Chân dung các thuyền trưởng tàu không số (Kỳ 2)

09:09, 29/09/2011
.

Kỳ 2: Thuyền trưởng tàu sắt đầu tiên

Đại tá Trần Văn Tú – cán bộ Ban liên lạc truyền thống “Đường Hồ Chí Minh trên biển” giới thiệu với chúng tôi một cách trân trọng và cảm phục về một người thuyền trưởng đã tham gia chở vũ khí vào miền Nam từ những ngày đầu trên con đường biển mang tên Bác.
 
Người đã chỉ huy chuyến tàu sắt đầu tiên, có 10 chuyến đi thành công, một con số thật đáng nể phục trong những năm tháng khó khăn, ác liệt bởi sự phong tỏa gắt gao của kẻ thù. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng gặp ông. Ông là Nguyễn Ngọc Ảnh, Thuyền trưởng của những con tàu không số năm xưa.

Làng Lũng những ngày đầu tháng Tám, đúng tiết ngâu, mưa bay lất phất. Những hạt mưa gợi lại bao ký ức xa xưa, trong không gian thoáng đãng còn phảng phất hương thơm của làng hoa lâu đời. Ông ngồi đó, đối diện với tôi, ở tuổi 80, ông không được khỏe lắm, ngoại trừ đôi mắt sáng và minh mẫn.

Ông là đồng hương của Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Tương và Nguyễn Văn Hiệu những người con ưu tú đất Quảng Nam anh hùng đã ra đi cùng những huyền thoại về Đoàn tàu không số vượt sóng gió ra khơi trong những đêm đen, bão gió, đưa vũ khí về miền Nam. Đó cũng là những ngày tháng có ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông. Ông tự hào về điều đó. 10 chuyến đi là 10 chuyến an toàn, 10 chuyến thành công.

Một chiếc tàu sắt của đoàn tàu không số trên đường chở vũ khí vào Nam (Ảnh thu được từ tài liệu của Mỹ-ngụy).
Một chiếc tàu sắt của đoàn tàu không số trên đường chở vũ khí vào Nam (Ảnh thu được từ tài liệu của Mỹ-ngụy).
 
Nguyễn Ngọc Ảnh tập kết ra Bắc năm 1954, làm cán bộ trong ngành đường sắt, tuyến đường Hà Nội - Lào Cai; sau đó chuyển về Nhà máy dệt Nam Định, rồi học lớp Sơ cấp Hàng hải và được điều về làm Thuyền trưởng tàu đánh cá của Xí nghiệp đánh cá Hạ Long. Trước yêu cầu vận chuyển đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam, đầu năm 1962 ông và một số anh em trong Xí nghiệp đã nhập ngũ vào Đoàn 759 - tiền thân Đoàn 125 sau này.

Chuyến đầu tiên ông tham gia chở vũ khí vào miền Nam là chuyến tàu sắt, do Xưởng đóng tàu III đóng. Đây là lần đầu tiên thử nghiệm con tàu do ta đóng và cũng là lần thử nghiệm cho một tuyến đi mới của đơn vị.

- Khi nhận con tàu sắt còn nguyên mùi sơn mới, anh em rất phấn khởi, nhưng không khỏi lo lắng vì chưa kịp tìm hiểu kỹ các tính năng của tàu đã nhận lệnh lên đường. Trước đó, năm 1962 ta đã sử dụng các tàu gỗ gắn máy chở vũ khí vào miền Nam, loại tàu này chỉ đi sát bờ, không ra biển xa được. An toàn đấy nhưng hiệu quả vận chuyển thấp. Trước yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, phải có những con tàu vận chuyển tốt hơn, trọng tải lớn hơn và đi biển trong mọi thời tiết. Con tàu này có trọng tải 50 tấn, lắp máy của Cộng hòa Dân chủ Đức - loại máy tốt nhất lúc bấy giờ. Tàu chịu được sóng cấp 7, cấp 8, mớn nước nông, có thể ra vào dễ dàng các kênh rạch ở Đồng bằng Nam Bộ.

Ngày 17-3-1963, từ bến K20-Hải Phòng chúng tôi lên đường. Đồng chí Đạt - Phân đội trưởng tàu tuần tiễu được điều sang làm Thuyền trưởng, tôi là Thuyền phó, đồng chí Nguyễn Văn Tiến nguyên là thành viên của đội tàu Bến Tre ra Bắc hai năm trước làm Chính trị viên.

Buổi chiều mùa đông hôm đó trời u ám, mây vần vũ xám xịt, sóng gió cấp 7, cấp 8. Tàu ra khơi. Phải đi vào những ngày sóng như vậy, nguy hiểm đấy, nhưng mới an toàn vì ít chạm tàu địch.

Ông Ảnh ít cười khi nói chuyện, có một nỗi buồn nào đó phảng phất trong đôi mắt mở to đau đáu kia. Sự suy tư hay những ký ức xưa hiện về trong buổi trò chuyện này? Lặng im một lát, ông kể tiếp:

- Trong đêm tối mịt mùng, càng ra khơi sóng mỗi lúc càng to. Gió thổi ràn rạt. Mặt biển tím sẫm. Thiết bị quan sát chỉ có 1 la bàn lái chính, 1 la bàn chuẩn ở trên cao để quan sát trăng sao, núi non. Chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm đi biển. Tàu đi về hướng đảo Hải Nam, vượt qua Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… hướng về phía Nam. Qua mấy ngày đêm vật lộn với sóng gió, tuy rất mệt nhưng ban chỉ huy tàu vừa phải bảo đảm công tác chỉ huy, vừa phải quan sát chi tiết những vị trí, nhận dạng trên đường, làm tiền đề cho những chuyến sau.
 
