Gỡ khó cho ngư dân hành nghề giã cào: Cần giải pháp căn cơ

02:09, 05/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển “nóng”, nguồn lợi hải sản cạn kiệt, trong khi chi phí nhiên liệu và nhân công cao là nguyên nhân khiến hàng nghìn ngư dân hành nghề giã cào (lưới kéo) trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần...

Nhằm chuyển dịch khai thác thủy sản theo hướng tăng khai thác xa bờ, tỉnh đang nỗ lực giảm tổng số tàu hành nghề lưới kéo từ 31,5% xuống còn 25% (so với tổng số tàu cá toàn tỉnh).

TIN LIÊN QUAN

Gánh nợ từ nghề lưới kéo

“Rơi vào tình cảnh như hiện nay, một phần do ngư dân chủ quan, đầu tư đóng mới tàu hành nghề lưới kéo tăng cả về số lượng và công suất, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm”, ngư dân Phạm Anh Tuấn, thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho hay. Giai đoạn 2013 - 2015, đôi tàu hành nghề lưới kéo có tổng công suất 1.800CV của ông Tuấn liên tục “trúng biển”, doanh thu mỗi chuyến từ 2 - 3 tỷ đồng.

Chính vì vậy, năm 2016, ông Tuấn vay Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - Chi nhánh Quảng Ngãi hơn 4 tỷ đồng để đóng mới đôi tàu có tổng công suất gần 1.000CV hành nghề lưới kéo. Tuy nhiên, từ khi hạ thủy đến nay, đôi tàu trị giá trên 10 tỷ đồng chưa một lần mang lại niềm vui cho ông Tuấn, vì chuyến biển nào cũng rơi vào cảnh “thu không đủ chi”.

Hàng loạt tàu hành nghề lưới kéo phải neo bờ, vì làm ăn kém hiệu quả.
Hàng loạt tàu hành nghề lưới kéo phải neo bờ, vì làm ăn kém hiệu quả.

 Mỗi chuyến biển 15 - 20 ngày, tàu chỉ khai thác được vài tấn cá tạp, doanh thu chưa tới 100 triệu đồng, trong khi chi phí mỗi chuyến biển lên đến gần 200 triệu đồng. Làm ăn thua lỗ, lại phải trả 50 triệu đồng tiền lãi vay ngân hàng mỗi tháng, nên ông Tuấn không xoay xở được tiền đầu tư phí tổn.

Vì vậy, từ đầu năm 2019, đôi tàu có tổng công suất gần 1.000CV phải neo bờ; còn đôi tàu có tổng công suất 1.800CV thì hoạt động cầm chừng, chuyến hòa vốn, chuyến lỗ tổn.

Đôi tàu hành nghề lưới kéo của ngư dân Nguyễn In ở cùng thôn với ông Tuấn cũng rơi vào cảnh “chiếc mất, chiếc còn”. Đầu năm 2016, ông In vay Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Quảng Ngãi 4 tỷ đồng, đầu tư đóng mới đôi tàu có tổng công suất 1.240CV. Chưa kịp mừng vì sở hữu tàu to, ông In đã thấp thỏm âu lo vì hiệu quả khai thác ngày càng sụt giảm.

Đã thế, chỉ sau vài chuyến vươn khơi, đôi tàu của ông In gặp nạn, khiến một chiếc bị chìm, chiếc còn lại cũng phải nằm bờ. “Không có tàu vươn khơi, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, phải đi làm thuê để kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng. Hai tháng vừa qua, tôi không xoay xở được tiền để trả lãi (gần 50 triệu đồng/tháng), ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu và có nguy cơ bị niêm phong nhà”, ông In cho biết.

Ngoài ông Tuấn, ông In, trên địa bàn xã Nghĩa An hiện có hàng trăm ngư dân hành nghề giã cào rơi vào cảnh nợ nần, vì trót vay vốn đầu tư sắm “tàu to, máy lớn”. Thậm chí, một số ngư dân còn “tiền mất nợ mang”, vì đầu tư đóng mới tàu cá từ giữa năm 2016, nhưng đến nay, tàu vẫn còn nằm xưởng, do không có tiền để hoàn thiện.

Mong được giãn nợ

Nghề lưới kéo hoạt động kiểu “lọc nước lấy cá”, hủy diệt những sinh vật tầng đáy, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Chính vì vậy, từ năm 2014, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo và yêu cầu các địa phương không cấp phép cho ngư dân nâng cấp tàu làm nghề lưới kéo.

Đến năm 2015, Bộ ban hành Công văn số 9443, yêu cầu UBND các tỉnh ven biển tạm dừng cấp phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo, kể từ 16.11.2015.

