Mưu sinh dưới "đáy biển"

04:09, 13/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ốc cừ, một đặc sản mà nhiều du khách khi đến đảo Lý Sơn đều muốn thưởng thức qua một lần. Song, không nhiều người biết rằng, đằng sau những con ốc kia là cả một cuộc mưu sinh lắm gian nan, thậm chí là đánh đổi mạng sống của những người làm nghề lặn bắt ốc cừ.

TIN LIÊN QUAN

Làm bạn với… “đáy biển”

Sau nhiều lần thuyết phục, tôi được anh Nguyễn Văn Phước (41 tuổi), ở thôn Đông, xã An Vĩnh đồng ý cho theo ghe của anh để ra khơi xa “mục sở thị” nghề lặn bắt ốc cừ. Quá nửa đời người của anh là mưu sinh dưới mặt nước biển. Trước đây, anh lặn bắt ốc ở Hoàng Sa - Trường Sa. Tám năm trở lại đây, ngư trường hoạt động chủ yếu của anh là quanh đảo Lý Sơn, nhất là nơi gần đảo Bé.

 

“Chiến lợi phẩm” của anh Phước sau nhiều giờ lặn xuống biển.                      Ảnh: XUÂN KHÁNH
“Chiến lợi phẩm” của anh Phước sau nhiều giờ lặn xuống biển. Ảnh: XUÂN KHÁNH


Sáu giờ sáng hôm sau, tôi có mặt đúng hẹn tại xóm Cồn (thôn Đông, An Vĩnh). Anh Phước cùng đồng nghiệp của mình là anh Ba (ở cạnh nhà anh Phước) lỉnh khỉnh đồ đạc mang ra ghe. Các ngư dân mang theo một thùng xốp loại vừa, cùng với một ít đá lạnh mà theo lời anh Phước, dùng để ướp cá nếu “săn” được. Ngoài quần áo lặn, còn nước ngọt, thuốc lá, cơm và thức ăn… cùng một số vật dụng khác.
 

Một chủ nhà hàng ở Lý Sơn cho biết, khách đến đây hầu như đều yêu cầu ốc cừ. Ngày thường thì đủ chứ không dám nói là dư cung. Nhưng vào dịp lễ, Tết là “cháy hàng”, có khi 800.000 đồng cho 1 kg ốc cừ ruột, hơn cả triệu bạc cho 1kg ốc đụn mà cũng không có.

Anh Ba cho biết, toàn đảo Lý Sơn có khoảng 30 chiếc ghe hoạt động lặn bắt ốc cừ, riêng khu vực xóm Cồn có khoảng 20 chiếc. Mỗi ghe có công suất khoảng 12CV, thường thì 2 ngư dân cùng nhau làm chung. Tầm 20 phút sau, ghe đến được “điểm” lặn ốc. Neo được thả để giữ ghe lại, anh Phước và anh Ba thoăn thoắt mặc đồ lặn, sửa soạn lại súng (tự chế) bắn cá, kiểm tra lại dây hơi...

Tôi ở lại trên ghe, đưa mắt nhìn những bọt biển nổi lên rồi tan biến. Cuộn dây dẫn khí oxy nhỏ dần, nhỏ dần rồi thẳng tắp, mất hút về phía đáy biển. Quan sát xung quanh, tôi thấy còn vài chiếc ghe nhỏ đang neo đậu cách đó không xa. Tầm 3 tiếng đồng hồ sau, 2 ngư dân mới ngoi lên cùng với 2 vợt đầy các loại ốc, chủ yếu là ốc cừ. Anh Phước cho biết, mỗi vợt đựng được khoảng 20kg ốc. Hôm ấy anh Phước “trúng mánh” khi tóm được chú mực vòi khá to, anh ước tính phải trên dưới 200 ngàn đồng.

Cho cá bắn được vào thùng đá, bỏ ốc vào bao theo loại xong, các anh ăn cơm trưa. Vừa ăn, anh Phước kể: “Làm cái nghề này chẳng khác gì làm bạn với đáy biển. Bảy giờ sáng có mặt ở đây, rồi xuống ở luôn dưới  biển đến 3 tiếng đồng hồ. Lên ăn cơm, nghỉ ngơi được một lát xong rồi lại xuống dưới 3 tiếng đồng hồ nữa, rồi mới về nhà”. Tính ra một ngày, ngư dân lặn bắt ốc cừ ở dưới biển 6 tiếng đồng hồ.

Sống chết với nghề

Hiện tại, mỗi kilôgam ốc cừ vỏ (còn để nguyên vỏ và ruột) có giá 20.000 đồng, ốc đụn vỏ là 30.000 đồng. Ốc cừ sau khi đập vỏ lấy ruột có giá 140.000 đồng/kg, ốc đụn là 350.000 đồng/kg. “Đó là giá thu mua tại chỗ, khi thợ lặn vừa mang ốc từ ngoài ghe vào. Nếu bán ở các quán ăn, nhà hàng thì giá cao hơn rất nhiều”, anh Phước cho hay.  Anh Phước nhẩm tính, mỗi ngày, một ngư dân kiếm được khoảng 400.000 đồng sau khoảng 6 tiếng đồng hồ “ở” dưới mặt biển sâu tầm 20m.

Đập vỏ để bán ốc cừ ruột với giá 140.000 đồng/kg.
Đập vỏ để bán ốc cừ ruột với giá 140.000 đồng/kg.


Khoảng từ tháng 2 đến tháng 4, thu nhập của thợ lặn khá hơn, dao động từ 700.000 – 800.000 đồng, nguyên nhân là khoảng thời gian này ốc nhiều. Vào những ngày lễ, Tết, khi du khách đến Lý Sơn tăng đột biến, mặc dù ốc cừ khan hiếm nhưng giá mà thợ lặn bán cho quán ăn, nhà hàng tăng lên không đáng kể.

So với nhiều nghề biển khác ở Lý Sơn, lặn ốc cừ không cho thu nhập cao, nhưng ngược lại, ổn định và ít rủi ro hơn. Nói vậy, chứ trên đảo này đã có không ít người chết, bị thương trong khi lặn bắt ốc cừ. Nhưng đã theo nghề, là gắn bó với nghề, không bỏ được. Hành nghề lặn ốc hơn 6 năm qua, anh Ba đã tích cóp, xây được căn nhà khang trang. Trong khi đó, chị Thuận (vợ anh Phước), kiếm thêm thu nhập từ việc mua bán ốc cừ để có đồng ra, đồng vào san sẻ khó khăn với chồng. Hiện vợ chồng anh Phước đang phải dành dụm để nuôi cô gái đầu vừa vào đại học.

Chiều hôm ấy, tôi còn gặp anh Trường, cũng là một tay thợ lặn ốc lâu nay ở xóm Xồn. Hôm ấy anh trúng đậm khi “hốt” được một ổ ốc voi, anh cho biết với số ốc ấy, anh bán được hơn 1 triệu đồng, đó là chưa tính mấy chục kilôgam ốc cừ và cá khác. “Đó là chuyện hiếm. Vì không phải ai và không phải lúc nào cũng may mắn như vậy. Cái nghề này cực lắm, nhưng phải sống chết với nó thôi, dân biển mà”, anh Trường tâm sự.

Bài, ảnh: Xuân Khánh
 


.