Nạn tảo hôn - Lời ru buồn nơi vùng cao

08:09, 21/09/2011
.

(QNĐT)- Từ bao đời qua, trong suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi, rằng con gái 13-14 tuổi đi lấy chồng là lẽ đương nhiên. Còn nếu 16-17 tuổi mà chưa có thì coi như sắp “ế”. Chính vì suy nghĩ như vậy cho nên đã dẫn đến những cuộc hôn nhân “cười ra nước mắt”

Về đâu những đôi vợ chồng trẻ

Cơn mưa đầu mùa bất ngờ đổ xuống làm cho con đường nhỏ chạy dọc theo sườn núi dẫn vào Tập đoàn 2, xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây, trơn như bôi mỡ.

Tay ghì chặt tay lái, còn chân xoạt hai  bên để giữ thăng bằng cho chiếc xe máy chạy đúng đường khỏi lăn xuống vực, anh Lê Ngọc Pháp, cán bộ phòng Giáo dục của huyện, trấn an: Còn dễ đi chán, chứ mưa kiểu này mà vào các xã khác thì đường khó đi hơn nhiều.
 
Một góc Tập đoàn 2, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, nơi có số học sinh lấy vợ, chồng sớm nhiều
Một góc Tập đoàn 2, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, nơi có số học sinh lấy vợ, chồng sớm nhiều

Trong căn nhà sàn cũ nằm sát vách núi, chúng tôi chỉ gặp được anh chồng trẻ vừa mới đi học về, còn người vợ thì lên rẫy từ sáng sớm. Em Toái, cho biết: Đây là nhà mẹ vợ, chứ còn nhà của mình thì ở xã Sơn Tân, cách đây khoảng 20km.

Nói về chuyện tình của mình, Toái kể: Sau khi hết bậc THCS, thì lên huyện và ở trọ tại nhà một người bà con tiếp tục học ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Tại đây Toái đã quen được với Đinh Thị Thiêm,  học sinh lớp 6, trường THCS Sơn Mùa, nằm gần đó. Một năm thì lấy nhau, Toái chuyển về ở chung với gia đình nhà vợ và tiếp tục đi học. Còn Thiêm thì nghỉ ở nhà làm rẫy.

Còn ở Trường THCS Ba Xa, huyện Ba Tơ, sau khi lén đưa ánh mắt liếc nhìn sang Phạm Thị Sắc ngồi sát bên, em Phạm Văn Vách, học sinh lớp 9, ngượng ngùng: Em và Vách cưới nhau được hai tháng rồi, định nghỉ học nhưng được các thầy cô đến nhà vận động nên tiếp tục trở lại trường.

Xót xa hơn là trường hợp của em Đinh Thị Bền. Khoảng 3 năm trước, khi đang là học sinh lớp 7, Trường THCS Sơn Mùa, thì Bền bị cha mẹ bắt nghỉ ở nhà để cưới chồng. Dù không muốn, thế nhưng Bền cũng không đủ can đảm để cãi lại lời cha mẹ, để tiếp tục đeo đuổi ước mơ đến trường.

Điều oái oăm của cuộc hôn nhân này là khi em vẫn chưa sinh ra đời, thì cha mẹ đã hứa gả em cho một gia đình người quen trong làng. Qua 3 năm chung sống, giờ Bền đã là mẹ của 3 đứa con nheo nhóc.

Mà đâu riêng gì Sơn Tây, tại nhiều bản làng khác, như: Gò Re, Mang Kà Rá, Nước Như, Nước Chạch, Ba Ha…, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, cũng có rất nhiều những bà mẹ trẻ tuổi 15, 16, địu con đi làm rẫy, lấy nước suối hoặc tán gẫu nơi đầu làng. Còn chồng thì đi làm rẫy hoặc đi làm thuê các vùng trong, ngoài tỉnh để kiếm tiền nuôi gia đình.

