Đọng lại những yêu thương

08:11, 29/11/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Gần 1 tháng bão lũ dồn dập nhưng người dân Quảng Ngãi không đơn độc. Tình người ở khắp 3 miền những ngày qua đã sưởi ấm hàng nghìn hộ dân bị thiệt hại, tiếp sức họ vượt qua khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống. 

[links()]

“Mất trắng hết, em ơi”

Câu nói của chị Trương Thị Nhị, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) khi cầm trên tay số tiền hỗ trợ gần 60 triệu đồng của nghệ sĩ Quyền Linh là câu nói ám ảnh chúng tôi nhất trong chuyến đi cứu trợ bà con tại huyện Nghĩa Hành sau bão số 9. Một số nhà tốc mái, chỉ trơ trọi lại mỗi cái sườn, đồ đạc trong nhà nếu không bị cuốn bay cũng ướt sũng chẳng chừa lại thứ gì. Hoa màu là nguồn thu nhập chính của người dân cũng bị hư hỏng nặng. Hàng chục ha keo, rau màu bị ngã đổ, người dân tận thu bán với giá rẻ vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

ffff
Ngôi nhà của chị Trương Thị Nhị ở xã Hành Tín Tây, (Nghĩa Hành) bị tốc mái, hư hỏng nặng nhưng vẫn chưa có điều kiện để khắc phục. 

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) vừa được cấp cho miếng đất xây được cái nhà để ra riêng, trong nhà chưa có được tài sản gì quý giá. Căn nhà vốn dĩ trống trơn, bây giờ trơ trọi chỉ còn cái sườn. “Giờ thì không thể tưởng tượng được những gì đã xảy ra, dành dụm vay mượn được bao nhiêu để có nhà cửa, giờ tan hoang hết”, bà Bích rớt nước mắt. 

Cách đây ba năm, bà Bích cùng chồng là ông Lê Văn Sang (77 tuổi, mắc bệnh tâm thần) vay 80 triệu đồng tiền chính sách xây căn nhà cấp bốn mong che nắng che mưa. Đến khi có chương trình hỗ trợ xây nhà chống bão lũ, bà Bích được Nhà nước hỗ trọ 40 triệu đồng để đúc gác lửng.

Thế nhưng, cơn bão số 9 ập đến, căn nhà nhỏ mong mỏi cả đời của vợ chồng bà đổ sập. Số tiền nợ 80 triệu đồng xây nhà không biết khi nào mới trả được khi kinh tế gia đình chỉ là ba sào ruộng và vài chục con gà, vịt vốn đã chết gần hết trong bão. 

"Chưa có tiền nên vợ chồng tôi chưa thể mua tôn để sửa chữa, xây lại nhà. Giờ chỉ trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu, còn lại tôi sẽ vay mượn thêm lợp lại nhà để có nơi ăn ở cho an toàn", bà Bích chia sẻ.

Cơn bão số 9 lịch sử, cũng đã làm nhiều trường học rơi vào tình cảnh tốc mái, hư hỏng chưa thể tổ chức dạy và học. Để đảm bảo kịp chương trình giảng dạy, nhiều địa phương bố trí nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã sau sáp nhập dôi ra để làm lớp học. Một số nơi phải mượn tạm nhà dân, trong đó có Trường Tiểu học Trà Khương, điểm trường xã Trà Lâm, huyện vùng cao Trà Bồng.

Mưa bão đã đi qua nhiều ngày, nhưng tại điểm trường Trà Khương vẫn còn trơ trọi với những lớp học bị tốc mái, hư hại vẫn chưa thể khắc phục. Phần xà gỗ xiêu vẹo, vách tường chi chít nhiều vết nứt. Sách vở, đồ dùng học tập hư hỏng nặng. Bão qua đi, mưa lớn kéo dài núi lở khắp nơi. Điểm trường cũng bị sạt lở đe dọa. Khu vực đồi núi phía sau trường đã tạo thành “vực thẳm”, phòng học chỉ còn cách mép vực vài bước chân. Khả năng mưa lớn kéo dài thì nguy cơ sạt lở tiếp diễn và ngôi trường mới xây này có thể bị kéo xuống vực thẳm trong tích tắc", thầy Đặng Thanh Khiết lo lắng.

ggggg
Cán bộ xã Trà Lâm đang huy động mọi nguồn lực để tập trung khắc phục hậu quả, giúp các em học sinh nhanh chóng được học dưới mái trường kiên cố hơn. 


