Điểm du lịch hấp dẫn

10:01, 06/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt 2 thập niên đầu sau ngày thành lập, lĩnh vực du lịch - dịch vụ không được xác định trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện. Nhưng 10 năm trở lại đây, du lịch- dịch vụ trở thành ngành mũi nhọn của Lý Sơn, đóng góp gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của địa phương.
 
[links()]
 
Thức giấc vươn mình
 
trãi qua nhiều thế hệ, người dân Lý Sơn chỉ sống dựa vào nghề truyền thống là khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp, với hành, tỏi là chủ yếu. Nếu đến với Lý Sơn vào thời điểm năm 2010 trở về trước, không khí rất buồn. Đường sá nhỏ hẹp, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực... gần như không có. Sự sôi động nhất có lẽ là sự tất bật của nông dân trên những cánh đồng hành, tỏi và tiếng cười nói, trao đổi mua bán tại cầu cảng sau mỗi phiên biển của ngư dân. Nhưng với khát vọng vươn lên, huyện Lý Sơn đã tìm hướng đi mới để phát triển, giúp đời sống của người dân được nâng cao. Đó là lý do để ngành du lịch - dịch vụ ra đời. Kể từ đó, gần như tất cả tiềm năng như địa chất, địa mạo, các lễ hội văn hóa, các sản phẩm từ nông nghiệp, khai thác thủy sản truyền thống của địa phương đều trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đảo.
 
Du lịch Lý Sơn đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.  ẢNH: XUÂN THIÊN
Du lịch Lý Sơn đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. ẢNH: XUÂN THIÊN
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, hơn 10 năm nay, huyện đã tập trung nguồn lực đáng kể để khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có nhằm phát triển du lịch. Cụ thể, huyện đã đầu tư các tuyến đường giao thông, điện thắp sáng đến các di tích, danh lam thắng cảnh; nâng cấp cột cờ trên đỉnh núi Thới Lới; phục dựng bộ xương cá Ông ở Lăng Tân; xây dựng cảng giao thông; quảng trường trung tâm huyện; trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch cộng đồng... Đồng thời, quan tâm đến các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhiều sự kiện lớn được tổ chức ở Lý Sơn như: Giải Vô địch quốc gia Marathon, giải dù lượn, bóng chuyền bãi biển, bơi vượt biển từ đảo Lớn sang đảo Bé, đua thuyền...
 
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú đã được đầu tư xây dựng trên đị bàn huyện, tạo cho Lý Sơn diện mạo hoàn toàn mới. Toàn huyện hiện có 135 cơ sở lưu trú từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay, với hơn 1.000 phòng, đảm bảo phục vụ từ 3.000  -  4.000 khách/ngày.
 
Du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.
 
Khu du lịch quốc gia trong tương lai
 
Lý Sơn bước vào tuổi 30 với những thành tựu to lớn. Phát huy những thành quả ấy, huyện đang đặt ra cho mình hướng đi mới với khát vọng lớn. Một trong những mục tiêu phấn đấu của Lý Sơn trong những năm tới được cụ thể hóa bằng Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được huyện ban hành vào cuối tháng 12/2022. Trong  đó, huyện xác định phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ - du lịch, hướng đến hình thành khu du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2030 Lý Sơn trở thành khu du lịch quốc gia.
 
Ông Lê Văn Ninh nhấn mạnh, quan điểm của huyện trong giai đoạn tới là phát triển du lịch đúng hướng, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tạo ra các sản phẩm mới lạ, khác biệt, đặc sắc, mang nét đặc trưng của Lý Sơn với tính cạnh tranh cao. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của của công nghiệp 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
 
        Bài, ảnh: BẢO LỘC
 
 
 

.