Ngày về của những hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B

08:04, 25/04/2012
.

(QNĐT)- Sau 37 năm ngày đất nước thống nhất, những hồ sơ, kỷ vật của cán bộ quê hương Quảng Ngãi đi B đã trở về vẹn nguyên sau một hành trình dài, song nhiều chủ nhân của nó đã không may mắn có được cuộc trở về như vậy, nhiều người đã hy sinh thầm lặng, thành những liệt sĩ vô danh để đổi lại hòa bình cho đất nước.

Ngày 21/7/1954, tại Hội nghị Geneve (Thụy Sỹ) diễn ra lễ ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, đưa ra giải pháp cho vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Người Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956, và vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương, Ban Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III giao hồ sơ, kỷ vật cho đại diện 3 tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Quảng Nam.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương, Ban Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III giao hồ sơ, kỷ vật cho đại diện 3 tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Long và Quảng Nam. Ảnh: archives.gov.vn

 

Sau ngày ký hiệp định, hàng vạn con người của miền Nam ruột thịt lên tàu tập kết ra Bắc, trong đó có hàng nghìn người con quê hương Quảng Ngãi đã giơ 2 ngón tay hẹn người thân 2 năm nữa sẽ trở về, sau khi cuộc "Tổng tuyển cử" được thực hiện. Từng đoàn cán bộ, học sinh miền Nam ra Bắc học tập, lao động, sản xuất trên các công trường, xưởng máy… để sau này trở về xây dựng quê hương đất nước.


Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, nhiều người vừa gặp lại gia đình đã phải chia tay. Nhiều người kịp cưới trước khi đi, nhưng nhiều người mới chỉ làm lễ “tuyên bố” hứa hôn. Nhiều người đã mang theo một nhúm đất của quê hương mình trong quân trang ra Bắc tập kết.

Đặt chân lên đất Bắc, trong tình cảm yêu thương ruột thịt của đồng bào miền Bắc, nhiều người nghĩ rằng, sẽ chỉ mất 2 năm thôi nước ta là một, Nam Bắc chung một nhà.

Thế nhưng 2 năm, 5 năm, 10 năm, rồi 20 năm cuộc trường chinh đầy máu và nước mắt của cả dân tộc. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, cả miền Nam bị bom đạn cày xới. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã không giữ lời hứa, phá hoại Hiệp định Gienevơ, chia đất nước ta, gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc ở miền Nam.

 
Trước vận mệnh của đất nước, những người con của hai miền Nam Bắc lại tình nguyện hiến dâng tuổi trẻ, nhiệt huyết của mình cho ngày toàn thắng của dân tộc.

Ngày lên đường vào Nam, họ để lại cả tư trang, hành lý, kỷ vật, thư từ… chỉ mang trên mình bí danh và lý lịch quê hương, gia đình hoàn toàn khác với những gì vốn có.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều cán bộ quê quán tỉnh Quảng Ngãi đã tạm biệt quê hương tập kết ra Bắc, và theo yêu cầu của cách mạng, họ lại cùng những cán bộ ở miền Bắc tình nguyện vào Nam chiến đấu.  

Những giáo viên, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư... này gửi toàn bộ giấy tờ lại cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ rồi âm thầm trở vào miền Nam theo con đường dân sự. Nhiều người đã hy sinh thầm lặng, thành những liệt sĩ vô danh để đổi lại hòa bình cho đất nước.

20 năm sau ngày đất nước thống nhất, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước bắt đầu tiếp nhận khối hồ sơ của cán bộ đi B. Đến năm 2005, đề án chỉnh lý khối hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B được duyệt và cuối năm 2006, gần 57.000 hồ sơ, kỷ vật này đã được chỉnh lý hoàn chỉnh, phân loại theo quê quán trước khi đi B.

Ngày 19/12/2011, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã trao trả 5.527 hồ sơ, kỷ vật của cán  bộ quê quán tỉnh Quảng Ngãi đi B giai đoạn 1955-1975 cho Trung tâm Lưu trữ (Sở Nội vụ). Mỗi hồ sơ, ngoài bản khai lý lịch cá nhân, quyết định điều động, còn những lá đơn xin đăng lý kết hôn, thư gửi người thân, lưu bút, chứng minh thư, thẻ đảng viên, thẻ đoàn viên, ảnh, nhật ký, sổ tiết kiệm, tiền, vàng... Xúc động nhất có lẽ là những trang quyết tâm thư, đơn xin tình nguyện vào Nam chiến đấu và hàng chục hồ sơ lý lịch của các chiến sĩ một thời vượt Trường Sơn đi cứu nước.

Hồ sơ cán bộ đi B được xem là tài sản quốc gia, in đậm ký ức của một thời hào hùng làm nên một bản hùng ca bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, là những tài liệu quan trọng làm cơ sở giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến. Đây cũng là bằng chứng sinh động để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ…
 
Hồ sơ của những cán  bộ đi B.
Hồ sơ của những cán bộ đi B.
 

Ý thức điều này, sau hơn 4 tháng tiếp nhận khối hồ sơ, kỷ vật, với tinh thần hết sức khẩn trương và trách nhiệm với những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ hồ sơ Trung tâm Lưu trữ hồ sơ (Sở Nội vụ) đã làm việc liên tục kể cả ngày nghỉ để phân loại chi tiết hồ sơ theo đúng quy định và theo từng địa phương để dễ quản lý. Tất cả dữ liệu được lưu trữ vào máy tính.

Bà Võ Thị Thanh Châu- Giám đốc Trung tâm Lưu trữ cho biết, Trung tâm đưa toàn bộ tên tuổi, bí danh, quê quán, cơ quan làm việc trước khi đi B, hồ sơ cán bộ đi B vào một máy tính được cài đặt phần mềm để tra cứu nhanh. Toàn bộ hình ảnh có trong hồ sơ của người đi B cũng được số hóa để lưu trữ và quản lý.

Tuy nhiên, cũng theo bà Châu, vì thời gian tiếp nhận quá ngắn nên Trung tâm chưa thể thống kê được hiện có bao nhiêu người còn sống và đã mất.

Hiện toàn bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đã được di chuyển đến Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi để chuẩn bị cho lễ trao trả hồ sơ kỷ vật cho cán bộ đi B hoặc người thân diễn ra vào sáng 27/4 tới và triển lãm chuyên đề “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ quê quán tỉnh Quảng Ngãi đi B giai đoạn 1955-1975” diễn ra từ ngày 27/4 - 12/5/2012.

Việc trao trả hồ sơ cho thân nhân các cán bộ đi B là cuộc trao trả lịch sử. Phần hồ sơ trao trả chỉ là bản sao chứng thực, còn các kỷ vật sẽ được trao trả toàn bộ bản gốc cho cán bộ, hoặc thân nhân cán bộ đi B.
 
 

Ái Kiều
                                                                                                                                                                                              

.