Nhìn những cặp vợ chồng trẻ con, không ai có thể biết mai mốt này cuộc sống sẽ ra sao, khi mà cả hai vẫn đang trong độ tuổi “ăn chưa no lo chưa đến”.

Chuyện bình thường ở trường miền núi

Theo tập tục của đồng bào thiểu số thì khi trai, gái quen và cả hai thấy “ưng cái bụng” là có thể đưa về gia đình sống chung với nhau, mà không gặp bất kì một sự cản trở nào của cha mẹ. Một thời gian sau nếu cảm thấy không hợp thì chia tay.
 
 Một bà mẹ trẻ ở Ba Tơ
Một bà mẹ trẻ ở Ba Tơ

Còn muốn cưới nhau thì rất đơn giản. Nếu điều kiện kinh tế gia đình khá giả thì mổ lợn, trâu, bò đãi khách; còn không thì chỉ cần làm 1 con gà và mời bà con ở gần đến ăn là xong. Hoặc giả gia đình quá nghèo quá thì cứ chung sống, vài năm sau khi nào có tiền thì tổ chức cưới cũng không muộn.

Thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, thẳng thắn: Năm học này, riêng trường dẫn đầu về số lượng học sinh tảo hôn ở Sơn Tây, với 16 trường hợp, trong đó lớp 9 có 8 học sinh, lớp 8 có 7 em và lớp 7 có 1 em. Và đại đa số các trường hợp tảo hôn của trường đều ở Tập đoàn 2.

Thầy Trương Công Huy, Hiệu phó trường THCS Ba Xa, huyện Ba Tơ thì lắc đầu: Với những trường hợp này, thì giáo viên chỉ còn biết cách động viên từ từ có con và tiếp tục cố gắng đến trường, để mai mốt này có cơ hội học nghề.

Thế nhưng để vận động những cặp vợ chồng trẻ con này tiếp tục đến lớp không phải là chuyện đơn giản. Phải mất nhiều tuần vượt suối, băng rừng vận động, cuối cùng các giáo viên Trường THCS Ba Xa, mới thuyết phục được đôi vợ chồng trẻ tuổi độ trăng tròn mới cưới nhau trở lại lớp tiếp tục học tập. Và có thể nói đây là cặp vợ chồng học sinh hiếm hoi tiếp tục đến trường.

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của trường THCS Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, kể: Năm rồi, thấy 1 học sinh nữ nghỉ học lâu, nên dò hỏi thì mới biết em đó mới lấy chồng. Vì thấy em học rất khá nên đã tìm đến tận nhà để vận động em trở lại trường.

Tại đây khi chưa kịp nói dứt lời, không những bị ông chồng trẻ chửi mắng, mà còn đưa tay doạ đánh, khiến cô Vân hoảng sợ, vội vàng rút lui.

Một số khác thì vừa thấy bóng thầy, cô đến đầu bản, đã vội vàng trốn chạy, hoặc về đóng chặt cửa, mặc cho thầy cô ở ngoài gọi nói mỏi miệng, rồi đi về. Có em thì khi gặp và nghe nói liền xua tay, lắc đầu: Có chồng rồi, em không đến lớp nữa đâu.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục Sơn Tây, thì riêng trong năm học 2011-2012, số em lấy vợ, có chồng là 93 trường hợp, dẫn đầu về tình trạng tảo hôn ở miền núi của tỉnh. Tình trạng này diễn ra từ khối lớp 7-9, trong đó 2 khối 8 và 9, chiếm tỉ lệ 73,1%.

Được biết trong thời gian qua, không chỉ ngành giáo dục mà các cấp, tổ chức đoàn thể của những huyện miền núi trong tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Thế nhưng vấn nạn này chỉ giảm bớt phần nào, chứ chưa thể chấm dứt. Vì thế nạn tảo hôn ở học sinh của các trường THCS các huyện miền núi vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết.

                        Công Hoàng

.