Liên kết để cùng phát triển

10:12, 07/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong cơ chế thị trường, để đảm bảo đa dạng các sản phẩm chất lượng cung cấp cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm, siêu thị... một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã liên kết với nhau trong khâu sản xuất và tiêu thụ, tạo hướng đi bền vững.
Cùng nhau sản xuất
 
Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, đến nay, sản phẩm của HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), đã được nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị đặt hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, do không đáp ứng đủ nguồn cung, nên đành phải từ chối một số đơn hàng. 
Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Muôn (Ba Tơ) chọn cách liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp khác để tạo ra sự đa dạng sản phẩm tiêu thụ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Muôn (Ba Tơ) chọn cách liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp khác để tạo ra sự đa dạng sản phẩm tiêu thụ.
Xuất phát từ thực tế trên, các HTX nông nghiệp có tiềm năng đã tìm ra hướng đi mới, nhằm mở rộng thị trường, tăng doanh thu bằng cách liên kết với nhau. Bởi theo họ, cái khó hiện nay không phải là đầu ra của sản phẩm, mà là làm sao có đủ số lượng hàng hóa chất lượng để cung cấp cho đối tác.
 
Tuy mới thành lập được một năm, nhưng HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh, xã Đức Hòa (Mộ Đức), cũng đã có được những thành công nhất định. Với nhiều ngành nghề sản xuất như chăn nuôi gà, nuôi cá nước ngọt, trồng cây ăn quả, hoạt động dịch vụ chăn nuôi... HTX đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
 
Một trong những dự án lớn mà HTX Hòa Phú Thịnh đang thực hiện, đó là liên kết với HTX Măng tây Đức Thạnh để sản xuất măng tây với diện tích 5ha. Sở dĩ 2 HTX này chọn cây măng tây để liên kết là vì, thời gian qua, cây măng tây đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở các xã ven biển Mộ Đức.
 
“Mỗi ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị hàng tấn măng tây. Vì vậy, để đáp ứng được đơn hàng lớn trên, cần phải có sự liên kết giữa các HTX với nhau trong khâu sản xuất, cũng như thu hoạch...”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú Thịnh Nguyễn Anh Tiến cho biết.
 
Liên kết tạo đầu ra bền vững
 
Vài năm trở lại đây, số lượng HTX nông nghiệp được thành lập mới và hoạt động theo hình thức chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ ngày càng nhiều. Điều đáng chú ý là, các giám đốc HTX này đều là những người trẻ tuổi, có trình độ đại học, thạc sĩ. Nhờ được đào tạo bài bản lại năng động, giúp họ tiếp cận nhanh với cơ chế thị trường, từ đó cho ra đời những mô hình sản xuất, dịch vụ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Một trong những hướng đi khá mới mẻ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ba Tiêu (Ba Tơ) là trồng cây Sachi. Hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với dầu và các sản phẩm được làm từ cây Sachi rất lớn. Tuy nhiên, đây là loại cây khá mới mẻ đối với người dân Quảng Ngãi, do đó để có sản phẩm bán ra thị trường đều đặn, HTX đã liên kết với một HTX nông nghiệp tại tỉnh Kon Tum, để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm này.
 
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ba Tiêu Huỳnh Thị Hòa chia sẻ: Thế mạnh của mình là có đầu ra, trong khi HTX khác lại có lợi thế hơn về sản xuất Sachi, nên các HTX liên kết với nhau sẽ tạo ra hướng đi bền vững hơn.
 
Trong khi đó, bên cạnh thu mua các đặc sản từ rừng, HTX Nông nghiệp Cao Muôn (Ba Tơ) còn liên kết với một số HTX nông nghiệp khác ở các huyện miền núi để tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Cách làm này không chỉ giúp các HTX khác tìm được đầu ra, mà quan trọng là góp phần làm phong phú thêm các mặt hàng mà HTX Nông nghiệp Cao Muôn đang bày bán tại hệ thống các cửa hàng của HTX đặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.