Tiến tới kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển ( 23/10/1961-23/10/2011):
Gặp thuyền phó hoa tiêu trong đoàn tàu không số

03:10, 02/10/2011
.

(QNĐT)- Hơn 30 năm trên con đường binh nghiệp của mình,  ông Nguyễn Tiến Hai ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh đã có hơn 2/3 thời gian làm thủy thủ của đoàn tàu không số vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí  trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
   
 

* Vinh dự được tham gia đoàn tàu không số

Sinh ra ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nên ông Nguyễn Tiến Hai đã sớm giác ngộ cách mạng. Là người con vùng sông nước, sóng gió, từ nhỏ ông Hai đã như con kình ngư.
 
Năm 16 tuổi ông vào đội du kích địa phương. Năm 1955, ông đã trở thành bộ đội Cụ Hồ và tập kết ra Bắc, được đào tạo hải quân.

Sau khi ra trường, ông tình nguyện gia nhập vào Đoàn 759 - Đoàn vận tải thủy có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển - tiền thân của Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125).

"Lúc đầu tôi được biên chế về đoàn phóng ngư lôi nhưng nghe có đoàn vận chuyển vũ khí vào Nam tôi liên hệ tìm gặp và tình nguyện vào đoàn tàu này”- ông Hai nhớ lại.
 
 
Ong Hai va nhung ky vat ve Duong Ho Chi Minh tren bien (1).jpg
Ông Hai và những kỷ vật về đường Hồ Chí Minh trên Biển.

Chuyến đi đầu tiên của ông Nguyễn Tiến Hai với tàu không số được khởi hành vào tháng 4/1964. Cùng với 14 thủy thủ đoàn chở 43 tấn vũ khí vào Cà Mau.

Ông Hai cho hay, được giao trọng trách này, ông và anh em thủy thủ đoàn đều lo lắng, vì đây là chuyến đi đầu tiên của ông.

Gần 1 tuần lễ lênh đênh trên biển với chiếc thuyền mong manh, thiết bị hàng hải dường như không có, chỉ có la bàn thô sơ, không ít lần thuyền của ông “chạm trán” với địch,

Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm đi biển và xử lý khôn khéo, tàu của ông đã vượt qua sóng gió, hiểm nguy và hòan thành nhiệm vụ.

* Hiểm nguy

Sau này, ông Nguyễn Tiến Hai được giao nhiệm vụ vận chuyển 4 chuyến khác với hàng trăm tấn vũ khí vào Nam. Trong đó, ông Hai nhớ nhất là chuyến đi vào tháng 10/1964. Năm đó, ông Nguyễn Tiến Hai được giao nhiệm vụ là thuyền phó hoa tiêu vận chuyển hơn 60 tấn vũ khí vào Nam.

Khi tàu đến vùng biển Quảng Ngãi lại gặp bão lớn nên tàu của ông phải chống chọi với bão giữa biển khơi “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Hai bộc bạch: “Lúc đó, ngoài khơi sóng đánh dữ dội, có lúc tàu nghiêng ngã muốn lật úp, thủy thủ đoàn phải tìm mọi cách neo tàu, hạn chế không cho chao đảo.

Tui xác định đây là sóng “đá gà”. Nghĩa là sóng nọ chập lên sóng kia, nên phỏng đoán trong thời gian ngắn bão có thể ngưng”. Quả thật, sau 1 ngày 1 đêm, bão tạm ngưng, nhưng anh em thủy thủ đoàn một phen hú vía.

Ông Nguyễn Tiến Hai cho biết, trong 5 lần được giao nhiệm vụ cùng Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam thì lần nào đoàn tàu của ông cũng gặp trở ngại.

Có lần ông cùng đoàn tàu chở gần 70 tấn vũ khí vào đến Cà Mau. Vượt qua bao nhiêu khổ ải tàu cập đến Cà Mau vào ban đêm. Nhưng khi đến nơi thì không thấy ngọn hải đăng Hòn Khoai sáng.

Ngọn hải đăng Hòn Khoai không chỉ giúp cho tàu thuyền trong nước mà kể cả quốc tế xác định phương hướng vào ban đêm. Tuy nhiên, bọn địch tắt ngọn hải đăng này nhằm gây khó khăn cho tàu vận tải của ta.

Tàu của ông Hai mất phương hướng và đi lạc vào vùng bãi ngang ở Cà Mau. Khi trời vừa sáng cũng là lúc tàu bị mắc cạn.

“Lúc này anh em trên tàu sợ bị lộ nên cũng đã tính đến chuyện cho nổ tàu để không rơi vào tay giặc”- Ông Hai thổ lộ. Nhưng với sự nỗ lực của thủy thủ đoàn, ông cùng anh em thủy thủ đoàn đã đưa tàu đến nơi an toàn.

Sau chuyến đi này, tàu của ông quay trở lại ra Bắc, nhưng đến  vùng biển  Khánh Hòa lại bị địch phát hiện, tàu của ông lại quay trở vào Cà Mau.

Bị kẹt ở Cà Mau hơn 8 tháng, tàu của ông mới trở lại ra Bắc. Tuy nhiên, trong chuyến đi này, đoàn tàu của ông Nguyễn Tiến Hai mấy lần đối đầu với địch trên biển và tự giải vây trở về an toàn. Trong trận đánh này ông bị một viên đạn găm vào lồng ngực. “Bây giờ viên đạn còn nằm trong phổi. Đây là kỷ niệm của chiến tranh”-ông Hai cười xòa.

Năm chuyến đi làm nhiệm vụ cùng đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển của ông Nguyễn Tiến Hai đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo ông Hai đó là may mắn.

 Ông tâm sự: Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với biển cả. Sau năm 1975, ông cùng Lữ đoàn 125 tham gia giải phóng, tiếp quản một số đảo ở Trường Sa. Hòa bình lập lại, ông cùng những chiến sĩ của Đoàn tàu không số lại cõng từng viên gạch, hạt cát từ đất liền ra xây dựng, củng cố và giữ gìn hệ thống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đến năm 1985 ông Nguyễn Tiến Hai xin về hưu.

Bây giờ tuổi đã gần 75, sức khỏe của ông đã giảm sút, nhưng khi nói đến đoàn tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển thì ông Hai rất sôi nổi. Thế nhưng, khi nhắc đến đồng đội của mình ông không khỏi bùi ngùi: “Tôi còn sống là may mắn lắm rồi. Tôi thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người, nhất là đồng đội của tôi bỏ mình ngoài biển khơi”.

Hơn 30 năm binh nghiệp, khi về hưu ông Nguyễn Tiến Hai giữ quân hàm Trung tá và ông vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng.

                                    Anh Vinh

.