Phụ nữ Tư Nghĩa: Xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"

10:05, 30/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các cấp hội phụ nữ ở huyện Tư Nghĩa đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, hội viên về xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
[links()]
 
Phụ nữ tham gia gìn giữ môi trường
 
Hơn một năm qua, đều đặn mỗi tháng, trong dịp sinh hoạt chi hội, hội viên phụ nữ ở thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), lại gom phế liệu mang đến nhà văn hóa thôn ủng hộ. Đây là hoạt động được các hội viên hưởng ứng nhằm thực hiện Mô hình “Xây dựng quỹ hội từ rác thải”, nằm trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
 
Phụ nữ thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), thực hiện mô hình “Xây dựng quỹ hội từ rác thải”.
Phụ nữ thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), thực hiện mô hình “Xây dựng quỹ hội từ rác thải”.
Là người tích cực phân loại rác và mang phế liệu đến ủng hộ, chị Võ Thị Ngọc Lan chia sẻ, từ khi Chi hội Phụ nữ thôn An Hội Bắc 2 triển khai mô hình, tôi đã phân loại rác tại nguồn và thu gom phế liệu đến ủng hộ khoảng 7 lần. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, hạn chế việc vứt rác thải nhựa ra môi trường, mô hình còn tạo cơ hội cho chị em xây dựng nguồn quỹ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các chi hội phụ nữ ở xã Nghĩa kỳ không chỉ triển khai Mô hình “Xây dựng quỹ hội từ rác thải”, mà 9/9 chi hội đều đồng loạt phân loại, xử lý rác tại gia đình, nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải phải bỏ đi. Với những loại rác hữu cơ, hội viên ủ để làm phân bón cho cây trồng.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, hội phụ nữ tích cực triển khai nhiều mô hình, vận động chị em thực hiện các tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Trong đó, vừa nỗ lực lao động sản xuất, vun vén tổ ấm gia đình, vừa gìn giữ cảnh quan, môi trường sống. Hầu hết hội viên, phụ nữ đều thực hiện tốt việc phân loại rác, tự giác quét dọn đường làng ngõ xóm, xây dựng những tuyến đường hoa... Riêng Mô hình “Xây dựng quỹ hội từ rác thải” tạo được nguồn quỹ trên 10 triệu đồng/năm, góp phần giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế cho nhiều phụ nữ nghèo.
 
Lan tỏa những việc làm thiết thực
 
Tiêu chí “5 không, 3 sạch” gồm 5 không là: Không đói nghèo, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học và 3 sạch là: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Không chỉ ở xã Nghĩa Kỳ, mà các cấp hội phụ nữ ở huyện Tư Nghĩa cũng đồng loạt triển khai nhiều mô hình, hoạt động để thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện việc "Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình". Nhiều xã, thị trấn thực hiện Mô hình “Xây dựng quỹ hội từ rác thải”, “Ngôi nhà xanh tiết kiệm”, “Nhà sạch vườn đẹp"; duy trì và thực hiện các mô hình hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần như “Giỏ nhựa đi chợ”, “Nói không với túi ni lông”...

 
Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện cũng tích cực tuyên truyền, ra quân quét dọn đường làng ngõ xóm, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện trồng hoa dọc hai bên đường. Trung bình mỗi năm có từ 5.000 - 6.000 lượt phụ nữ tham gia trồng cây, dọn vệ sinh môi trường. Cuối năm 2021, toàn huyện Tư Nghĩa có gần 25 nghìn hộ đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”.
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Tư Nghĩa Lê Thị Cẩm Vân, các cơ sở hội đã thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” bằng những hoạt động cụ thể như hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, giúp các hộ đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động vượt chỉ tiêu hằng năm... Đặc biệt, có nhiều mô hình cụ thể hóa tiêu chí "3 sạch" như phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở 40 thôn, tổ dân phố; nhiều mô hình gây quỹ từ rác thải và các tuyến đường hoa, cây xanh, đoạn đường tự quản của phụ nữ ra đời... Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường khu vực nông thôn.
 
Bài, ảnh: H.THU
 

.