Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân

07:10, 03/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở tỉnh ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tình hình cháy, nổ cơ bản được kiềm chế, nhận thức về PCCC của nhân dân có nhiều chuyển biến.

TIN LIÊN QUAN

Đại tá Dương Hồng Sơn- Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: Gần đây kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, các KCN, cụm công nghiệp, khu đô thị, KDC mới, Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà cao tầng hình thành... ngày càng nhiều, nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Lực lượng PCCC tập luyện giải pháp cứu người khi có cháy nổ ở nhà cao tầng.
Lực lượng PCCC tập luyện giải pháp cứu người khi có cháy nổ ở nhà cao tầng.


Trước thực tế đặt ra, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác PCCC; củng cố lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành đảm bảo về số lượng, chất lượng. Đơn vị đã tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở, KDC... nhất là đối với những nơi có nguy cơ cao. Phối hợp tổ chức Hội thi “Toàn dân tham gia PCCC”; Hội thao kỹ thuật chữa cháy cho lực lượng chữa cháy cơ sở và dân phòng.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật PCCC và công tác PCCC cho cán bộ, công nhân ở KKT Dung Quất, KCN Quảng Phú, Tịnh Phong, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và Ban chỉ huy PCCC rừng. Tổ chức nói chuyện chuyên đề về công tác PCCC tại các khu dân cư tập trung, vùng có nguy cơ cháy nổ với trên 58.840 lượt người tham dự. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền cho 13.656 lượt ngư dân các quy định về PCCC...

Qua tuyên truyền, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã thực hiện tốt công tác thẩm duyệt thiết kế, thiết bị và nghiệm thu về PCCC. Các đơn vị cũng đã đầu tư kinh phí mua sắm trang bị phương tiện, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy. Thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng. Tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, đảm bảo cơ sở trong diện quản lý về PCCC đều có phương án PCCC. Toàn tỉnh hiện có 120 đội dân phòng, 4 đội PCCC chuyên ngành, 410 đội PCCC cơ sở, với gần 3.000 đội viên.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong PCCC, nhưng từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 34 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 11 người. Tổng thiệt hại 21 tỷ đồng và 7,4ha rừng. Điển hình là vụ cháy xảy ra ngày 7.4 tại Trung tâm điện máy Quang Lợi, xã Đức Nhuận (Mộ Đức), thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Hay như vụ cháy rừng dương liễu và thực bì xảy ra ngày 25.7 tại khu vực núi Ngang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) làm chết 2 người...

Cảnh sát PCCC tỉnh đã điều tra 29 vụ và đã xác định rõ nguyên nhân 25 vụ, chủ yếu vẫn do chập điện, bất cẩn trong sử dụng lửa và các thiết bị điện; điều tra làm rõ xử lý 4/7 vụ cháy rừng. Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC trên 1.500 lượt cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ và đã phát hiện trên 1.100 cơ sở có thiếu sót liên quan đến công tác PCCC; lập biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp. Cảnh cáo, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị, người đứng đầu các cơ sở thực hiện tốt các biện pháp an toàn PCCC trên 310 lượt...

Cũng theo đại tá Sơn, hệ lụy do cháy nổ gây ra là rất lớn, song cấp ủy, chính quyền, một số đơn vị, DN lại thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; xem PCCC là trách nhiệm của Cảnh sát PCCC. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và kinh phí phục vụ công tác PCCC của Cảnh sát PCCC tỉnh và các đơn vị còn nhiều hạn chế. Nhiều DN, hộ gia đình, cá nhân còn chủ quan trong công tác PCCC. Các chủ tàu cá, cảng cá, dịch vụ kinh doanh karaoke, cửa hàng điện máy... chưa chấp hành tốt quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn PCCC. Nguồn nước chữa cháy, lực lượng và phương tiện phục vụ công tác chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu...
 

Bài, ảnh: BÁ SƠN
 


.