Nội dung giáo dục địa phương: Tăng tiết để đảm bảo chương trình

07:12, 05/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) là môn học bắt buộc và được triển khai dạy 1 tiết/tuần. Tuy nhiên, Tài liệu GDĐP tỉnh chậm được phê duyệt và in ấn nên đến tuần 12 của năm học 2022 - 2023 (từ ngày 21/11), Sở GD&ĐT mới có văn bản triển khai dạy học nội dung này.
 
[links()]
 
Chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, ngay sau khi được Bộ GD&ĐT thẩm định Tài liệu GDĐP tỉnh, Sở GD&ĐT đã có văn bản triển khai việc dạy học và sử dụng tài liệu này đến phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các trường THPT và Trường Liên cấp Thành phố Giáo dục quốc tế- IEC Quảng Ngãi. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của đơn vị để thực hiện việc giảng dạy nội dung GDĐP lớp 7 và lớp 10 từ tuần 12 hoặc chậm nhất trong tuần 13 của học kỳ I, năm học 2022 - 2023.
 
Học sinh lớp 7B, Trường THCS Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.                   Ảnh: TR.PHƯƠNG
Học sinh lớp 7B, Trường THCS Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các trường thực hiện việc giảng dạy nội dung GDĐP lớp 7 ở học kỳ I với ít nhất 3 chủ đề trong Tài liệu GDĐP. Đối với lớp 10, các trường THPT trên toàn tỉnh tổ chức giảng dạy 3 chủ đề đầu tiên trong Tài liệu GDĐP. Việc kiểm tra, đánh giá nội dung GDĐP được thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT. “Trong thời gian chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt Tài liệu GDĐP tỉnh, các trường đã linh động bố trí thời khóa biểu cho các môn học khác. Ngay sau khi tài liệu được phê duyệt, các trường sắp xếp lại thời khóa biểu, bố trí tăng tiết; đồng thời kết hợp một số chủ đề vào hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đối với hoạt động, môn học GDĐP”, ông Thái nói.
 
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) đã triển khai dạy học nội dung GDĐP cho học sinh lớp 10 từ tuần 13 của học kỳ I, năm học 2022 - 2023. Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Ngô Quang Vinh cho biết, trong 12 tuần đầu của năm học, nhà trường bố trí dạy quân sự thay nội dung GDĐP. Sau khi Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn triển khai dạy học nội dung GDĐP, nhà trường đã thảo luận, tập huấn cho giáo viên và triển khai dạy học từ tuần thứ 13. Nhà trường dạy 2 - 3 tiết/tuần để kịp thời lượng của chương trình GDĐP.
 
Tương tự, Trường THCS Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) cũng đã chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giảng dạy, nhằm đảm bảo việc tổ chức dạy học và sử dụng tài liệu GDĐP theo quy định. Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh Ấn Tây Từ Văn Đông chia sẻ, trong khi chờ tài liệu GDĐP, nhà trường chủ động điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giáo dục. Sau khi có hướng dẫn của cấp trên về dạy học nội dung GDĐP, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, phân công giáo viên cho phù hợp. Đồng thời thực hiện tăng từ 1 tiết/tuần lên 2 tiết/tuần đối với nội dung GDĐP lớp 7, để đảm bảo chương trình năm học.
 
Giáo viên và học sinh cùng nỗ lực
 
Năm học 2021 - 2022, cô giáo Phạm Thị Phương Thảo, Trường THCS Tịnh Ấn Tây được phân công dạy nội dung GDĐP lớp 6, chủ đề 1: “Vùng đất, con người Quảng Ngãi từ nguồn gốc đến thế kỷ X”. Trong đó, giáo viên trang bị cho học sinh 2 nội dung chính đó là Văn hóa Sa Huỳnh và Văn hóa Chămpa. Đến lớp 7, chủ đề 1: “Quảng Ngãi từ đầu thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVI” được tiếp nối của chương trình lớp 6. Việc Tài liệu GDĐP chậm phát hành làm ảnh hưởng đến quá trình tìm hiểu, nghiên cứu bài dạy của cô Thảo và quá trình tìm hiểu của học sinh. 
 
“Giáo viên tự thu thập kiến thức trên Internet và đi thực tế tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để tìm hiểu những di chỉ, hiện vật liên quan đến bài dạy, từ đó chụp ảnh và soạn giáo án điện tử nhằm đem lại hình ảnh trực quan, sinh động. Ngoài ra, giáo viên còn giao nhiệm vụ cho học sinh tự tìm hiểu về chủ đề GDĐP để tiết học được tổ chức tốt hơn”, cô Thảo chia sẻ.
 
Thông qua nội dung GDĐP, học sinh được trang bị những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... Em Lê Nguyễn Khánh Trang, lớp 7B, Trường THCS Tịnh Ấn Tây bày tỏ, năm lớp 6, em đã được học nội dung GDĐP. Ngoài sự truyền đạt của giáo viên, em còn tự tìm hiểu về các chủ đề qua sách, báo và đi thực tế. Thông qua các tiết học GDĐP đã giúp em hiểu hơn về nơi mình sinh sống, từ đó thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước. 
 
Hai năm liên tiếp đều chậm trễ
 
Việc triển khai dạy học nội dung GDĐP luôn chậm trễ so với tiến độ năm học. Năm học 2021 - 2022, qua tuần thứ 10 của học kỳ I, các trường mới bắt đầu triển khai dạy học nội dung GDĐP. Đến năm học 2022 - 2023, các trường triển khai dạy học chậm hơn do Tài liệu GDĐP chậm được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Vì vậy, các nhà quản lý giáo dục mong muốn Bộ GD&ĐT sớm duyệt xuất bản nội dung này để tránh làm ảnh hưởng đến kế hoạch các năm học sau.
 
TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.