Nỗi lo của học sinh vùng bị sông, suối chia cắt

02:10, 16/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều sông, suối. Mỗi mùa mưa về, nước sông, suối dâng cao, nên người dân vùng trũng thường bị cô lập và đối diện với rủi ro, nhất là học sinh.

TIN LIÊN QUAN

Phập phồng đường đến trường

Những ngày này, khu vực miền núi trong tỉnh luôn có mưa nên lượng nước đổ về các sông, suối thượng nguồn khá nhiều. Ở huyện Ba Tơ, dòng sông Tô, sông Re, sông Liên, sông Nước Lang... nước đỏ ngầu và chảy xiết. Vì thế, trong những ngày này, ngành giáo dục huyện và các bậc phụ huynh luôn lo lắng việc đến trường của con em. Anh Huỳnh Văn Hưng – Cán bộ Phòng GD&ĐT Ba Tơ, cho biết: Địa bàn Ba Tơ có sông, suối chia cắt nhiều, nhưng đa số chưa có cầu kiên cố, cầu tạm. Nên khi có mưa nguồn về, các em lượn theo con nước lội qua sông để đến trường. Nước lớn thì các em nghỉ học.

Mưa lũ về học sinh cùng với người dân thôn Ân Phú lại đối diện với nỗi lo khi qua lại sông Trà.
Mưa lũ về học sinh cùng với người dân thôn Ân Phú lại đối diện với nỗi lo khi qua lại sông Trà.


 Không chỉ Ba Tơ, mà ở các huyện miền núi trong tỉnh, học sinh những vùng bị chia cắt bởi sông suối đều chịu chung cảnh ngộ như vậy, nên luôn đối mặt với hiểm nguy mỗi khi mùa mưa đến.

Còn phía hạ lưu các con sông, phương tiện qua lại sông để đến trường của học sinh vùng bị cô lập cũng không mấy an toàn. Tại bến đò Ân Phú, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi), từ nhiều năm nay, các bậc phụ huynh luôn lo sợ trước cảnh con em mình bồng bềnh trên chiếc ghe nhôm vượt sông Trà để đến trường. Nhưng vì sự học của con em, nên vẫn phải đành chấp nhận.

Dừng lại ở mức tập huấn, thông báo

Ngành giáo dục, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh thấy rõ sự nguy hiểm của học sinh khi vượt sông, suối trong mùa mưa lũ để đến trường, nhưng rồi cũng không còn cách nào khác. Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ngành chức năng mới chỉ dừng lại ở việc tập huấn và thông báo khi nước dâng cao. Ngay từ đầu mùa hè năm 2015, ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục các kỹ năng phòng chống đuối nước. Từ những giáo viên này, một số trường miền núi đã mở lớp dạy thực tế để hướng dẫn cho các em vùng bị cô lập các kỹ năng bơi lội, sơ cứu, thông báo khi gặp học sinh bị đuối nước…

Ông Huỳnh Giang Nam-Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Tơ, cho hay: Phòng đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện mở 2 lớp dạy bơi lội, kỹ năng phòng tránh đuối nước cho 400 học sinh THCS ở hai xã Ba Thành và Ba Dinh. Đây là địa bàn có số lượng học sinh nằm trong vùng cô lập bởi sông, suối khá lớn khi có mưa lũ, nhằm giúp các em nâng cao nhận thức về cách phòng tránh đuối nước khi qua sông, suối.

Ngoài dạy kỹ năng phòng chống đuối nước, Phòng GD&ĐT Ba Tơ cũng đã có văn bản hướng dẫn các điểm trường thực hiện phương án phòng chống bão, lũ trong mùa mưa. Khi lũ tràn về, nước sông, suối dâng cao, các trường có trách nhiệm chuẩn bị lương thực để hỗ trợ các em ở lại trường, thông báo cho học sinh nghỉ học và bố trí lịch dạy bù để đảm bảo chương trình dạy và học.

Ông Nguyễn Văn Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi cho biết: Địa bàn TP. Quảng Ngãi cũng có nhiều vùng trũng, vùng bị cô lập do sông Trà Khúc chia cắt nên cũng ảnh hưởng đến việc đi lại, học tập của học sinh. Trong khả năng tài chính và cấp độ quản lý, phòng chỉ thông báo cho các trường phối hợp với địa phương lên phương án phòng tránh bão lũ, giúp học sinh đi lại an toàn, đảm bảo việc học.

Ông Trần Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) bộc bạch: “Xã có trên 1.470 khẩu ở thôn Ân Phú và xóm Tân Lập, thôn Ngọc Thạch bị cô lập mỗi khi nước sông Trà dâng cao, trong đó có 250 học sinh tiểu học và THCS. Để tránh thời gian nghỉ học kéo dài và đảm bảo an toàn cho người dân và các em qua lại sông, UBND TP. Quảng Ngãi đã hỗ trợ cho xã một chiếc ghe máy, với công suất trên 16CV. Xã đã có kế hoạch hỗ trợ học sinh qua lại đò miễn phí trong mùa mưa. Đồng thời chỉ đạo cho các chủ đò trang bị áo phao, phao cứu sinh trên mỗi chuyến đò...”.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.