Ngày đi chậm lắm…

09:10, 19/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- "Ngày đi chậm lắm, dòng sông biếc/ Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa" là hai câu thơ của thi sĩ tài danh Bích Khê. "Ngày đi chậm" và "dòng sông hừng sáng" hiện lên như một đối ngẫu giữa thời gian và không gian. Trong tâm thức của một nhà thơ bấy giờ tuổi đang trẻ...
[links()]
 
Ở vào thời điểm đất nước đang đứng trước cuộc đại biến động. Hai hình thái ấy sẽ tắt khi trời tối, bởi dẫu đi chậm thì ban ngày cũng tới lúc chạng vạng, còn dòng sông dù hừng sáng giữa mưa thì cũng không thể sáng lúc tối trời. Ngày đi chậm rồi cuối cùng cũng hết một ngày. Thời gian có lúc trôi khoan thai có lúc trôi vội vã nhưng đêm nối ngày ngày tiếp đêm là quy luật. Tôi cũng từng được sống trong cảm giác “ngày đi chậm”. 
 
Đó là những ngày trong chiến tranh, khi mình liên tục bị đội bom và pháo. Vào lúc đó, đúng là “Một ngày dài hơn thế kỷ”, và chẳng ai biết làm gì để thời gian trôi nhanh hơn. Ngày ấy tôi cũng còn rất trẻ. Vậy mà có lúc tôi ngỡ mình đã nắm được thời gian trong tay. Cơ hội đến vào đầu năm 1973, trong chuyến đi công tác chiến trường xuyên qua Đồng Tháp Mười, tôi đã bắt được một…con lươn to bự. Bắt bằng tay không. Bây giờ nghĩ lại, khi mình nắm con lươn to bằng cả hai bàn tay, khoảnh khắc ấy cứ như mình đang nắm giữ được thời gian. Và mình có cơ hội. Cơ hội gì, mình cũng chẳng biết. Nhưng đúng là cơ hội còn trơn hơn con lươn. “Đừng để thời gian tuột khỏi tay”, cũng là một câu cảnh báo về cơ hội, có thể đến rồi đi, nếu mình không biết cách nắm giữ nó. 
 
Trong “một ngày đi chậm” như thời chiến tranh, cơ hội vẫn xuất hiện, tuy khá le lói. Nhưng tôi nghĩ, cơ hội thường đồng hành cùng tốc độ. Và tốc độ lại sải bước cùng “ngày đi nhanh”. Ngày đi nhanh ấy thường xảy ra trong thời bình. Và nhất là khi ta đã có tuổi. Bây giờ, với người đã ngoài 70 như tôi, thời gian trôi nhanh lắm. Như một sự hối thúc. Còn cơ hội thì vẫn đỏng đảnh, vẫn… trơn như con lươn tôi từng bắt ở Đồng Tháp Mười. Nhưng tốc độ thời gian, sự trơn tuột của cơ hội lại buộc tư duy ta phải vận động nhanh hơn. Phải thoát khỏi những lối mòn. Phải nỗ lực thay đổi. Về câu chuyện này, cuốn sách nổi tiếng và bán chạy nhất nước Mỹ  “Tốc độ tư duy” (The Speed of Thought) của Bill Gates vĩ đại đã nỏi rất rõ, rất khoa học và cũng rất giản dị về tốc độ của sáng tạo, về khả năng nắm bắt cơ hội của con người, và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh doanh. 
 
Bill Gates là người khổng lồ trong lĩnh vực ý tưởng và phần mềm máy tính cá nhân, ông đã tạo ra một sự biến đổi lớn trong phương thức làm việc của hàng trăm triệu người trên hành tinh chúng ta. Cách đây khoảng ngót vài chục năm, theo ước tính đã có đến khoảng 86% máy tính cá nhân trên thế giới sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft. Con số đó bây giờ còn tăng hơn nhiều. Tạp chí People đã từng nhận xét về Bill Gates: “Gates đối với phần mềm máy tính cũng như Edison đối với bóng đèn điện- vừa là nhà phát minh, vừa là nhà kinh doanh, vừa là chuyên gia tiếp thị phân phối và thật sự là một thiên tài!” Còn tạp chí Forbes thì viết: “Với Gates-sự cách biệt giữa ý tưởng và sản phẩm, giữa những thứ phù du và những điều vĩnh cửu đã không còn nữa”. 
 
Có thể, chính nhờ tấm gương của Bill Gates, mà bây giờ nhiều người đã lớn tuổi như tôi và hơn tôi đã sử dụng thành thạo máy tính cá nhân, chủ yếu là laptop với phần mềm Microsoft ngày càng được nâng cấp. Riêng tôi, đã sử dụng được laptop từ cách đây ngót 20 năm. 
 
Vào năm 2004, tự nhiên tôi thấy mình phải tạm biệt cái máy chữ thân thuộc từ bao năm, để chuyển sang dùng máy tính. Nghĩ là làm luôn. Tôi quyết định mua cái laptop hiệu Think Pad của hãng IBM, lúc bấy giờ là 32 triệu VND, bằng giá hai cây vàng. Mua máy mà hoàn toàn chưa biết sử dụng máy. Ai cũng nghĩ tôi liều. Mà đúng là liều thật! Nhưng không hiểu vì sao, tôi tự tin là mình sẽ dùng được cái máy mình mua, không chỉ vì nó đắt tiền(vào lúc ấy), mà vì nó sẽ giúp được mình rất nhiều khi viết báo và làm thơ. “Đánh vật với máy tính” là cụm từ một nhà báo đã tặng tôi trong thời gian đầu khi tôi tập dùng máy. Đúng là tôi đã “đánh vật” thật. Mướt mồ hôi luôn. 
 
Có lần, viết xong một bài báo và cần gửi ngay cho tòa soạn, không biết tôi loay hoay thế nào mà khi “bấm nút” gửi, lại bấm nhầm, để bài báo “đi luôn”. Mất dạng. Lại phải viết bài mới, từ đầu. Khổ vậy đấy. Nhưng cũng nhờ những “kinh nghiệm đau thương” như thế, mà tôi dần dần đã biết dùng máy tính. Bây giờ thì trong nhà tôi đã có 3 máy laptop. Tôi để mỗi nơi một chiếc, tiện đâu thì ngồi viết đó, rất thuận lợi. Xin cảm ơn Bill Gates và bài học về “Tốc độ tư duy” của ông! Trong sự chuyển động của tư duy, thì dẫu ngày đi nhanh hay ngày đi chậm, con người vẫn có thể chủ động, vẫn có thể nắm bắt “con lươn cơ hội” trong hai bàn tay mình. Chính sự chuyển động nhanh của tư duy, của suy nghĩ khiến con người làm được nhiều việc, và làm việc trong hứng khởi, bất chấp những áp lực. Nhiều khi, áp lực lại biến thành cơ hội, khi ta có “tốc độ tư duy” và làm chủ được tốc độ ấy. 
 
Giống như đời người, đất nước cũng có thể cảm nhận được tốc độ của thời gian và cũng đứng trước rất nhiều cơ hội. Kể cả những thách thức có thể biến thành cơ hội. Vấn đề là phải có “tốc độ tư duy” để “bắt con lươn cơ hội” ấy, đừng để nó “tuột khỏi tay”. 
 
THANH THẢO
 
 

.