Song vào thời điểm đó, lợi nhuận mà nghề lưới kéo mang lại quá lớn, nên nhiều ngư dân vẫn bất chấp, ồ ạt vay vốn đóng mới tàu cá trước khi quy định có hiệu lực. Vì vậy, nghề lưới kéo của tỉnh có thời điểm lên đến gần 2.000 chiếc (chiếm 33% tổng số tàu cá của tỉnh), trở thành địa phương có số tàu hành nghề lưới kéo cao nhất cả nước.

Hiệu quả kinh tế của tàu lưới kéo thấp vì lượng cá tạp, hải sản có giá trị thấp chiếm trên 70% tổng sản lượng mà tàu khai thác được.
Hiệu quả kinh tế của tàu lưới kéo thấp vì lượng cá tạp, hải sản có giá trị thấp chiếm trên 70% tổng sản lượng mà tàu khai thác được.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, nguồn lợi thủy sản suy kiệt, cộng với chi phí nhiên liệu và lao động tăng cao, khiến ngư dân hành nghề lưới kéo khó khăn.

“Do đặc thù của nghề, cộng với việc khan hiếm bạn tàu, nên lao động làm việc trên tàu lưới kéo không trả lương theo tháng, mà trả theo mức 500 - 600 nghìn đồng/ngày. Chi phí cao, nhưng doanh thu thấp, nên 4 đôi tàu của gia đình hoạt động cầm chừng, chuyến làm chuyến nghỉ”, ngư dân Trương Hoài Phong cho biết.

Theo báo cáo của UBND xã Nghĩa An, chỉ riêng Vietcombank Quảng Ngãi đã cho 155 khách hàng vay trên 342 tỷ đồng để đóng mới 173 chiếc tàu hành nghề lưới kéo. Đến thời điểm này, số nợ xấu chiếm 19% và nợ gần xấu chiếm 34%. Nhiều trường hợp ngư dân không trả nợ đúng hạn, nên ngân hàng tiến hành niêm phong nhà cửa và tài sản, thậm chí kiện ra tòa, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự địa phương.

“Thu nhập của ngư dân phụ thuộc hoàn toàn vào nghề biển, nhưng hiện giờ, hiệu quả khai thác thủy sản giảm, nên ngư dân không có tiền để trả nợ cho ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi mong ngân hàng xem xét khoanh nợ gốc và cho giãn nợ, để ngư dân có điều kiện tái vươn khơi”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Đỗ Hồng Minh kiến nghị.

Cần giải pháp căn cơ

“Việc khoanh gốc, giãn nợ chỉ là giải pháp tạm thời, giúp ngư dân vượt qua khó khăn bước đầu. Về lâu dài, ngư dân hành nghề lưới kéo cần phải thay đổi và mạnh dạn chuyển đổi nghề”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương khẳng định.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề như thế nào để vừa hiệu quả, vừa ổn định cuộc sống là việc không dễ. Bởi chưa kể đến chi phí cải hoán tàu (200 - 250 triệu đồng/chiếc), mà việc chuyển đổi nghề còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề của ngư dân.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục Thủy sản rà soát và xây dựng phương án chuyển đổi nghề cụ thể, trong đó chú trọng đến việc đánh giá và dự báo nguồn lợi hải sản, số lượng tàu cần chuyển đổi, công tác đào tạo nghề cho ngư dân...

Trong khi đó, chính quyền và người dân xã Nghĩa An lại cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để “giải cứu” ngư dân hành nghề lưới kéo chính là sớm đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết hợp cảng cá Cổ Lũy.

“Không chỉ giúp gần 1.200 chiếc tàu của ngư dân 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú thuận lợi trong việc ra vào, neo đậu tránh trú bão; mà còn thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nhất là những ngư dân hành nghề lưới kéo muốn chuyển đổi nghề, hoặc không có điều kiện vươn khơi”, ông Đỗ Hồng Minh cho biết.

Dự án chậm vì đợi vốn!

Ngày 31.10.2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết hợp cảng cá Cổ Lũy, với kinh phí đầu tư 158 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2018 - 2020. Không chỉ chống bồi lấp, sạt lở, đảm bảo cho tàu ra vào, tránh trú bão tại khu vực cửa Cổ Lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mà dự án còn tạo sự liên hoàn, góp phần phát huy tối đa hiệu quả của 2 dự án là: Kè chống sạt lở bờ bắc Cửa Đại, KDC thôn Khê Tân và Chống bồi lấp Cửa Đại sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA


.