Hoạt động dã ngoại: Giúp trẻ phát triển toàn diện

03:01, 02/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại là cơ hội để học sinh vui chơi, thư giãn và khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Qua đó giúp trẻ trải nghiệm thực tế, phát triển tư duy và hình thành kỹ năng sống, phát triển một cách toàn diện.
Trẻ thích khám phá môi trường xung quanh 
 
Những năm gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho học sinh tham quan, dã ngoại vào chương trình dạy học ngay từ đầu năm học. Nhờ đó, học sinh có điều kiện để trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh, hình thành kỹ năng sống. 
Học sinh Trường Mầm non 19.5 (TP.Quảng Ngãi) tìm hiểu những loài thực vật xung quanh mình.
Học sinh Trường Mầm non 19.5 (TP.Quảng Ngãi) tìm hiểu những loài thực vật xung quanh mình.
Chuyên viên phụ trách bậc mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Lê Thị Kim Thuyết cho biết: Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã đưa hoạt động dã ngoại vào trong chương trình học. Các trường thường đưa trẻ đến nơi có di tích lịch sử, như Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Di tích Khánh Giang - Trường Lệ, hay doanh trại quân đội... để tìm hiểu về lịch sử của địa phương, trải nghiệm cuộc sống của các chiến sĩ.
 
Những chuyến tham quan này giúp học sinh thêm yêu vùng đất mà mình được sinh ra. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn, một số trường trên địa bàn huyện vẫn chưa tổ chức những chuyến tham quan, dã ngoại cho trẻ. Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tổ chức hoạt động cho trẻ thông qua tranh ảnh, mô hình và hoạt động ngoài trời để trẻ được khám phá thế giới xung quanh.
 
Với trẻ mầm non thì những chuyến tham quan trong ngày theo các chủ đề học trên lớp, như thăm nông trại, nhà ga, ngân hàng hay các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... giúp trẻ phát triển các kỹ năng quan sát, tìm tòi và có những trải nghiệm thực tế thú vị. Đây cũng là cơ hội giúp các bé làm quen với môi trường sống đa dạng, khơi gợi niềm đam mê, tính sáng tạo, tình yêu thiên nhiên...
 
Cháu Nguyễn Ngọc Hân, lớp lớn B, Trường Mầm non 19.5 (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: “Con được cô giáo dẫn đi khu dân cư VSIP Quảng Ngãi. Ở đó có hoa, cây cỏ, có chú hề... con rất thích! Về nhà, con biết phụ ba mẹ tưới nước, chăm sóc cây hoa tươi đẹp như nơi con đến tham quan”.
 
Hình thành các kỹ năng
 
Tham quan thực tế với nhiều tình huống bất ngờ giúp các em biết cách ứng phó và xử lý dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó, trẻ tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, hòa đồng cùng các bạn. Tham quan dã ngoại vừa là hoạt động giáo dục, vừa là hoạt động thẩm mỹ, góp phần tạo ra lối sống văn hóa và khả năng hưởng thụ, cảm nhận nghệ thuật của trẻ, hình thành kỹ năng sống cho bản thân.
 
Hiệu trưởng Trường Mầm non 19.5 (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Ngọc Kiều cho hay: “Hằng năm, nhà trường bám vào kế hoạch của ngành và lồng ghép hoạt động vui chơi dã ngoại cho trẻ. Trung bình mỗi năm, trường tổ chức từ 6 - 7 đợt tham quan, dã ngoại.
 
Cùng với hoạt động ngoại khóa, dã ngoại là cơ hội để rèn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ. Tham quan dã ngoại cũng được xem là hình thức đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, nhà trường kiểm tra chất lượng dạy học trong giờ chính khóa”.
 
Là một giáo viên có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động dã ngoại cho trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Trưng, Trường Mầm non 19.5 chia sẻ: “Để tổ chức các chuyến dã ngoại thành công đòi hỏi mỗi giáo viên phải xây dựng kế hoạch trước. Các cô phải chọn địa điểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ học hỏi kiến thức, tiếp thu và ứng dụng rất nhiều thông qua hoạt động vui chơi. Khi chơi, tinh thần trẻ được thả lỏng và thư giãn tối đa. Điều này cũng tạo tiền đề quan trọng để trẻ thỏa sức phát huy sự sáng tạo, tư duy nhạy bén...”.
 
Không chỉ ở bậc học mầm non mà các bậc học còn lại cũng cần tổ chức các chuyến trải nghiệm thực tế cho học sinh. Thông qua hoạt động dã ngoại, nhà trường nối liền bục giảng với đời sống, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.