Phận đời sau những cơn lũ lịch sử

09:11, 15/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Những cơn lũ lịch sử liên tục ập đến, những đỉnh lũ vượt mức mang đến bao đau thương cho người dân vùng trũng, đã có những số phận không may nằm lại trong con nước dữ. Bão lũ đi qua, tình người ở lại, san sẻ và vực nhau đứng dậy sau những nỗi đau trong lũ lịch sử.

TIN LIÊN QUAN

“Hoa cải lên trời, rau răm ở lại”
 
Mỗi năm, khi người nông dân đã thu hoạch vụ mùa  xong xuôi, “lúa đã lên tra, rơm đã lên đụn”, cũng là lúc mùa mưa về mang theo những con lũ tưới tắm cho đồng ruộng. Thế nhưng, những cơn lũ bồi đắp phù sa cho ruộng vườn đã lùi vào dĩ vãng khi con nước ngày càng dâng cao, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề.
 
Ký ức về cơn lũ lịch sử năm 2009 vẫn chưa thôi phai nhòa trong tâm trí ông Nguyễn Dũng (1973) ở thôn Giao Thủy, xã Bình Thới (Bình Sơn). Niềm hạnh phúc nhỏ bé và ước mơ xây đắp tương lai đầy đủ hơn của gia đình ông đã vỡ vụn sau cơn lũ kinh hoàng.
 
Khi ấy, hai vợ chồng ông Dũng làm nghề chăn vịt. Trong lúc đang lùa vịt trở về, ông Dũng bị dòng nước lũ chảy xiết cuốn đi. Nước cuốn qua tận bên xã Bình Phước thì ông Dũng mắc vào bụi tre. Sau một đêm nằm trên bụi tre, xung quanh đầy rắn rết, ông Dũng nghĩ nếu không chết vì nước cuốn thì rắn cắn rồi. Đến khi trời mờ sáng, ông Dũng mới dám tin mình may mắn còn sống. 
 
Vừa thoát chết trở về, ông Dũng vội chèo ghe đi tìm vợ, mới biết vợ bị lật ghe từ hôm trước. Nước dâng cao ngoài cánh đồng, vợ ông Dũng quá giang chiếc ghe để kiếm đường về. Không ngờ, chiếc ghe bị lật úp, đến tận ba ngày hôm sau, mọi người mới tìm được xác vợ ông Dũng. Chồng mất vợ, hai đứa con trai nhỏ mất mẹ. Ngôi nhà như trống trơn...

 

Từ số tiền giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái, ông Dũng tìm hướng làm ăn và tiếp tục bám trụ quê vợ làm quê hương thứ hai của mình.
Từ số tiền giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái, ông Dũng tìm hướng làm ăn và tiếp tục bám trụ quê vợ làm quê hương thứ hai của mình.
 
Ông Dũng là người quê ở tỉnh Bình Phước, theo về quê vợ sinh sống, lập nghiệp. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến nước lũ kinh hoàng đến vậy. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy nước lũ, tôi vẫn còn cảm thấy sợ”, ông Dũng ứa nước mắt, nhìn về khoảng không phía trước, nói rất nhỏ. 
 
Những tấm lòng mạnh thường quân đã chìa tay ra với hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn của cha con ông Dũng. Nhưng nỗi đau quá lớn sau cơn lũ dữ vẫn còn bám lấy ông. Một số người xung quanh hiềm tỵ vì thấy ông Dũng được nhận tiền hỗ trợ hùa nhau trêu chọc ông Dũng đã tiêu hết số tiền đó rồi.
 
Thật ra, số tiền do các mạnh thường quân hỗ trợ, ông Dũng đều gửi tiết kiệm để dành làm ăn và nuôi các con. Nhưng trong một lần buồn chán uống rượu, ông Dũng bị người khác gây gổ, khiêu khích rồi hai bên đánh nhau... 
 
Chúng tôi trở lại xã Bình Minh (Bình Sơn) sau khi đợt lũ vừa rồi, con đường bị xói lở đầy ổ voi, ổ gà. Rác vẫn còn vương trên hàng rào, trụ điện. Rất may đợt lũ vừa qua, dù nước dâng lên nhanh nhưng không gây thiệt hại về con người như đợt lũ lịch sử năm 2009 đã từng xảy ra ở vùng đất ven sông Trà Bồng này. Thẳm sâu trong ánh mắt người dân vùng lũ vẫn chưa thôi thảng thốt, kinh hoàng bởi những ám ảnh sau mỗi đợt lũ dữ.
 
Câu chuyện của 8 năm trước khi con sông Trà Bồng hiền hòa trở nên đục ngầu, nước dâng cao chảy xiết cuồn cuộn. Hàng loạt ngôi nhà ở Bình Minh bị nhấn chìm trong nước. Cha đi chữa bệnh ở xa vài ngày trước. Ngôi nhà nhỏ ở cuối xóm ven sông của bốn chị em Phạm Thị Thanh Thảo chỉ còn mẹ Thảo là người lớn trụ cột trong nhà.
 
