Điểm bưu điện văn hóa xã kiểu mẫu: "Hồi sinh" một thiết chế

08:09, 12/09/2012
.

(QNg)- Dẫu doanh thu thấp, khách hàng thưa vắng nhưng các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) vẫn bám trụ và khởi sắc với mô hình BĐVHX kiểu mẫu. Sự thay đổi này không chỉ giúp các điểm BĐVHX được "hồi sinh", mà nó còn góp sức vào chương trình xây dựng  nông thôn mới (NTM) của các địa phương.


TIN LIÊN QUAN


Toàn tỉnh hiện có 10/154 điểm BĐVHX được xây dựng thí điểm theo mô hình BĐVHX kiểu mẫu. Tuy hoạt động chưa sôi nổi như thời "hoàng kim" nhưng cách "tân trang" này đã giúp các điểm BĐVHX vượt qua cơn bĩ cực với doanh thu tăng từ 3 - 10 lần so với trước.

Nhộn nhịp BĐVHX kiểu mẫu

Nằm ngay ngã tư sầm uất của xã, điểm BĐVHX Đức Thạnh 2 (Mộ Đức) có hàng loạt dịch vụ như: Đặt và bán báo, sim card điện thoại, bảo hiểm xe máy hay thực hiện nhận giao điện hoa. Chẳng thế mà chưa tới 30 phút, tôi nhẩm tính điểm BĐVHX này đã đón tiếp hàng chục lượt khách hàng đến thực hiện các giao dịch.

Phụ trách điểm BĐVHX Nghĩa Thắng Nguyễn Thị Thu Hiền hướng dẫn học sinh ghi phiếu để gửi hồ sơ xét tuyển.
Phụ trách điểm BĐVHX Nghĩa Thắng Nguyễn Thị Thu Hiền hướng dẫn học sinh ghi phiếu để gửi hồ sơ xét tuyển.


Chị quản lý Nguyễn Thị Vân dù bận rộn nhưng vẫn nở nụ cười tươi rói. "Từ khi sửa sang lại "mặt tiền", đảm bảo giờ mở cửa, bày trí lại bàn ghế phục vụ nhu cầu đọc sách, báo thì người dân ghé thăm thường xuyên. Không còn cảnh đìu hiu như trước", chị Vân hồ hởi cho hay. Ấy vậy nên dù các điểm BĐVHX lân cận sống trong lặng lẽ vì bị người dân lãng quên thì điểm BĐVHX Đức Thạnh 2 lại... vui hơn thường lệ. Bởi ngoài doanh thu tăng vọt từ vài trăm nghìn đồng lên 2,5 - 4 triệu đồng/tháng thì điểm BĐVHX này còn sở hữu một lượng khách hàng "ruột" có mặt mỗi ngày.

Đó là những cụ ông, cụ bà hay các cháu thiếu nhi thường xuyên đến đọc sách, báo và truyện. "Không có điều kiện mua các loại báo như Nhân dân, Quảng Ngãi, An ninh nên mỗi chiều ông đều ghé bưu điện để đọc. Vừa có cơ hội hàn huyên với mấy ông bạn già, vừa biết thêm tin tức của tỉnh mình", cụ Nguyễn Văn Đợi cho hay.

Tuy không nằm ở vị trí "đắc địa" như Đức Thạnh 2, nhưng hoạt động của điểm BĐVHX Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cũng không kém phần nhộn nhịp. Đặc biệt, ngoài việc bán báo hay sim, card điện thoại thì điểm BĐVHX Nghĩa Thắng còn "hút" khách bằng dịch vụ nhận và phát tận nhà các loại: Bưu phẩm, tiền hay hồ sơ, giấy tờ. "Nghe nói thẻ ATM cũng tiện nhưng nông dân tụi tui vừa... mù thông tin, vừa lười vì mỗi lần gửi tiền, phải đến ngân hàng cách nhà cả chục cây số. Gửi ở điểm BĐVHX gần mà cũng rẻ", vừa lúi húi viết giấy gửi tiền cho đứa con trai đang học ở Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Hương vừa góp chuyện.

Có lẽ vì vậy mà mỗi tháng, điểm BĐVHX Nghĩa Thắng đã tiếp nhận từ 30 - 40 phiếu gửi, nhận tiền, góp phần nâng tổng doanh thu lên đến 11 triệu đồng/tháng. "Không chỉ doanh thu tăng, thu nhập của mình được cải thiện mà vui nhất là người dân đã nhớ đến điểm BĐVHX", chị Nguyễn Thị Thu Hiền, phụ trách điểm BĐVHX Nghĩa Thắng phấn khởi nói.

Góp sức xây dựng NTM

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Bưu điện tỉnh thì: "Dù mô hình hoạt động của các điểm BĐVHX không đáp ứng nhu cầu hiện nay của người dân và có những hạn chế, tồn tại nhất định, nhưng chúng vẫn phải bám trụ để...sống vì ít nhiều, các BĐVHX này còn có vai trò tích cực trong cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi". Mặt khác, theo Nghị quyết Trung ương V thì, việc xây dựng điểm BĐVHX cho đến nay về cơ bản vẫn thích hợp, nhưng cần có sự điều chỉnh cả từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp, để phù hợp với nhu cầu hiện tại của nông dân.

Do đó, ngay sau khi Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị toàn quốc về việc "Định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của các Điểm BĐVHX" vào đầu năm 2012, Bưu điện tỉnh tiến hành cuộc "cải tổ" bằng cách thực hiện mô hình điểm BĐVHX kiểu mẫu. Theo đó, ngoài việc đổi mới cung cách làm việc, tích hợp nhiều dịch vụ bám sát nhu cầu của nông dân thì các điểm BĐVHX kiểu mẫu còn được "tân trang" về cơ sở vật chất; bổ sung nhiều đầu sách, báo nhằm phục vụ việc đọc cho người dân. Vì vậy mà 10 điểm BĐVHX kiểu mẫu đã khởi sắc từ mục tiêu xã hội đến mục tiêu kinh tế.

Nếu như trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây, các điểm BĐVHX phải vật vã tìm đường sống thì từ năm 2012 này, các BĐVHX kiểu mẫu đã bắt đầu có "của ăn của để" và dần được người dân chú ý. Đặc biệt, theo tiêu chí số 8 trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM của các tỉnh Bắc Trung Bộ thì: Các xã NTM phải có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và có internet đến nông thôn. Đây đang được xem là “liều thuốc” trợ lực, nhằm tiếp thêm sức sống cho các điểm BĐVHX vì ít nhiều, tiêu chí này cũng khiến các cấp chính quyền phải dành thời gian xem lại BĐVH xã mình "sống chết" thế nào, kể cả các điểm internet đang đặt tại nhà văn hóa thôn. "Dù mô hình BĐVHX kiểu mẫu hứa hẹn sẽ vực dậy sự sống của các điểm BĐVHX, nhưng để chúng "sống khỏe, sống có ích" thì rất cần sự chung tay hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, chứ không đơn thuần là nhiệm vụ của riêng ngành Bưu điện", ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Bưu điện tỉnh nhận định.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.