Thôn "Nam tiến" và câu chuyện giáo dục

08:08, 16/08/2011
.

(QNg)- Thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa (Mộ Đức) được mệnh danh là thôn "Nam tiến", bởi hầu hết các lao động trụ cột trong gia đình đều rời quê vào các tỉnh thành phố phía Nam để mưu sinh. Tại thôn, phần lớn chỉ còn lại trẻ con và người già cùng nương tựa vào nhau. Những đồng tiền chắt chiu của họ gửi về chỉ có thể chu toàn vật chất, chứ không thể thay thế các bậc làm cha làm mẹ giáo dục con cái.
 

Sống bám vào ruộng đồng không đủ để trang trải cuộc sống, người dân thôn Phước Mỹ kéo nhau đi TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Toàn thôn có 350 hộ, trong đó số hộ gia đình có người vào Nam đã chiếm khoảng hơn 250. Mải mê kiếm kế sinh nhai với mong ước về một cuộc sống đầy đủ, nhiều gia đình đã quên mất rằng con cái cũng như mầm non cần sự uốn nắn, dạy dỗ.
 
d
Rời quê vào các địa phương khác mưu sinh với khát vọng,chu toàn cho con cái ăn học. Ảnh minh họa - QNĐT

Ở thôn này, trẻ em phải học cách tự lập từ nhỏ, để chăm lo cho bản thân khi cha mẹ vắng nhà. Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Qúy, hai vợ chồng vào TP. Hồ Chí Minh hơn 20 năm. Ngày anh chị rời quê đứa con gái lớn mới chập chững biết đi, năm nay đã bước vào đại học. "Xa ba mẹ, cháu phải tự lo cho bản thân và các em của mình.
 
Tuy sống cùng ông bà nội, nhưng ông bà đã già yếu, đâu thể dựa dẫm vào ông bà mãi được. Gặp mùa mưa bão, nước ngập trắng đồng, chị em cháu đứng ngồi không yên, chỉ ước có ba mẹ bên cạnh. Rồi đến mỗi kỳ họp phụ huynh, đành phải nhờ các cô bác đi họp hộ, vì ba mẹ ở xa, đi về tốn kém" - cháu Nguyễn Thị Như Quỳnh- con gái lớn anh Qúy bộc bạch. Những lo toan trong cuộc sống thường ngày đè nặng lên đôi vai, khiến các em vừa phải chợ búa, tính toán chi tiêu, vừa học tập.

Nhiều em khi không có cha mẹ kề bên rất dễ sa chân vào cám dỗ, học hành sa sút. Tiền bạc do cha mẹ đi làm ăn xa chắt chiu gửi về bị các em "nướng" vào các trò tiêu khiển vô bổ.  Đồng tiền lúc này đã trở thành con dao hai lưỡi khi thiếu đi sự quản lí của cha mẹ.  Cha mẹ li hôn, mẹ đi vào Nam làm ăn, Em T.B (hiện đang học lớp 7, Trường THCS Đức Hòa) sống cùng ông ngoại.

Thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của người mẹ, T.B sa chân vào những buổi chơi games quên giờ giấc. Từ một học sinh giỏi của lớp, T.B trở thành một tín đồ của games và trộm cắp để có tiền nướng vào trò chơi vô bổ ấy. Hay trường hợp của em H.V.N, con anh H.V.T trong thôn. Cha đi miền Nam từ khi N mới lọt lòng. Thiếu sự dạy bảo của người cha, N ăn chơi lêu lổng không biết sợ ai và mới bỏ học vào năm ngoái, trở thành trẻ sống lang thang.

Ông Đỗ Túc- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa cho tôi biết: Trước tình trạng quá nhiều hộ gia đình rời quê vào Nam kiếm sống ở thôn Phước Mỹ, chính quyền xã luôn tập trung thực hiện tốt dự án vận động trẻ em đến trường, hỗ trợ trẻ em lang thang tại thôn, nhằm hạn chế tình trạng bỏ học, rời nhà khi thiếu sự quản lý của cha mẹ. Bên cạnh công tác hỗ trợ của xã, thôn cũng tập trung đôn đốc, khuyến khích trẻ em học tập thông qua các chương trình khuyến học.

Rời quê vào các địa phương khác mưu sinh với khát vọng,chu toàn cho con cái ăn học là một việc làm rất đáng trân trọng của các bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên mỗi gia đình cần có sự trung hòa giữa chuyện kiếm tiền và nuôi dạy con cái, để tạo môi trường tốt đẹp nhất cho các em trưởng thành. Gia đình là hậu phương vững chắc không chỉ về vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần cho con trẻ.     
                      
Ý Thu

.