Ngọt ngào hai tiếng quê hương

02:09, 05/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mạch nguồn của quê hương Việt Nam được Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch khắc họa trong bài hát “Quê hương”, lời thơ Đỗ Trung Quân: “...Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người...”. Mạch nguồn ấy đã ăn sâu vào trong tâm khảm người dân nước Việt, dù đi đâu, ở đâu cũng luôn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng vậy. Cũng như bao người con Quảng Ngãi xa quê, ông luôn cố gắng làm những việc có ích cho xã hội, cho quê hương...
 
Mầm xanh từ đất cằn...
 
Vào những năm 1960, vùng đất cát bạc màu Đức Phong (Mộ Đức) bị bom đạn của địch cày xới tơi bời, nhưng hằng ngày cậu học trò Nguyễn Thiên Tuế (1961) vẫn lặn lội đến trường làng với ước mơ được làm nghề giáo. Và rồi, ông thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp Cử nhân sư phạm Toán (1980 - 1984), ông được phân công về Trường THPT số 1 Mộ Đức. Sau 4 năm giảng dạy thì được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng khi mới 28 tuổi. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng các đại biểu tham quan Thư viện huyện Lý Sơn, do Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tài trợ sửa chữa, nâng cấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng cùng các đại biểu tham quan Thư viện huyện Lý Sơn, do Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tài trợ sửa chữa, nâng cấp.
 
Tưởng chừng với những thành công đó, ông Tuế sẽ gắn bó phần cuộc đời còn lại với quê hương Mộ Đức, nhưng đó lại là chìa khóa giúp ông bước sang lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp. Từ năm 1991 đến năm 2007, ông lần lượt giữ các chức vụ: Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện Mộ Đức; Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Quảng Ngãi.
 
Từ năm 2007 đến năm 2020, ông được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Ông Tuế bộc bạch: “Được tham gia quản lý, điều hành ở những lĩnh vực mới là cơ hội tốt để tôi học hỏi, phấn đấu hoàn thiện năng lực quản lý, điều hành của bản thân”.
 
Với suy nghĩ đó, nên sự học đối với ông chưa bao giờ có điểm dừng, ngay cả khi về hưu. Ông cho rằng, tri thức là vô tận. Học là để tự hoàn thiện bản thân. Vì vậy, sau khi bảo vệ thành công thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Đại học Huế - Đại học Sư phạm Huế, ông tiếp tục theo học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Quản lý giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2014).
 
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế chia sẻ: Trong 17 năm tham gia công tác quản lý tại Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, tôi có hơn 6 năm trực tiếp điều hành nhà trường và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Bộ GD&ĐT và Bộ Công thương đánh giá cao. Thành công đó là của tập thể, bản thân tôi chỉ là người quy tụ và vận dụng trí tuệ tập thể vào trong công tác quản lý, điều hành nhà trường.
 
“Tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của trường trong việc tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Thời gian đến, trường cần đào tạo những ngành nghề mà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cần. Tham gia nghiên cứu các dự án khoa học phục vụ sự phát triển của tỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG NGỌC DŨNG
Góp sức cho sự phát triển của quê hương
 
Đầu những năm 2000, Quảng Ngãi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, nên nhu cầu lao động kỹ thuật rất lớn. Vì thế, sau khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Quảng Ngãi (2005), ông Tuế đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo của trường, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Song, do ngân sách tỉnh còn khó khăn, nên đề án không được phê duyệt, ông đành khăn gói đi học tập kinh nghiệm các trường ở phía Nam.
 
Sau khi tham quan Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ông nhận thấy trường có thế mạnh về đào tạo các ngành thuộc khối kỹ thuật - công nghệ, lĩnh vực mà Quảng Ngãi đang cần, nên đề nghị tỉnh cho chủ trương hợp tác đào tạo.
 
“Đây là quyết định rất khó đối với lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, vì tỉnh cũng đang xúc tiến thành lập Trường Đại học Phạm Văn Đồng trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi. Song, vì sự phát triển của địa phương, tôi đã thuyết phục và được tỉnh đồng ý giao Trường CĐCĐ Quảng Ngãi cho Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đầu tư, nâng cấp”, ông Tuế kể. 
 
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế ra mắt album “Giai điệu xanh”.
Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế ra mắt album “Giai điệu xanh”.
 
Tháng 8.2007, Bộ Công thương quyết định thành lập Cơ sở đào tạo miền Trung tại Quảng Ngãi - trực thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, nay là Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh - Phân hiệu Quảng Ngãi, có cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang, hiện đại. 
 
