Người nuôi heo không mạo hiểm tái đàn

09:09, 20/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mọi năm, vào thời điểm này, người chăn nuôi tập trung tái đàn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay người nuôi heo đang lo lắng, dè dặt với việc tái đàn, bởi nỗi lo dịch bệnh, giá cả thất thường trong khi các chi phí chăn nuôi lại khá cao.
TIN LIÊN QUAN

Nhiều rủi ro

Ông Nguyễn Huệ, một trong những hộ chăn nuôi heo số lượng lớn ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), chỉ giữ lại trong chuồng vài con heo. “Năm trước, tôi tái đàn tầm trăm con heo thịt để bán dịp tết Nguyên đán, tuy nhiên năm nay không chỉ lo dịch bệnh, giá cả bấp bênh, mà tính ra các chi phí chăn nuôi khác như thức ăn (cám), điện nước chiếm quá cao nên tôi không tái đàn nữa”, ông Huệ cho hay.
Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi heo không tái đàn vì nỗi lo dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí cao.
Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi heo không tái đàn vì nỗi lo dịch bệnh, giá cả bấp bênh, chi phí cao.

Còn bà Lê Thị Lệ Thủy, ở thôn Tân Định, xã Đức Thắng (Mộ Đức), lại hết sức lo lắng khi đã mạo hiểm tái đàn gần 100 con heo vào thời gian này. “Giá heo xuất chuồng khoảng 40.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi, trong khi thương lái đến trả giá chỉ 33.000 đồng/kg, chưa đủ trang trải các chi phí chăn nuôi.

Dù nhiều rủi ro, nhưng chăn nuôi heo là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình, nên tôi tái đàn với số lượng đã giảm hơn một nửa so với các năm trước. Ngoài đảm bảo thức ăn cho heo, tôi phải chú ý kỹ đến vệ sinh chuồng trại để phòng dịch bệnh”, bà Thủy lo lắng.

Nỗi lo thương lái ép giá

Đầu tháng 9 vừa qua, bà Bùi Thị Hay, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), đã xuất chuồng đàn heo của gia đình, vì lo giá heo ngày càng giảm. Giá bán heo thịt vào thời điểm đó khá thấp, chỉ khoảng 33.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều thương lái đến mua vẫn "chê đủ kiểu" để ép giá xuống thấp hơn. Lo ngại giá heo bấp bênh, dịch bệnh vào mùa mưa, bán heo không đủ bù chi phí nên đến nay bà Hay vẫn chưa tái đàn.


Theo các hộ chăn nuôi, dù có thông tin giá heo tăng trở lại, song khi các thương lái đến thu mua vẫn tìm mọi cách “chê”, nên giá heo hiện nay chỉ từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Chuyển hướng sang vật nuôi khác

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 28.5.2019 cho đến nay đã có 13 huyện xuất hiện dịch. Tính đến ngày 11.9, các huyện Sơn Tây, Trà Bồng và 22 xã đã qua 30 ngày chưa tái phát dịch. Tổng số lợn mắc bệnh và chết 19.449 con, trong đó 19.369 con (4.684 con heo giống và 14.685 con heo thịt) bị tiêu hủy bắt buộc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết: “Đối với huyện Tư Nghĩa, năm nay chăn nuôi gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh tả heo Châu Phi làm ảnh hưởng đến các nông dân.

Dịch tả heo Châu Phi lại chưa có vắcxin phòng ngừa, mà chủ yếu thực hiện tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó, địa phương khuyến cáo chỉ tái đàn ở những vùng đảm bảo an toàn cách ly dịch và vệ sinh môi trường; đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi chuyển đổi sang vật nuôi khác như trâu, bò để đáp ứng thị trường tăng cao vào dịp Tết”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ, để đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ thị trường Tết, người chăn nuôi chỉ nên tái đàn ở những trang trại chăn nuôi đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, thực hiện chăn nuôi đúng quy trình; còn lại người dân nên chuyển sang nuôi gia cầm hoặc các gia súc ăn cỏ.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai cấp phát 30.000 lít hóa chất phòng chống dịch và tháng 10 tới sẽ tiếp tục thực hiện đợt tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh, nhất là tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ heo, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan.


Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
 

TP.Quảng Ngãi: Đàn trâu, bò, heo giảm mạnh

Hiện TP.Quảng Ngãi có 50.460 con trâu, bò, heo, giảm 7.105 con so với năm 2015; trong đó, đàn heo giảm nhiều nhất, với gần 5.600 con, bò giảm 1.405 con và trâu giảm 102 con. Nguyên nhân chủ yếu là do chăn nuôi gia súc trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả không cao; dịch bệnh trên đàn gia súc thường xảy ra, làm cho người chăn nuôi không yên tâm sản xuất, diện tích đồng cỏ, bãi chăn nuôi ngày càng thu hẹp; giá con giống, thức ăn trong thời gian qua tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại không ổn định, nên người chăn nuôi có lãi thấp, thậm chí lỗ, dẫn đến nhiều hộ bỏ chăn nuôi để chuyển sang làm việc khác.

             THÙY TRANG


 

 


.