Người phụ nữ tay ngang “bạo gan” làm thuỷ điện

09:03, 20/03/2012
.

(QNĐT)- Chuyện “làm điện” lẽ ra dành cho giới mày râu, nhưng công việc này lại được một người phụ nữ chưa học về ngành điện ngày nào quản lý điều hành. Đó là bà Trần Thị Chanh- Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thủy điện Cà Đú, huyện Trà Bồng.

TIN LIÊN QUAN


Giám đốc làm điện nhưng không biết về… điện

Trước khi gặp bà Chanh, trong tôi tôi cứ nghĩ bà là người rắn rỏi, mạnh mẽ và chắc chắn phải có tố chất gì đó của người đàn ông mới dám “làm điện”, nhưng thật bất ngờ bà Chanh hoàn toàn khác so với ý nghĩ của tôi.

d
Trần Thị Chanh- Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thủy điện Cà Đú.


Thoạt đầu nhìn dáng vẻ của bà thì không ai dám nghĩ bà Chanh là người đi tiên phong đầu tư công trình thủy điện ở Quảng Ngãi.

Lân la hỏi mãi, bà Chanh mới tiết lộ: “Trước đây tôi là nữ sinh Trường nữ trung học Quảng Ngãi, tôi đậu tú tài toàn năm 1972 rồi tha phương tận Sài Gòn, cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao mình lại về vùng núi rừng xa tít này để làm công việc, mà trước đó chưa bao giờ nghĩ đến”.

Nghe bà Chanh bộc bạch tôi lại liên tưởng đến chuyện học hành, thi cử trước năm 1975 mà cha tôi thường kể tôi nghe. Cha tôi kể rằng: “Trước năm 1975 ở Quảng Ngãi có hai trường trung học có danh tiếng là Trần Quốc Tuấn, dành cho nam giới và Trường nữ trung học. Thi đậu vào trường đó là đã là oách rồi, chứ chưa nói học lực như thế nào. Còn ai mà đậu Tú tài toàn (tương đương tốt nghiệp THPT-PV) là “xịn” lắm. Bởi vì mỗi năm có hàng trăm sĩ tử nhưng chỉ có vài chục thí sinh thi đậu.  

“Quê tôi ở Bình Mỹ, huyện Bình Sơn nhưng xa quê cũng lâu rồi”- bà Chanh cho hay. Năm 1972, bà vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây bà Chanh đi dạy được một thời gian rồi lập gia đình.

“Tưởng rằng mình lấy chồng rồi vẫn theo nghề giáo nhưng lại rẽ sang ngã khác: Sản xuất và kinh doanh đất đèn (đá cạc bin). Thời điểm này làm nghề “đất đèn” khá lắm. Nhưng sau thời gian, đất đèn một số nước tràn vào Sài Gòn giá rẻ hơn nên cạnh tranh không nổi. Trong khi đó, điện ở Sài Gòn thiếu trầm trọng, giá thành cao nên sản xuất không có lãi. Tôi bàn tính với gia đình chuyển nghề này ra miền Trung, chủ yếu là về quê, vì nghề này ở quê mình còn sơ khai. Hơn nữa tôi nghe ở Trà Bồng có thủy điện Cà Đú hình thành nhưng chưa khai thác  hiệu quả nên tôi quyết định về quê”.

Nghĩ là làm. Năm 2002, bà Trần Thị Chanh bỏ lại sau lưng đất Sài thành hoa lệ để lặn lội tìm đến rừng núi hoang sơ có công trình thủy điện Cà Đú và thuê hẳn công trình này để sản xuất đất đèn- bà Chanh bộc bạch.

Công trình thủy điện Cà Đú được xây dựng từ năm 2000 do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Lúc đầu, công trình thủy điện này có công suất 300 kWh/năm, nhưng sử dụng không mấy hiệu quả.

Năm 2004, bà Chanh mua hẳn công trình thủy điện này và đầu tư nâng công suất lên 1 mê-ga-woát/năm.

Bà Chanh cho biết, mục đích nâng công suất máy chủ yếu là để phục vụ sản xuất đất đèn, nhưng do sử dụng điện chưa tới 1/3 công suất máy nên bà xin tham gia bán điện cho ngành điện.

Năm 2005, nguồn điện từ thủy điện Cà Đú chính thức được đưa lên lưới của ngành điện lực. Công ty TNHH xây dựng thuỷ điện Ca Đú do bà Trần Thị Chanh làm giám đốc là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Quảng Ngãi sản xuất điện và bán điện cho ngành điện.

Gắn bó với làm điện

Trò chuyện với nữ giám đốc Trần Thị Chanh tôi hỏi đi hỏi lại: Sao chị không biết về điện mà dám bạo gan làm điện vậy? Bà Chanh không trả lời mà cười tươi. Nhưng tôi biết, đằng sau nụ cười đó chắc hẳn bên trong chứa những uẩn khúc. Nhà máy thủy điện Cà Đú nay đã nâng công suất lên 2,6 MW/năm và đang chạy ổn định. Năm 2011, Nhà máy sản xuất hơn 10 triệu kWh, doanh thu hơn 9 tỷ đồng.

Để có được kết quả này, trước đó nữ giám đốc Trần Thị Chanh đã nếm trả nhiều cay đắng, bầm dập từ chuyện mua thiết bị đến việc chạy vốn đầu tư lớn nhưng không hiệu quả và kể cả sự không đồng thuận của gia đình.


“Hai mưoi bảy năm trước, chồng tôi mất để lại 6 đứa con. Nhiều khi tôi tưởng mình đứng không vững để chăm lo cho chúng nó, nhưng rồi tôi vẫn bươn chãi nuôi nấng tụi nó thành đạt”- bà Chanh tâm sự. Những người con của nữ giám đốc làm điện này có người nay đã có học vị cao, hiện đang công tác ở nước ngoài. Hiện gia đình bà Chanh đang ở Sài Gòn. Những người con của bà không hề muốn bà tiếp tục công việc gian truân này mà ở nhà để phụng dưỡng nhưng bà Chanh từ chối.

Bà bảo: “Tôi có việc vào Sài Gòn ở mấy ngày là nhớ nhà máy. Nghe tiếng máy nổ quen rồi, thiếu nó như thiếu cái gì đó lớn lắm. Nhất là buổi sáng từ chỗ ở đi bộ lên nhà máy nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy dường như đã đi vào tiềm thức của tôi rồi. Vì vậy, tôi ở Sài Gòn vài ngày là ra ngay”.

Từ một người không biết gì về làm điện nay nữ giám đốc Trần Thị Chanh rành rọt về thủy điện. Nữ giám đốc này không chỉ giữ vai trò của một quản lý mà còn là người rất am hiểu về kỹ thuật máy móc.

Bà Chanh trăn trở: Đầu tư thủy điện cần nguồn vốn lớn nhưng nguồn thu nhỏ giọt mà vay ngân hàng thì không chịu nổi. “Tui cố gắng ổn định nhà máy hoạt động vài ba năm nữa lấy lại ít vốn đầu tư, nếu thiếu tôi bán luôn ngôi nhà ở Sài Gòn để đầu tư vào nhà máy này”- bà Chanh nói chắc nịch.


                                        Lê Anh Vinh

 


.