Nâng cao chất lượng giáo dục

05:09, 04/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục quyết tâm thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp do Bộ GD&ĐT đề ra, tạo tiền đề cho những đổi mới nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT.       

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Năm học 2019 - 2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa mới. Bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, ngành giáo dục của tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu nhấn mạnh: Ngành giáo dục sẽ tăng cường thanh tra chuyên đề, đột xuất, giải quyết những hiện tượng tiêu cực trong ngành, nhất là vấn đề dạy thêm, học thêm, tuyển sinh đầu cấp trái quy định; tập trung thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học; củng cố, phát triển giáo dục miền núi, trong đó quan tâm xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú.

Học sinh các huyện miền núi trong tỉnh ngày càng được quan tâm trong công tác giáo dục.
Học sinh các huyện miền núi trong tỉnh ngày càng được quan tâm trong công tác giáo dục.

"Sở GD&ĐT đang đề xuất với Bộ GD&ĐT xin nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu của trung ương để đầu tư các trường bán trú; đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư các nhà ở nội trú cho các trường THPT.

Những năm qua, việc phát triển hệ thống các trường nội trú, bán trú ở khu vực miền núi của tỉnh đã phát huy hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tiêu biểu như Trường THPT Tây Trà, những năm gần đây học sinh đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ cao", ông Phu cho biết.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà (TP.Quảng Ngãi) vừa được sáp nhập trên cơ sở hai trường tiểu học và THCS thành trường phổ thông có nhiều cấp học. Năm học này, toàn trường có trên 900 học sinh được chia thành 28 lớp, trong đó cấp tiểu học có 17 lớp và 11 lớp THCS. “Ngay sau khi sáp nhập, Ban giám hiệu đã chủ động rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên để đảm bảo về số lượng, chất lượng trong công tác giảng dạy.

Từng cấp học thực hiện mục tiêu và phương pháp riêng được quy định tại Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và các quy định liên quan. Nhà trường tăng cường nền nếp, kỷ cương; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học", Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà Đỗ Việt Tùng chia sẻ.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Hữu Liệu cho biết: Để nâng cao chất lượng GD&ĐT, ngành giáo dục huyện Sơn Hà tăng cường ý thức trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Song song với đó, ngành sẽ tiếp tục tham mưu các cấp tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn cho công tác dạy và học”.

Theo ông Đỗ Văn Phu, năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện theo lộ trình 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đề ra, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về GD&ĐT. Trong đó, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Bài, ảnh: Trịnh Phương


 

.