HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ ở Quảng Ngãi:
Bước đệm để thành lập nghiệp đoàn nghề cá

09:10, 05/10/2011
.
* TRẦN ĐĂNG

(QNĐT)- Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn chỉnh Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản vùng biển xa trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Có thể xem đây là động thái tích cực để các HTX dịch vụ và khai thác hải sản ra đời, làm tiền đề cho việc hình thành các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN
* Rời rạc các “đoàn thuyền đánh cá”


Ông  Đỗ Tấn Tự-Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Ngãi cho rằng kinh tế tập thể trong ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi hiện nay là rất yếu và rời rạc. Trừ HTX đánh bắt xa bờ và dịch vụ thủy sản Bình Chánh (huyện Bình Sơn) vừa được thành lập hồi tháng 9/2011, 10 HTX còn lại, phần lớn là đóng tàu, dịch vụ và nuôi trồng thủy sản. Từ nhiều năm qua, tỉnh vẫn chưa có một tổ chức sản xuất nào mang tính chất HTX khai thác hoặc dịch vụ khai thác hải sản.
 
Các tàu cá Lý Sơn chào mừng thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Ảnh: T.Đ
Các tàu cá Lý Sơn chào mừng thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Ảnh: T.Đ

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 1.700 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, chuyên hoạt động trên các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng vì không có tổ chức nào liên kết họ lại nên hoạt động rất rời rạc, mạnh ai nấy ra khơi. Các “đoàn thuyền đánh cá” này liên kết theo dòng họ hoặc hàng xóm.

Không có một tổ chức nào đứng ra “chịu trách nhiệm” trong việc cung cấp nhiên liệu hoặc tiêu thụ sản phẩm nên đa số đều “bắt tay” với các đầu nậu. Số đầu nậu này là người chịu trách nhiệm tạm ứng nhiên liệu và thực phẩm gồm xăng dầu, đá cây (để ướp cá), thực phẩm trong suốt chuyến ra khơi (khoảng 30 ngày) và chính họ sẽ là người bao tiêu sản phẩm cho số ngư dân này.

Cứ một đầu nậu thì sẽ “bao” cho 5-7 tàu đánh cá và thanh toán theo hình thức trên. Vì “mắc nợ” nhau theo hình thức tạm ứng nói trên nên ngư dân không có quyền mặc cả trong việc bán hải sản đánh bắt được mà giá cả hầu như phụ thuộc vào đầu nậu. Tuy nhiên, nhiều đầu nậu cũng tan gia bại sản nếu như chuyến hải hành của ngư dân mà mình “bao” ấy gặp rủi ro như chìm tàu hoặc tử nạn trên biển. 5-7 trăm triệu “tạm ứng” coi như mất trắng vì rất khó đòi lại được, và cũng chẳng biết kiện tụng ai.

* HTX là cần thiết

Theo đề án trên, 5 huyện ven biển và đảo Lý Sơn, trong hai năm 2011-2012 sẽ thành lập được 10 HTX, mỗi HTX có 20 chủ tàu với khoảng  trên 200 thuyền viên/HTX. Các tàu này có công suất từ 90 CV trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ. Số lượng trên có thể sẽ thay đổi tùy theo tình hình thực tế ở mỗi địa phương.
 
Đầu nậu luôn đợi sẵn trên bờ để đón cá của tư dân từ khơi xa. Ảnh: T.Đ
Đầu nậu luôn đợi sẵn trên bờ để đón cá của tư dân từ khơi xa. Ảnh: T.Đ

Trước khi thành lập các HTX này, ban vận động sẽ về các xã ven biển-nơi có nhiều tàu đánh bắt xa bờ để họp dân và lấy ý kiến của họ.

Qua cuộc vận động thành lập HTX nghề cá tại xã Bình Châu và xã Bình Chánh, đa số ngư dân đều muốn vào HTX nếu các “tôn chỉ mục đích” được giữ đúng như điều lệ. Đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính, nên giảm tối đa để ngư dân an tâm vào HTX.

Nếu “chơi” với đầu nậu, có thể chịu thiệt thòi khi bán sản phẩm, bù lại, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần “a lô” một tiếng là họ mang ngay hàng trăm triệu tới để “tạm ứng” cho ngư dân ra khơi. Vô HTX sẽ không thể đơn giản như vậy. Tuy nhiên, qua phân tích thiệt hơn, phần lớn ngư dân đều cảm thấy cần thiết phải có HTX, vì đó chính là nơi có thể giúp đỡ họ “vô tư” nhất và cũng là tổ chức chịu trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành các tàu đánh cá, nhất là việc liên kết để ra khơi nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro trên biển.

Đề án trên cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HTX nghề cá là chủ trương đúng đắn và cần thiết của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế biển của địa phương đồng thời mở ra cơ hội để người lao động trong ngành khai thác hải sản có tổ chức của riêng mình, đó là các nghiệp đoàn nghề cá./.

.