Chuyển biến tích cực trong công tác nghiên cứu, biên soạn ở Quảng Ngãi

06:08, 02/08/2012
.

(QNg)- Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Từ sau giải phóng (1975), nhất là từ khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1989) đến nay, công tác lịch sử Đảng ở Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả tích cực.   

Đến nay (tính đến tháng 7/2012), ở cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sưu tầm tài liệu, biên soạn, xuất bản 3 cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi 1929-1945 (Tái bản), 1945-1975 và 1975-2010. Hiện nay Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đang chỉ đạo, chỉnh biên Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1945-1975, chuẩn bị tái bản.

Đối với các ban ngành, đoàn thể thì đã biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống, như Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi (1930-1975), xuất bản 1995, (Tái bản, bổ sung). Lịch sử Công đoàn tỉnh Quảng Ngãi (1930-2005), Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi (1949-2004). Lịch sử Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi (1975-2000). Lịch sử Bưu Điện tỉnh Quảng Ngãi (1930-1975). Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi (1975-2000). Lịch sử Công an nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (1930-1975)- Biên niên sự kiện CAQN (1975- 2000). Truyền thống Bộ đội Đặc công tỉnh Quảng Ngãi, Bộ đội Công binh tỉnh Quảng Ngãi, Bộ đội Thông tin tỉnh Quảng Ngãi (BCH Quân sự tỉnh). “Ba đơn vị vũ trang đầu tiên với Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi" (2004) Lịch sử Hội Liên hiệp phụ nữ, Lịch sử Hội Nông dân, Lịch sử ngành Tư pháp Quảng Ngãi, 50 năm ngành VHTT Quảng Ngãi (1945-1995)... Số còn lại đang tiếp tục sưu tầm, biên soạn...

Đối với lịch sử Đảng bộ các huyện, thành phố, tính đến nay, chỉ trừ huyện Tây Trà mới thành lập, còn tất cả các huyện, thành phố đã biên soạn và xuất bản sách giai đoạn 1930- 1975. Riêng giai đoạn 1975-2005, xây dựng CNXH, một số Đảng bộ huyện, đã viết xong, in ấn, phát hành, như Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ...  Các huyện, thành phố còn lại đang tiếp tục hoàn chỉnh.  Ở cấp xã, phường, thị trấn đã có khoảng 50 đơn vị biên soạn lịch sử cấp mình, trong đó có 11 xã biên soạn đến năm 1954, 15 xã biên soạn đến năm 1975, 24 xã biên soạn đến năm 2005 hoặc 2010, trong đó có hơn 30 xã, phường, thị trấn đã xuất bản. Nổi bật là huyện Sơn Tịnh đã có 15/21 xã, thị trấn đã xuất bản sách. Mộ Đức 8/13 xã, thị trấn… Còn lại phần đông (gần 150 xã) đang sưu tầm, chuẩn bị viết hoặc sắp xuất bản. So với yêu cầu chung, thì số lượng trên (cấp xã) còn hạn chế, nhất là ở các huyện miền núi.

Quá trình tổ chức triển khai việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương, cơ quan, đơn vị đã được các cấp uỷ quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã tham gia ý kiến, bổ sung nhiều tài liệu, tư liệu làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề lịch sử đã diễn ra. Việc tham gia góp ý, thẩm định nội dung các bản đề cương, bản thảo ngày càng có chất lượng, bảo đảm tính khoa học và lịch sử. Các tập sách đã được xuất bản, phát hành rộng rãi. Hình thức tương đối phong phú, đa dạng, nhất là những ấn phẩm được xuất bản hay tái bản gầân đây, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hoan nghênh.


Cùng với công tác chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các cuốn sách lịch sử Đảng bộ tỉnh và các huyện, thành phố qua các thời kì, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo và trực tiếp tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học, làm sáng tỏ nhiều vấn đề có liên quan đến lịch sử, văn hoá của tỉnh, như Hội thảo Văn hiến Quảng Ngãi, Văn hoá biển Quảng Ngãi, thơ Bích Khê, Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, cuộc biểu tình chiếm huyện đường Đức Phổ (8/10/1930-8/10/2010)...

Ngoài ra, trong nhữnửg năm qua, các ngành chức năng đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh sưu tầm tư liệu, hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị và được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Khu lưu niệm đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà thờ lưu niệm các đồng chí cán bộ lãnh đạo xuất sắc của tỉnh (Nguyễn Nghiêm, Trương Quang Giao, Nguyễn Chánh, Phạm Xuân Hòa...).

Nhìn chung, sau gần 23 năm tái lập tỉnh (1989-2012), nhất là từ khi có Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chỉ thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ "Về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành trong tỉnh", công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần rất quan trọng trong việc ôn lại lịch sử, truyền thống, tổng kết những kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, làm sáng tỏ nhiều vấn đề thực tiễn lịch sử yêu cầu phải giải quyết. Những kết quả đó là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh cho các cấp, các ngành và đội ngũ làm công tác này tiếp tục, phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Nguyễn Thái Bình
 


.