Nước dâng cao, mẹ Thảo vội dẫn đàn con nhỏ qua gác nhà bà nội để tránh lũ, còn chị lo trở về nhà để xúc lúa chuyển lên cao. Chỉ vừa kịp xúc vài mủng lúa, ngôi nhà đổ sập xuống, đè lên chị. Những đứa trẻ con trong đêm tối mưa gió bão bùng đợi mẹ khóc lạc cả giọng.
 
Mãi đến ngày hôm sau, những cơn mưa thôi nặng hạt, nước lũ không còn chảy xiết, hàng xóm mới chạy sang nhà được... Những đứa trẻ tội nghiệp bỗng chốc mất mẹ, bơ vơ như bầy gà con co ro sau cơn mưa lạnh. Khi đó, Thảo đang học lớp 8, đứa em nhỏ nhất chỉ vừa hơn 1 tuổi.
 
Và cây đời mãi mãi xanh tươi
 
“Nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn lại gặp biến cố quá lớn, ông Dũng lại là người phương xa đến, bản chất hiền lành chịu khó làm ăn nên Hội địa phương luôn quan tâm, nhắc nhở động viên ông vượt qua”, bà Nguyễn Thị Reo – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới đã kể như vậy về hoàn cảnh ông Dũng. 
 
“Quả thật, nếu như không có chị Bảy (chị Bảy là tên gọi thân mật người dân Bình Thới gọi bà Reo) quan tâm giúp đỡ, chắc tôi đã gục ngã, không thể nào đứng dậy. Mỗi lần có gì khó khăn, tôi lại gọi điện nhờ chị hướng dẫn”, ông Dũng tâm sự.
 
Khi còn sống, vợ ông Dũng là hội viên Hội phụ nữ, dù chị mất rồi nhưng người cán bộ Hội nhiệt huyết, mẫn cán vẫn cảm thấy trăn trở với hoàn cảnh gia đình của ông Dũng. Bà Reo đã khuyên nhủ, hỗ trợ tìm hướng làm ăn cho ông Dũng. 
 
Số tiền các mạnh thường quân hỗ trợ, sau này ông Dũng mua trâu về nuôi. Từ số tiền bán trâu, ông Dũng mua chiếc xe ba gác cũ để làm phương tiện chở hàng. Hai đứa con trai ông Dũng nay đã lớn, theo học nghề để có thu nhập và công việc trong tương lai, biết chắt chiu tiền lương gửi về xây mộ mẹ kiên cố hơn.

 

ẹ mất trong cơn lũ lịch sử, Thảo đều dạy cho các em biết tự lập từ nhỏ. Trong ảnh là hai đứa em nhỏ nhất tự nấu ăn lúc các chị đi học xa nhà.
Mẹ mất trong cơn lũ lịch sử, Thảo đều dạy cho các em biết tự lập từ nhỏ. Trong ảnh là hai đứa em nhỏ nhất tự nấu ăn lúc các chị đi học xa nhà.
 
Câu chuyện về chị em Phạm Thị Thanh Thảo trong cơn lũ lịch sử 2009 đã làm lay động nhiều trái tim nhân hậu trong cả nước. Nhiều tấm lòng mạnh thường quân san sẻ với nỗi đau ấy để giúp bốn chị em vượt qua. Ngôi nhà được xây dựng lại trên nền đất cũ. Nhờ sự quan tâm, dang tay của xã hội và sự giúp đỡ của người thân, chị em Thảo đã vươn lên.
 
Cha của Thảo đã chữa khỏi bệnh, hiện đang làm nghề lái xe. Khoảng thời gian 8 năm có lẽ không phải thời gian dài, nhưng đối với những đứa trẻ mồ côi mẹ, 8 năm là ngần ấy những chuỗi ngày lo toan để mạnh mẽ bước tiếp. Trong 8 năm qua, Phạm Thị Thanh Thảo vừa làm mẹ, vừa làm chị chăm sóc em nhỏ.
 
Không có mẹ, bốn chị em Thảo tự bảo ban nhau lo ăn, lo học. Bữa cơm dù ít ỏi, các chị lớn đều để dành cho em nhỏ. Nhà thiếu muối, mắm hay dầu ăn, Thảo đều lo toan, tính toán mua để dành. “Chỉ có những lúc mê man mới có thể làm nũng với mẹ trong lúc ốm đau, nhưng khi tỉnh dậy chỉ là giấc mơ mà thôi”, dòng chia sẻ thật buồn của Thảo gợi nhớ về người mẹ đã mất khiến người khác cảm thấy se sắt trong lòng. 
 
Cô học trò Phạm Thị Thanh Thảo lớp 8 ngày nào nay đã đi làm sau khi tốt nghiệp ngành dược tại một trường ở TP.HCM. Thảo nói, em chọn học hệ trung cấp để sớm ra trường, đi làm, phụ ba nuôi các em. Những đứa em tiếp theo của Thảo đều học giỏi, thông minh, lanh lợi và luôn yêu thương nhau.
 
Khi cơn lũ đã đi qua, mầm non lại nẩy lộc, đâm chồi xanh như sự can trường của người dân miền Trung. Nhưng đến khi nào, người dân mới thôi thấp thỏm lo lắng mỗi mùa lũ về?
 
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO 
 

.