Tảo hôn… "điệp khúc" buồn

03:04, 14/04/2011
.

(QNg)- Lứa tuổi 13, 14 hay còn gọi là giai đoạn tuổi teen, là lứa tuổi đẹp nhất của tuổi học trò. Các em cần được quan tâm, chăm sóc và được tạo mọi điều kiện để đến trường học tập. Thế nhưng ở huyện miền núi Sơn Tây, tình trạng học sinh THCS tảo hôn vẫn còn diễn ra phổ biến. 

*Tuổi học trò sớm "sang ngang"

Tình trạng học sinh các huyện miền núi tảo hôn đã và đang diễn ra trong thời gian qua,  nguy cơ bỏ học giữa chừng, học "giã gạo" của học sinh, đói nghèo, lạc hậu vẫn là "bài toán" cần lời giải triệt để hơn ở các địa phương. Chúng tôi đến huyện Sơn Tây, tiếp cận các điểm Trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện và thấy tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt là ở các xã xa trung tâm huyện, học sinh đi học khi đang mang thai, sinh con phải tạm thời nghỉ học, hay nhiều trường hợp học sinh nữ bị chồng “buộc” nghỉ học…
 
Tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi trong tỉnh sẽ  ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội chung ở các địa phương.
Tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi trong tỉnh sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội chung ở các địa phương. Ảnh minh họa

Theo chân các cô giáo của điểm trường Sơn Mùa đến một số tập đoàn xa để vận động học sinh ra lớp, chúng tôi chứng kiến được những hoàn cảnh éo le. Em Đinh Thị Th (ở tập đoàn 3, thôn Nước Min), chỉ mới bước vào lứa tuổi "trăng tròn". 15 tuổi em lấy chồng, sau đó mang thai, phải nghỉ học để sinh con. Th tâm sự mới học chưa hết lớp 8, em đã vội lấy chồng, bỏ lại sau lưng bao mơ ước giản dị, bây giờ có con được gần 1 tuổi, em không còn được vô tư cùng các bạn trang lứa, mà phải lo toan gánh nặng cơm áo, gạo tiền để mưu sinh. Ngồi bên Th, chồng  em cũng chưa đến tuổi 20, khi chúng tôi hỏi chuyện chỉ  cúi đầu lặng lẽ. Đứa trẻ con của họ, chỉ mặc 1 cái áo mỏng manh, chốc lát lại khóc. Mẹ nó còn thiếu cái ăn thì làm gì đủ sữa để cho con bú... Ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ chả có gì đáng giá.

Rời gia đình em Th, chúng tôi đến nhà em Đinh Thị Ph (ở tập đoàn 1). Gặp chúng tôi, Ph lúng túng rồi phân trần với cô giáo mình: "Em không đi học nữa đâu, chồng em đánh em chết, chồng em không cho đi học nữa, ở nhà làm rẫy thôi". Còn em Đinh Thị H, nhà bên cạnh thì chẳng khá hơn. Em lấy chồng ở Tập đoàn 3, năm 15 tuổi. Ở bên chồng, bị đánh đập khổ quá, phải chạy về nhà mẹ đẻ, nhưng nhà của em còn khổ hơn nhà chồng. Người bố Đinh Văn D mới hơn 30 tuổi than thở, "Nó không học được đâu, nó lấy chồng chứ ai nuôi nó, đi học không có cái ăn…", vừa nói, ông dỗ đứa con mới 1 tháng tuổi đang khóc nấc trên tay. Đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn, trên người chỉ có  mảnh vải mỏng che ấm, còn bên cạnh là đứa con mới 1 tuổi, trần truồng, lem luốc. Người vợ thì đi làm rẫy khi sinh chưa đầy tháng. Cuộc sống của người dân nơi đây cứ theo vòng lẩn quẩn, đời cha mẹ lấy chồng, lấy vợ sớm. Đời con họ cứ tiếp nối theo, nên cuộc sống nghèo khổ cứ đeo bám họ, không dễ thoát nghèo nếu không thay đổi về nhận thức từ người dân.

Hiện nay theo thống kê của các trường trên địa bàn huyện, tình trạng học sinh 14, 15, 16 tuổi lấy chồng (vợ) là thực tế đáng báo động. Cụ thể một số trường có số lượng học sinh tảo hôn như: Trường THCS Sơn Long (12 học sinh), Trường THCS Sơn Tân (18 học sinh), Trường THCS Sơn Màu (13 học sinh), Trường THCS Sơn Mùa (10 học sinh), Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (3 học sinh)… Đó là chưa kể số lượng thống kê những trường hợp không đi học. Đa số các trường hợp "kết hôn" sớm ở đây thường  không đến đăng ký kết hôn ở chính quyền xã. Bởi lẽ họ biết chưa đủ tuổi sẽ bị phạt, nên "lọt" khỏi sự kiểm soát của địa phương.

* Giảm thiểu tảo hôn-Cần sự chung sức

Nạn tảo hôn là một phong tục đã có từ lâu ở các điạ phương miền núi. Bố mẹ đời trước tảo hôn có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu với mục đích có thêm người làm.  Nay cuộc sống thay đổi, thế hệ con họ vẫn tảo hôn. "Đời cha, đời ông do cưới vợ sớm mà cái bụng luôn đói, con cái không được học hành, còn giờ cha mẹ có khi không ép buộc, chúng vẫn lấy nhau, để rồi có con, nên phải cho chúng cưới, rồi con cái chúng cũng tiếp tục chịu đói khổ"- già làng Trần Văn Thang (xã Sơn Dung) bộc bạch. Cũng không ít trường hợp các ông bố, bà mẹ không ngăn cản, mà còn khuyến khích các em lập gia đình sớm. Các em gái 14, 15 tuổi có chồng ở miền núi được người dân xem là rất bình thường. Mặt khác phần nào do trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng trên.

Ở một số nơi việc quản lý đăng ký kết hôn ở vùng miền núi còn chưa chặt chẽ, các chế tài để răn đe chưa hiệu quả. Nhiều lãnh đạo cấp xã thì cho rằng, khi có các cặp vợ chồng cưới dưới 18 tuổi xã chưa thể phạt, bởi họ không lên xã đăng ký và nhất là có thai rồi xã có biết cũng phải để họ cưới khi "sự đã rồi". Sợ xã phạt, một số cặp vợ chồng trẻ dù đủ tuổi rồi, cũng không dám lên xã đi đăng ký, do đó họ thiệt thòi rất nhiều về quyền lợi.

Nói về tình trạng trên, ông Phạm Tấn Hoàng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Thực trạng trên vẫn diễn ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua, nhưng để ngăn chặn triệt để không phải là một sớm một chiều. Để giảm thiểu tình trạng trên, sắp tới huyện sẽ tổ chức hội nghị chung, triển khai những biện pháp, huy động chung sức của cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và những người có uy tín tại địa bàn cùng hợp sức tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng về Luật Hôn nhân và Gia đình trên địa bàn huyện; triển khai các quy định về đăng ký kết hôn và khai sinh; đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ… để  người dân hiểu được hệ lụy từ vấn đề trên.

Tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi trong tỉnh sẽ  ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội chung ở các địa phương. Hy vọng rằng, sự chung sức từ hệ thống chính trị địa phương cũng như sự quan tâm của cả cộng đồng sẽ giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Và công tác giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ miền núi cần đẩy mạnh hơn nữa, để họ có sự lựa chọn đúng đắn và tuân theo pháp luật...         
                        
K.NGÂN

.