Vài trường hợp nêu trên chỉ là phần rất nhỏ khi “điểm” lại những thiệt hại do mưa bão xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ, cho biết: “Trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 11 vừa qua, Quảng Ngãi chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Các đợt áp thấp kết hợp hội tụ gió trên cao tạo nên những cơn mưa kéo dài gây lũ ống, lũ quét, sạt lở khắp nơi gây ách tắc giao thông; thiệt hại về nhà ở, tài sản, hoa màu, đất sản xuất của nhân dân và nhiều công trình hạ tầng (trường học, cơ sở y tế, trụ sở các cơ quan). Tính đến ngày 17.11, thiệt hại do mưa bão đã làm sập hoàn toàn 376 ngôi nhà, 452 trường học, 134 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng nặng; 2 người tử vong do bão số 9.

Lời cảm ơn từ bà con vùng lũ

Bão qua, để lại cảnh hoang tàn, đau thương bao trùm lên ở các vùng quê nghèo trong tỉnh. Song trong cơn hoạn nạn này, người dân  nhận được tấm lòng hảo tâm, nhân ái từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân khắp mọi miền đất nước. Những lời hỏi thăm, những chuyến hàng cứu trợ mang lương thực, thực phẩm, tiền mặt… đã liên tục được chuyển đến người dân các vùng bị thiệt hại thông qua nhiều tổ chức, đơn vị.

Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay đã có các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ trên 66 tỷ đồng cho người dân khắc phục thiệt hại do bão, lũ. Ngoài ra, nhiều tòa soạn báo, cơ quan, đoàn thể và nhà hảo tâm thông quan mạng xã hội… cũng đã trực tiếp đến các vùng bị thiệt hại nặng do lũ gây ra để cứu trợ, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại cuộc sống.

Chị Phương Uyên, công tác tại nhà đài VTV5 – Miền Tây Nam bộ chia sẻ: “Khi nhìn thấy cảnh hoang tàn, xơ xác sau bão, lũ ở miền Trung, mình đã bật khóc. Lúc đầu, mình cũng chỉ tính chia sẻ cảm xúc lên facebook và mong tìm được những ai cùng suy nghĩ giúp đỡ đồng bào miền Trung. Sau đó, thấy nhiều người muốn góp sức nên mình cùng với Hoài Đảm kêu gọi mọi người cùng chung tay. 

May mắn, chúng tôi có được sự ủng hộ rất lớn từ mọi người. Đồng nghiệp làm báo, bạn bè ở Nhật, Hà Lan, Canada chuyển khoản về hay các cá nhân, doanh nghiệp dù trước đó chưa hề quen biết, cũng đã sẵn sàng gửi quà, thậm chí còn cử người hỗ trợ chúng tôi để đến được nơi cần nhất. Thấy tấm lòng của mọi người hướng về miền Trung mà rớt nước mắt”. 

Chị Phương Uyên trao quà của nhóm nhà báo trẻ ở 3 miền đến các em học sinh vùng lũ tại KDC Nước Nia, T.T Di Lăng (Sơn Hà).
Chị Phương Uyên trao quà của nhóm nhà báo trẻ ở 3 miền đến các em học sinh vùng lũ tại KDC Nước Nia, T.T Di Lăng (Sơn Hà).