Sóng gió quần dữ, anh em thủy thủ mệt nhoài vì say sóng. Bụng đói, thèm một chút cháo nóng mà nồi cháo cứ đổ nước vào, mỗi lần tàu nghiêng lại hất tung cả bếp, cả cháo ra. Phải đi biển mới biết nấu ăn trên tàu khi sóng lớn cực đến mức nào, không kiên nhẫn chắc không làm nổi. Anh Trần Lộc, người Quảng Nam, có sáng kiến nắm chặt hai quai nồi và nhấc lên mỗi khi tàu lắc mạnh. Vậy mà mấy tiếng sau cũng được nồi cháo cầm hơi... Vượt qua đảo Cù Lao Thu, tàu hướng thẳng vào cửa Ba Động. Khi bắt được tín hiệu, chuẩn bị vào bến thì bất ngờ được tin báo địch tổ chức càn quét, vây hãm khu vực này, chúng tôi chuyển hướng sang bến Bát Sát, nay là cửa Hàm Luông (Trà Vinh).

Vòng vèo mãi theo con thuyền nhỏ dẫn đường lặng lẽ, mập mờ phía trước, chúng tôi cho tàu vòng xuống bến, đó là đêm 23 rạng ngày 24-3-1963. Đang chạy, bỗng tàu khựng lại! Tàu bị sục cạn. Mọi cố gắng của chúng tôi đều bất thành. Chi bộ hội ý chớp nhoáng quyết định cho anh em sơ tán, mang cả súng 12,7mm, CKC, AK lên rừng đước đề phòng nếu quân địch đến thì chiến đấu. Tôi cùng máy trưởng Kiên và đồng chí Nuôi ở lại trên tàu, tùy tình huống xử trí. Khoảng 11 giờ, có tiếng máy bay tới gần, ngó nghiêng. Bình tĩnh, chúng tôi lấy cờ ba que treo lên như những tàu đánh cá của dân miền Nam, phía trên khoang tàu rải mấy tấm lưới ra phơi. Máy bay địch vẫn quần đi quần lại nhưng không phát hiện thêm điều gì. Đến chiều tối, nước bắt đầu lên, người trong bến đón chúng tôi vào bờ. Tại đây, dân quân và bộ đội địa phương đã bố trí lực lượng đón và tiếp nhận vũ khí an toàn.

Tôi nhớ bữa đó, do tàu bị sục cạn, cánh chân vịt bị cong vênh không chạy được. Một xưởng sửa chữa cơ động dựng lên. Chúng tôi lấy gỗ đóng dưới tàu. Khi nước xuống, con tàu nằm cao trên đà. Anh Kiên người Trà Vinh - thợ máy tàu - có sáng kiến dùng đèn khò xì vào cánh chân vịt cho mềm, dùng búa gõ, nắn cho thẳng. Hì hụi hơn một tuần thì gò xong 4 cánh chân vịt. Nghỉ ngơi lại sức chúng tôi trở về miền Bắc. Chuyến về êm xuôi, lợi gió, lợi nước, tàu chạy nhanh và cập bến Đồ Sơn an toàn.

Sau chuyến đi đầu thắng lợi, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tổ chức gặp gỡ và liên hoan chúc mừng chúng tôi. Phó thủ tướng Phạm Hùng và Thượng tướng Trần Văn Trà cùng dự liên hoan. Anh em rất phấn khởi vì được Phó thủ tướng khen ngợi và tặng quà.

Từ kinh nghiệm của chuyến đi đầu, các chuyến sau chúng tôi thường cho tàu cập bến Láng Nước (tỉnh Cà Mau), bến này sâu lại có nhiều rừng đước nên cập tàu thuận lợi và an toàn hơn. Suốt 6 năm làm nhiệm vụ, tôi đã đi 10 chuyến thành công. Riêng chuyến thứ 5 tàu của chúng tôi đụng phải khu trục hạm của Mỹ, do chủ động phát hiện từ xa, nên đã nhanh trí kịp thời chuyển hướng và chuyển hàng tới bến an toàn...

Giờ đây, với ông, tổ ấm là ngôi nhà nhỏ rợp bóng cây ở làng Lũng - làng hoa, với đủ màu sắc của vùng đất nổi tiếng trồng hoa thành phố, nơi ông bà sống sum vầy cùng các con cháu đã trưởng thành. Ở đó là sự yên bình, đầm ấm, ở đó là những khoảng lặng cần thiết để ngẫm ngợi về những ngày gian khó, ác liệt nhưng hào hùng của những người lính vận tải biển. Vẫn đôi mắt sáng mở to, ông ngồi lặng nhìn ra vườn táo xanh mướt mát kia với ánh nhìn tưởng chừng như lơ đãng mà vẫn ẩn dấu ưu tư. Dường như, ông vẫn thấy bóng dáng còn tàu nhỏ bé năm xưa qua làn mưa ngâu bay lất phất, vẫn thấy gương mặt thân yêu của đồng đội và hy vọng vào ngày gặp mặt...

Ra về, lòng tôi cứ vấn vương mãi hình ảnh về ông, về đôi mắt sáng, tinh tường, mưu trí, dũng cảm của người thuyền trưởng năm xưa đã tham gia chỉ huy chuyến tàu sắt đầu tiên, đã đi 10 chuyến thành công, đưa vũ khí về giải phóng quê hương, góp phần làm nên trang sử huyền thoại của con đường biển mang tên Bác Hồ kính yêu...

.