Doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu: Đối diện với nhiều thách thức

09:06, 27/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành sản xuất, kinh doanh xăng, dầu. Gắng gượng chờ đợi thời cơ là thực tế hiện nay của các đơn vị kinh doanh mặt hàng đặc biệt thiết yếu này.
 
Lỗ nặng vẫn phải hoạt động
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước giảm gần 50% so với cùng kỳ các năm. Tình trạng "cung vượt cầu" tại thị trường nội địa gây ra áp lực lớn về tồn kho, làm gia tăng chi phí lưu kho; đồng thời, khiến doanh nghiệp (DN) bị chôn vốn do không bán được hàng hóa, gia tăng tiền lãi vay ngân hàng. Trong thời gian đến, dự báo thiệt hại đối với các đơn vị phân phối xăng, dầu là rất lớn. Vì vậy, các thương nhân đầu mối và 240 DN bán lẻ mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh buộc phải cắt giảm tối đa chi phí, để có thể giảm lỗ trong việc mở cửa phục vụ người dân. 
 
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đang gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đang gặp nhiều khó khăn.
 
Theo một DN đầu mối kinh doanh xăng, dầu ở Quảng Ngãi cho biết: So với giá nhập vào từ cuối 2019 và giá bán ra hiện tại, mỗi lít xăng, dầu DN đang chịu lỗ từ 5.000 - 8.000 đồng. Mặc dù vậy, các DN vẫn phải bán ra để giảm lượng hàng tồn kho bằng cách tăng chiết khấu. Ở thời điểm thực hiện lệnh giãn cách xã hội, mỗi lít xăng, dầu, DN đầu mối chiết khấu đến gần 3.000 đồng cho DN bán lẻ. Còn ở hiện tại, hoa hồng chiết khấu chỉ còn 50 đồng/lít đối với hàng nhận tại kho, tức là chưa tính chi phí vận chuyển. Vì thế, DN bán lẻ sau khi nhận hàng chở về đến cây xăng, bình quân phải bù lỗ từ 20 - 40 đồng/lít.
 
Chủ một cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ở KKT Dung Quất cho biết:  Mỗi tháng DN đang chịu lỗ khoảng 200 triệu đồng chi phí cho lương công nhân, tiền điện, nước, chi phí vận chuyển, chưa kể tiền lãi vay ngân hàng. Thế nhưng, pháp luật không cho phép đóng cửa nếu không có lý do rõ ràng, nên cửa hàng cũng đành chấp nhận lỗ.
 
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
 
Chính phủ hiện cho phép mỗi lít xăng, dầu chi phí định mức và lợi nhuận tối thiểu 1.300 đồng, song thực tế vận hành của thị trường không giống như công thức tính giá được Nhà nước đưa ra. Trong báo cáo tài chính quý I/2020, PVOil công bố lỗ hơn 530 tỷ đồng, còn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết lỗ tới gần 1.900 tỷ đồng.
 
Các DN đầu mối lý giải việc phải chịu lỗ khi Nhà nước cho phép được lãi là: Nhà nước cho chi phí định mức và lợi nhuận là thế, song có thời điểm, để đẩy hàng tồn kho DN đầu mối phải tăng chiết khấu cao hơn nhiều lần định mức này. Tuy nhiên, có thời điểm không có tổng đại lý nào mua, vì lo ngại giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm, mua vào sẽ lỗ. Cuối cùng DN đầu mối là chịu lỗ nặng nề nhất.
 
Trao đổi vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng cho biết: Sở Công thương vừa kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh xăng, dầu bằng việc ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ, như hỗ trợ giải ngân các khoản vay ưu đãi không tính lãi suất, miễn, giảm, giãn các loại thuế. Đồng thời khuyến khích, kêu gọi các DN tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh và có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành.
 
"Trước bối cảnh khó khăn này, việc điều hành giá xăng, dầu cần được tính toán, vừa bảo đảm phản ánh xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở mức hợp lý, hỗ trợ người dân, DN và kiểm soát lạm phát", ông Kiều Văn Dũng đề xuất.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.