Hỗ trợ lãi suất 4%:
Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay

08:04, 29/04/2009
.

Khách hàng đến quan hệ vay vốn Ngân hàng trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.   

Khách hàng đến quan hệ vay vốn Ngân hàng trên địa bàn TP. Quảng Ngãi. 

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tìm vốn vay đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đang là mối lo lớn của các DN, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nguyên nhân là do khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của DN này kém hơn DN lớn. Các ngân hàng (NH) cho rằng: Năng lực tài chính, năng lực quản lý, kinh doanh của các DNVVN yếu kém, công nghệ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, tài sản đảm bảo ít, nên không mặn mà cho vay. Có NH còn cho rằng vốn của các DN này rất ít, khả năng chống chọi với sự biến động của thị trường thấp, nên không cho vay...

 

 

 

Không vay được vốn, khiến  nhiều DN lo lắng. Một DN ở KCN Tịnh Phong bức xúc: Mỗi lẫn DN mang hồ sơ tới NH vay vốn đều bị từ chối, với lý do DN không có tài sản thế chấp đảm bảo... Thủ tướng Chính phủ có quy định các quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ hỗ trợ DN các địa phương phải đứng ra bảo lãnh cho DNVVN vay vốn, nhưng ở tỉnh ta quỹ này chưa có, nên DN chưa được hưởng quy định này.

 

Theo Hội DN trẻ tỉnh thì tình trạng DN khó khăn về vốn bắt đầu từ quý I năm 2008, khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Đầu năm 2009 Chính phủ có quyết định hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản vay, nhưng số DN vay được vốn NH không nhiều. Đặc biệt DN được vay vốn theo hình thức bảo lãnh tín dụng của NH phát triển lại càng khó. Chính vì cảnh "giật gấu vá vai", vay chỗ này đắp chỗ khác đã khiến lãnh đạo DN đứng ngồi không yên.

 

Không vay được vốn, DN sẽ gặp khó!

Bà Nguyễn Thị Thanh Thể - Giám đốc C.ty chế biến lâm sản Trường Thành cho biết: Để duy trì hoạt động, DN thường xuyên phải vay vốn NH nhiều tỷ đồng (kể cả vay vốn khi lãi suất khá cao). Nhưng hiện nay việc vay vốn theo gói kích cầu của Chính phủ chúng tôi thấy khó khăn quá. Mang hồ sơ đi gõ cửa NH nào họ cũng cho rằng, chúng tôi không có gì để phát triển. Trong khi mấy năm nay chúng tôi làm ăn rất hiệu quả và có uy tín trên thương trường. Đã vậy có NH yêu cầu  DN phải trả hết nợ cũ, thêm tài sản đảm bảo thì mới cho vay. Việc NH không cho chúng tôi vay là không công bằng. Còn nếu cho vay mà thủ tục quá rườm rà, sẽ khiến DN mất cơ hội làm ăn. Thấy Chính phủ có chủ trương cứu DN, mình háo hức đi vay, nhưng để tiếp cận và vay được vốn là cả một câu chuyện... dài.

 

Tính đến nay các NH trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho cá nhân, tổ chức kinh tế vay theo gói kích cầu cả ngàn tỷ đồng. Trong đó Vietcombank giải ngân 600 tỷ đồng; Agribank giải ngân 490 tỷ đồng; Viettinbank giải ngân 324,4 tỷ đồng; MB giải ngân cho 60 tổ chức, cá nhân và DN vay gần 40 tỷ đồng... Một số NH khác cũng đang đẩy mạnh giải ngân cho vay. Tuy nhiên, trong số khoảng 400 DN được vay vốn thì đa phần là DN lớn. Nguyên nhân theo lãnh đạo một số NH thì do DN vừa và nhỏ không đáp ứng đủ các yêu cầu của NH như: Không có tài sản đảm bảo, vay tín chấp phải có phương án sản xuất - kinh doanh, nhưng DN không có... Và thực tế số DN thỏa mãn được yêu cầu của NH không nhiều. Thêm vào đó các NH quá chú trọng đến mức độ an toàn và tuân thủ một cách cứng nhắc các thủ tục, nên việc cho vay rất phức tạp. Một số NH sợ nếu mình có sai phạm trong giải ngân, thì phần được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 20% sẽ bị trừ vào các khoản thuế phải nộp nên họ không mặn mà cho vay.

 

Để chủ trương cho vay vốn hỗ trợ 4% lãi suất được triển khai nhanh và hiệu quả, ngoài việc các DN cần năng động, tích cực trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh thì các NH cũng cần phải linh hoạt trong việc giải ngân vốn để DN sớm vay vốn đầu tư sản xuất hiệu quả.

        Bài, ảnh: Bá Sơn


.