Quản lý an toàn thực phẩm và hàng hóa còn lơi lỏng

07:09, 10/09/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có hàng triệu người Việt Nam nhiễm độc hóa chất, thiệt hại sức khỏe trên 200 triệu USD vì thực phẩm có chất độc hại; 24,5% hoa quả ngoại nhập trên thị trường Việt Nam có chất bảo quản độc hại…
 
Vì thế có thể nói vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nói chung và việc kiểm tra an toàn với các mặt hàng nhập khẩu (thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em...) ở nước ta hiện vẫn còn rất yếu. “Lỗ hổng” này đang khiến người tiêu dùng trong nước đang hằng ngày “gánh hậu quả” từ những sản phẩm đang được tiêu thụ trên thị trường. 

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trên có cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước hết phải thừa nhận rằng hiện nay Việt Nam chưa đủ khả năng và cả lực lượng để quán xuyến được công tác đảm bảo VSATTP ngay đối với các mặt hàng sản xuất trong nước. 
 
Tuy nhiên ngoài yếu tố khách quan nói trên, về mặt chủ quan điều mà dư luận không vừa lòng, đó chính là sự lỏng lẻo, thái độ buông xuôi, thiếu trách nhiệm và cả sự kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước được giao nhiệm vụ “gác cổng” trong lĩnh vực này. Hiện rất nhiều sản phẩm ngoại nhập được cấp phép vào Việt Nam theo cơ chế chỉ dựa trên công bố của nhà nhập khẩu, mà không qua bất kỳ sự kiểm tra, xét nghiệm lại những chỉ tiêu công bố đó chính xác đến đâu.
 
Trong khi sản phẩm của ta muốn ra nước ngoài, nhất là thực phẩm, phải qua rất nhiều cửa ải, mà khó nhất là cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm của nước sở tại.  Do đó dù hiện tại chúng ta có khá nhiều luật liên quan đến quản lý sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng, như Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng… nhưng nhiều sản phẩm độc hại vẫn lọt lưới.
 
Quản lý chất lượng VSATTP là vấn đề khó và chắc chắn càng ngày càng phức tạp, song không phải vì thế mà chúng ta đành chịu bó tay. Để “nâng cấp” công tác này, song song với quá trình nâng cấp năng lực thanh tra, giám sát và kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa tiêu dùng của những cơ quan và các bên có liên quan trong phạm vi có thể, việc đầu tiên có thể làm ngay là tăng cường xử phạt nghiêm những vụ vi phạm VSATTP trong nước; đồng thời cần “siết chặt” việc kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu bằng hệ thống các quy chuẩn cụ thể.
 
Việc tiếp theo là cần nâng cao ý thức của người tiêu dùng Việt Nam, cảnh giác với những loại hàng hóa rẻ tiền, có nguồn gốc mờ ám, hoặc của những nhà sản xuất, những nước sản xuất vốn có tai tiếng và sẵn sàng tẩy chay chúng khi phát hiện ra hành vi gian dối. Nếu làm tốt thì những biện pháp này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm và hàng hoá.
 
Hiệp Thịnh
 
 

 


.