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhóm của Phương Uyên đã quyên góp được hơn 300 triệu đồng và quà tặng, trong đó có 2.000 tập vở, 2.000 bút, 2.000 hộp cá mòi cùng nhiều hiện vật khác như sữa, nước uống, mì tôm và quần áo chuyển gấp đến người dân vùng lũ Sơn Hà. Ngoài ra, những  hộ bị sập nhà hoàn toàn còn được tặng 9 triệu đồng tiền mặt và nhu yếu phẩm nhằm giúp bà con vùng bị thiệt hại khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nhận được quà hỗ trợ từ nhóm nhà báo trẻ của Phương Uyên, cụ bà Đinh Thị Yên, (80 tuổi), thôn Đồng Reng, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) bùi ngùi: "Đi tránh bão về, đứng ngoài xa nhìn mà bà khóc từ ngõ vào nhà. Nhà cửa, thóc gạo, đồ đạc đều ước sạch. Những bao gạo, thùng mì của các nhà hảo tâm thật kịp thời. Còn số tiền này tôi sẽ nhờ cháu mua gỗ, tôn cất dựng lại ngôi nhà để che nắng, che mưa ".  

Bà Yên tuổi đã già lại sống một mình. Đợt mưa bão vừa qua, căn nhà gỗ được cất dựng tạm bợ đã bị bão càn quét, cuốn phăng đi hết tấc cả. Những ngày sau bão lũ tấn công dữ dội, suốt 1 tháng qua bà đã phải di tản nhiều lần. 

ggggg

Bà Đinh Thị Yên vui mừng khi nhận được quà cứu trợ và gửi lời cảm ơn đến những tấm lòng nhân ái mà bà chưa từng quen biết.

Tại huyện miền núi Sơn Hà, đa số người dân nơi đây thuộc diện nghèo, đời sống vất vả, bữa đói bữa no. Nhà cửa thì xập xệ. Cơn bão số 9 vừa quét qua huyện này khiến nhiều nơi thiệt hại, nhà cửa hư hỏng nặng trong đó có nhà Đinh Thị Chinh bị tốc mái, đổ sập hoàn toàn. 

Chị Chinh kể lại, lúc bão số 9 vào, anh em trong xóm đã chằn chống giúp nhà cửa kĩ nhưng gió lớn khiến ngôi nhà sụp đổ ngay trong chốc lát. Cả gia đình kịp thời chạy thoát nếu không đã nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó vườn keo của nhà cũng gãy đổ hết 70%, nợ nần chồng chất. 

Gia đình chị Chinh là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở KDC Nước Nia. Chồng bị tai nạn lao động cụt 2 tay và mù 2 mắt từ nửa năm nay. Vợ chồng chị có 2 cháu trai, trong đó cháu lớn bị giãn não, ảnh hưởng thần kinh và chị phải nuôi dưỡng người cha chồng bị tâm thần cùng 3 đứa em chồng, người lớn nhất 14 tuổi. 

Bởi vậy khi nhận được số tiền hỗ trợ tương đối lớn, chị Chinh vô cùng xúc động. Chị Chinh chia sẻ: “Những tấm lòng nhân ái ấy là ai chúng tôi chừng từng quen biết, nhưng mà bão qua chúng tôi được mọi người quan tâm giúp đỡ nhiều lắm, chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn. Chúc cho họ có thật nhiều sức khỏe”. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, cho biết: “Đến nay đã có hàng chục đoàn cứu trợ liên hệ qua huyện để xin thông tin giúp đỡ hỗ trợ bà con, chưa kể những đoàn trực tiếp trao tại xã. Tất cả là tấm lòng sẻ chia quý giá mà chúng tôi và người dân nơi đây vô cùng cảm kích".

Cơn bão đi qua và tình người chưa bao giờ ấm áp như thế. Những người dân nghèo ở vùng lũ Quảng Ngãi cũng chẳng có nhiều câu từ để nói với những người đã giúp đỡ, tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua thời điểm khó khăn này. Sự biết ơn của họ gói gọn trong hai từ "cảm ơn". Họ nói cảm ơn rất nhiều và muốn những tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ họ nhận được những lời cảm ơn ấy.

Bài, ảnh: Thủy Tiên

 

.