Các kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 và 2019

10:12, 17/12/2018
.

Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là 6,83% và 7,01% và năm 2019 sẽ là 6,9%; 7,1%.
 
Kinh tế ghi nhận nhiều tích cực, tiêu dùng tăng khá
 
Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, trong 11 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, có sự cải thiện ấn tượng ở cả phía cung và phía cầu; lạm phát trong tầm kiểm soát; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá, thu chi NSNN được quản lý chặt chẽ …
 
Bên cạnh đó, tiêu dùng cũng tăng khá trong 11 tháng đầu năm. Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 385 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 288,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% và tăng 13,1%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 47 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% và tăng 8,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% và tăng 3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 11,7%.

 
Tính chung 11 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4.000,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,34% (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,25%).
 
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm nay ước tính đạt 3.007,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,7%; may mặc tăng 12,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,8%; phương tiện đi lại tăng 11,3%.
 
Thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động
 
Về tỷ giá, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết, do tỷ giá VND/USD đã được điều chỉnh tăng trong thời gian trước đó, nên đến cuối tháng 11/2018, tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,3% so với cuối quý II/2018. Tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại khá ổn định đến giữa tháng 7, sau đó tăng lên ở mặt bằng mới và gần hơn với mức trần cho phép.
 
Đến ngày 23/11/2018, tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,6% so với cuối tháng 7 và khoảng 1,65% so với cuối tháng 6. Tỷ giá trên thị trường tự do luôn vượt tỷ giá của ngân hàng thương mại, dù đã giảm nhiệt từ giữa tháng 8. Những biến động về tỷ giá thời gian vừa qua đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp trong nước.
 
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report vừa công bố tháng 10/2018, có tới 51,4% doanh nghiệp được khảo sát đã đánh giá “biến động tỷ giá hối đoái” là khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong năm nay.
 
Về lãi suất, với sự đảm bảo của thanh khoản hệ thống và lạm phát, lãi suất được duy trì ổn định trong khoảng 5 tháng đầu năm, sau đó với hiện tượng thanh khoản hệ thống giảm nhẹ và việc FED tăng lãi suất, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng (LSLNH) tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt, nhất là từ cuối tháng 7, LSLNH có mức tăng khá mạnh với LSLNH các kỳ hạn: qua đêm, 1 tuần và 3 tháng đã lần lượt tăng lên mức 4,69%, 4,80% và 4,08% - mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
 
Đến ngày 23/11/2018, lãi suất liên ngân ở mức cao nhất trong năm 2018, đạt 5,15%/năm kỳ hạn 3 tháng. Kì hạn qua đêm áp dụng tại ngày 26/10 là 4,79%/năm, kì hạn 1 tuần là 4,74%/năm, kì hạn 2 tuần là 4,92%/năm, 1 tháng là 5,29%/năm. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng hiện tại còn cao hơn cả lãi suất huy động của một số ngân hàng ở cùng kì hạn.
 
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018
 
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế xã hội 11 tháng đầu năm 2018, cũng như xem xét các yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đã xây dựng hai kịch bản dự báo dựa trên các giả định về sự thay đổi của các biến số bao gồm kinh tế thế giới (tăng trưởng kinh tế giới; chỉ số giảm phát chi tiêu cho tiêu dùng thế giới; giá dầu thế giới); Kinh tế Việt Nam (Tỷ lệ đầu tư/GDP; tốc độ tăng lực lượng lao động, biến động của tỷ giá, lãi suất)…
 
Theo đó, 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia đưa ra là:
 
Năm 2018: Tăng trưởng GDP có thể tăng 6,83% hoặc 7,01%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 4% hoặc 4 – 4,2%.
 
Năm 2019: Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,9% hoặc 7,1%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 4% hoặc 4,5%.
 
Minh Ngọc/VnMedia

.