ nữ xinh đẹp, có hai hoặc bốn tay, đứng hoặc ngồi trên một đóa hoa sen - biểu tượng của vẻ đẹp tinh thần thuần túy và tinh khiết. Theo truyền thuyết, nữ thần Lakshmi sinh ra từ biển. 

 
Tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm ký hiệu: [8.2], niên đại thế kỷ XI, tạo tác bằng đá sa thạch, tìm thấy ở Phú Nhơn, nay thuộc phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Tượng có chiều cao 96cm, rộng 42cm, đứng thẳng trên một đế hình vuông, lưng tựa vào giá đỡ hình cung tròn hai ngấn, từ đỉnh đầu xuống đến vai thắt lại thành hình chiếc lá đề, phần dưới vuốt xuôi cân đối dọc theo thân thể. Nét mặt nữ thần nghiêm trang, mắt khép hờ, chân mày giao nhau, tai dài nhưng không đeo trang sức, tóc búi cao hai tầng. Chiếc cổ hai ngấn của nữ thần không mang vòng trang trí như thể kín đáo khoe vẻ đẹp đầy đặn, hợp với đôi ngực vun tròn. Phía dưới vú là những ngấn ước lệ, cho thấy vòng eo thon gọn. Đôi tay Lakshmi buông theo thân mình, bên trái cầm chiếc lọ nhỏ, bên phải cầm búp sen non. Nữ thần mặc váy chấm đến cổ chân, để trơn, không trang trí.
 
Tượng nữ thần Uma
 
Uma là vợ của thần Siva, được xem là vị nữ thần phức tạp nhất, đồng thời có quyền năng nhất trong số các vị nữ thần. Nàng còn có nhiều tên gọi khác như Parvati, Durga, Sati, Gauri, Chamunda.
 
Tượng nữ thần Uma trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm ký hiệu [4.1], cao 84cm, rộng 23cm, chất liệu đá sa thạch, có niên đại khoảng thế kỷ X, tìm thấy ở làng Đông Phước, nay thuộc xã Bình Thanh (Bình Sơn) năm 1901. Đây là một tượng tròn, tư thế đứng thẳng. Khi mới phát hiện, tượng đã bị mất 2 cánh tay và 2 bàn chân, đến khoảng trước năm 1972, phần đầu cũng bị mất. Tuy vậy, pho tượng vẫn toát lên vẻ đẹp nữ tính, quyến rũ và duyên dáng, hai bầu vú tràn đầy sức sống với ba nếp nhăn ước lệ bên dưới, liền với phần bụng. Phần thân dưới của nữ thần khoác chiếc sarong đặc biệt, có hai lớp với nhiều chi tiết trang trí phong phú, tinh tế, chạy từ thắt lưng xuống mắt cá chân. Henry Parmentier đã miêu tả khá kỹ về bức tượng này trong tác phẩm Cathalogue Le musée de Cam de Tourane (1919), khi tuyệt tác chưa bị mất phần đầu.
 
Tượng và phù điêu khai quật ở Quảng Ngãi trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng số lượng không nhiều, nhưng là những hiện vật có giá trị và không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về phong cách Chánh Lộ - một phong cách nghệ thuật độc đáo trong lịch sử điêu khắc và kiến trúc Chăm.
 
LÊ HỒNG KHÁNH
 
 

.