(Báo Quảng Ngãi)- Chia sẻ khó khăn về giải pháp ngăn chặn tảo hôn, thầy Ngô Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ bảo rằng: “Có trường hợp là học sinh giỏi nhưng vẫn âm thầm tảo hôn từ năm học lớp 10. Khi chúng tôi mời phụ huynh lên làm việc, nhằm nắm bắt thông tin, thì cha mẹ các em hồn nhiên bảo: “Mình đi làm rẫy suốt ngày nên có biết gì đâu. Giờ tụi nó ưng cái bụng thì mình cho cưới thôi!”.
Những câu chuyện cười ra nước mắt ấy về tảo hôn không phải là hiếm. Bởi, theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến tháng 10.2016, trên địa bàn Quảng Ngãi có 1.041 cặp tảo hôn. Riêng trong năm 2016 là 308 cặp, tăng 126 cặp so với năm 2015. Đa số tập trung ở các huyện miền núi.
Nhiều địa phương e ngại thông tin
Trong nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi trong tỉnh vẫn liên tục tăng cao. Riêng trong năm 2016, tỷ lệ tảo hôn tăng so với năm 2015. Cụ thể, huyện Ba Tơ là 94 cặp, tăng 83 cặp. Sơn Hà 92 cặp, tăng 16 cặp; Minh Long 41 cặp, tăng 32 cặp; Sơn Tây 54 cặp, giảm 6 cặp; Trà Bồng 6 cặp, tăng 2 cặp; Nghĩa Hành 10 cặp, tăng 2 cặp.
Em ĐTA, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) lập gia đình và có con khi mới tròn 16 tuổi. Ảnh: Tử Trực |
Đây là những con số thống kê chưa đầy đủ. Còn trên thực tế, tỷ lệ tảo hôn ở các huyện miền núi còn cao hơn nhiều. Vì, khi để xảy ra tảo hôn, nhiều địa phương còn e ngại trong việc đưa thông tin.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Tơ Đinh Tấn Lạc cho biết, đầu năm 2016 Trường THPT Ba Tơ và xã Ba Tô được tỉnh chọn làm mô hình điểm, trong thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, tỷ lệ tảo hôn đã giảm khoảng 10%. Hiệu quả bước đầu là một tín hiệu khả quan. Nhưng trên thực tế, nhiều địa phương không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nên báo cáo số liệu tảo hôn chưa chính xác.
Chính vì không dám nhìn thẳng vào sự thật, nên việc ngăn chặn hủ tục này gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, có trường hợp là con em cán bộ ở địa phương nhưng vẫn để xảy ra tảo hôn. Gốc rễ của tảo hôn vẫn là do trình độ dân trí thấp. Giải pháp căn cơ và cũng mang tính lâu dài là tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những hệ lụy từ tảo hôn mà ra.
Theo báo cáo của Trường THPT Ba Tơ, trong năm 2016 nhà trường có 16 học sinh tảo hôn, trong đó có 4 trường hợp đã bỏ học giữa chừng. Đa số những trường hợp tảo hôn rơi vào dịp nghỉ hè. "Trường được chọn làm mô hình điểm trong việc thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn từ năm 2016. Khó khăn lớn nhất của trường trong việc hạn chế nạn tảo hôn, là do nhận thức của nhiều phụ huynh còn rất hạn chế, thường “khoán trắng” việc quản lý học sinh cho nhà trường.
Phụ huynh thiếu định hướng cho con em mình. Riêng đối với những em làm vợ, làm mẹ sớm khi còn trên ghế nhà trường, tâm lý các em thường rất mặc cảm với bạn bè. Vì vậy, chúng tôi cũng hết sức động viên các em nỗ lực đi học đều đặn, không bỏ học giữa chừng", Hiệu trưởng Trường THPT Ba Tơ Ngô Văn Hải, cho biết.
Luật khó đi vào cuộc sống
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, do Ban Dân tộc tỉnh triển khai, với mục tiêu phấn đấu trong năm 2017 giảm tỷ lệ tảo hôn từ 3 - 5% so với năm 2016. Không để xảy ra trường hợp hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện miền núi. Tuy nhiên, mục tiêu này vấp phải rất nhiều rào cản, vì tính đặc thù ở các huyện vùng cao.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hà Đinh Văn Chi cho hay: "Tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn Sơn Hà ngày một tăng, nhiều nhất là ở xã Sơn Trung với 49 cặp (từ năm 2011 - tháng 10.2016). Khi để xảy ra tảo hôn, cơ quan có trách nhiệm cũng chỉ đưa ra kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm là chính, chứ không xử phạt theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Bởi điều kiện kinh tế, cũng như trình độ dân trí ở miền núi còn khá thấp. Sự can thiệp của chính quyền địa phương khi xảy ra tảo hôn cũng không kiên quyết, nên chưa có tính răn đe".
Còn bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó phòng Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: "Khoảng đầu tháng 6.2016, Ban Dân tộc tỉnh triển khai Đề án đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đề án thực hiện rất nhiều biện pháp. Tuy nhiên, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, rất cần sự phối hợp từ gia đình cho đến chính quyền các cấp, các hội đoàn thể. Chỉ khi những “mắc xích” này hoạt động trơn tru, thì “bài toán” ngăn chặn tảo hôn mới có lời giải".
NGỌC VIÊN