Vốn ưu đãi "đóng băng"

03:11, 27/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và hộ nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, nguồn vốn ưu đãi này lại khó giải ngân...

TIN LIÊN QUAN

Chính sách có...

Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn vốn phát triển sản xuất, Đảng và Nhà nước đã có chính sách cho vay phát triển sản xuất theo Quyết định số 54 và Quyết định 755/QĐ-TTg.

Một khi tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Một khi tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có điều kiện để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.


Theo Quyết định 54, đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sống ở các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng bằng 50% mức thu nhập bình quân của hộ nghèo thông thường; có phương thức sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. Mức cho vay là 8 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,1%/tháng, thời hạn vay tối đa là 5 năm. Bên cạnh đó, nếu các hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu vay thêm vốn sẽ được giải quyết theo chính sách của hộ nghèo.

Đối với Quyết định 755, ban hành năm 2013, đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất theo định mức quy định tại địa phương; khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt... Những nơi còn quỹ đất thì được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để tạo quỹ đất. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng qua Ngân hàng CSXH tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm, với mức lãi suất bằng 0,1%/tháng.

...nhưng triển khai khó

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Quảng Ngãi, trong năm 2015, tổng nguồn vốn cho vay theo Quyết định 54 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, nguồn vốn này còn tồn trên 23 tỷ đồng. Tương tự, kế hoạch dư nợ năm 2015 của Quyết định 755 là  22 tỷ, thế nhưng đến cuối năm 2015, nguồn vốn này vẫn còn tồn hơn 16 tỷ đồng. Nghĩa là số tiền giao từ đầu năm không những không giải ngân được, mà số tiền còn tồn trước đó vẫn chưa giải ngân hết.

Theo đó, toàn bộ nguồn vốn còn tồn của cả 2 chương trình trên được chuyển sang năm 2016 để tiếp tục triển khai cho vay. Song, đến thời điểm này, tổng nguồn vốn tồn đọng của cả hai chương trình còn khoảng 30 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn này đã bị “đóng băng” trong thời gian qua. Trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm tài chính.  

Nguyên nhân giải ngân thấp là do nhu cầu của mỗi địa phương không giống nhau nên khó triển khai hỗ trợ, cho vay theo chương trình. Trước khó khăn này, các địa phương đã chuyển sang thực hiện cho vay theo phương thức chuyển đổi nghề theo Đề án 1260 của UBND tỉnh bằng nguồn kinh phí Quyết định 755, nhưng tiếp tục bị vướng. Trong đó, việc rà soát đối tượng không kỹ, không đúng ở cấp xã và việc kiểm tra, giám sát của cấp huyện chưa chặt chẽ đã khiến nguồn vốn khó giải ngân.

Ông Lê Thanh Tùng – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà cho biết: “Thực hiện chủ trương của Nhà nước, Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà đã có văn bản đề nghị các xã rà soát, gửi số đối tượng cần vay vốn để Ngân hàng làm thủ tục cho vay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9.2016, chỉ có 3 xã có hồ sơ xin vay. Song chính quyền địa phương cũng chưa có trách nhiệm, chỉ đưa danh sách mà không rà soát, kiểm tra kỹ nên đến khi có vốn thì đối tượng lại không đúng, dẫn đến không thể giải ngân".

Trong các cuộc họp quý của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh, vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ nhiều lần. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã nhận định, việc triển khai cho vay theo Quyết định 54 và 755 thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ nhấn mạnh, nếu huyện nào, xã nào để người dân muốn vay mà không vay được thì sẽ phải chịu trách nhiệm.

Với mức lãi suất 0,1%/tháng thì nguồn vốn vay theo Quyết định 54 và 755 sẽ là động lực lớn để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Thế nhưng, do sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan giám sát, khiến vốn bị “đóng băng” trong thời gian dài, gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.