Đến nay, trường đã đào tạo gần 19 nghìn sinh viên, học viên (người Quảng Ngãi chiếm 60%); trong đó, bậc đại học 4.265 sinh viên; bậc cao học 180 học viên (liên kết với ĐH Soongsill - Hàn Quốc 78 học viên và liên kết với cơ sở chính 102 học viên), có 90% học viên là người trong tỉnh. Phân hiệu có 80 cán bộ, viên chức, trong đó có 60 giảng viên đều có trình độ thạc sĩ trở lên (20% là tiến sĩ và nghiên cứu sinh)...
 
Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi, Thạc sĩ Ngô Thị Hồng Đào cho hay: Thầy Tuế là một lãnh đạo có bản lĩnh, theo đuổi đến cùng mục tiêu đặt ra, sống nghĩa tình, luôn nghĩ về quê hương Quảng Ngãi...
 
Mới đây, qua kết nối của Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đã hỗ trợ đầu tư nâng cấp Thư viện huyện Lý Sơn, với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Hằng năm, trường còn cấp học bổng, tặng quà cho học sinh, sinh viên và những hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Ngãi. Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho biết: Công trình này đã giúp người dân, cán bộ, chiến sĩ và du khách có chỗ để thư giãn; hình thành và nhân rộng văn hóa đọc trong giới trẻ...
 
Gửi tình yêu quê hương qua âm nhạc
 
Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Ngãi, nhạc sĩ Trần Xuân Tiên chia sẻ: Tôi bất ngờ và rất vui khi biết anh Tuế vừa ra mắt Album “Giai điệu xanh”, vì lâu nay tôi chỉ biết anh là hiệu trưởng một trường đại học lớn ở TP.Hồ Chí Minh. Giai điệu và ca từ trong ca khúc của anh nhẹ nhàng, trong trẻo, tạo được xúc cảm đẹp trong lòng người nghe, đặc biệt là những ca khúc viết về quê hương Quảng Ngãi: “...Quảng Ngãi ơi! Ta mãi tự hào, những con người kiên trung bất khuất, những con người mộc mạc thủy chung...” (Em về Quảng Ngãi quê anh). Cũng theo nhạc sĩ Trần Xuân Tiên, chỉ với những người có nghĩa, có tình với quê hương mới có cảm xúc để viết nên những ca từ sâu lắng như thế.
 
Mạch nguồn âm nhạc đến với ông từ thuở nhỏ, bắt nguồn từ thân sinh của ông. Nhưng rồi, khi vào đại học ông mới được tiếp cận từ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần (Quy Nhơn) và cũng chỉ có 3 tháng học đàn Guitar, sau đó là tự học.
 
Ông cho rằng, âm nhạc là con đường ngắn nhất để mọi người xích lại gần với nhau hơn. Với học sinh, sinh viên, thì đây là một trong những kỹ năng mềm rất cần cho bản thân. Với suy nghĩ đó, năm 1985, ông là người tiên phong đề nghị đưa bộ môn âm nhạc vào giảng dạy chính khóa tại Trường THPT số 1 Mộ Đức, do ông trực tiếp dạy, ngoài chuyên môn chính là Toán.
 
Khi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ông đưa bộ môn Âm nhạc vào nhóm các môn học kỹ năng mềm để giảng dạy cho sinh viên. Ông cũng là người trực tiếp viết giáo trình “Nhạc lý căn bản và thực hành Guitar” cho Tổ Âm nhạc và cùng với một số giảng viên tham gia giảng dạy.
 
Không những thế, ông còn sử dụng  được nhiều loại nhạc cụ và đam mê chụp ảnh nghệ thuật, chép tranh... “Với tôi, viết nhạc là niềm đam mê, là cách để giải tỏa những căng thẳng trong công việc và gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước qua các ca khúc”, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tuế thổ lộ.
 
“Âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc, giúp chúng ta cảm nhận được từng ngõ ngách sâu thẳm trong tâm hồn. Những ca khúc của tác giả Thiên Tuế đã nói lên điều đó; phong phú về thể loại, giản dị, dễ nhớ, hiển hiện sự sâu lắng tự đáy lòng, đặc biệt là những ca khúc viết về quê hương Quảng Ngãi, như: Em về Quảng Ngãi quê anh; Trở về Lý Sơn; Ký ức quê hương...”, nhạc sĩ Nhựt Phương (TP.Hồ Chí Minh) nhận xét.
 
 
Bài, ảnh: Đức Nguyễn
 

.