"Công dân xanh" của thành phố

01:01, 14/01/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Các công dân TP. Quảng Ngãi sẽ yên tâm biết bao nếu mỗi người được làm bạn với 9m2 “công dân xanh” theo đúng tiêu chí đô thị loại 2 mà thành phố đang hướng đến.
                        

                       “Cây ùa đến đón ta như đứa trẻ hân hoan
                       Cây tha thướt bên đường như thiếu nữ
                       Cây trầm mặc trang nghiêm như nhà thờ cổ
                       Cây ngời sáng long lanh như hồi chuông”

                                                         (Thanh Thảo-“Cây Matxcơva”)

Tôi viết bài thơ “Cây Matxcơva” này vào năm 1985, khi cùng nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh thăm Liên Xô trong khuôn khổ “Tuần văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”. Đó là lần đầu tiên tôi tới nước Nga và thật lạ lùng, giữa bao nhiêu cái choáng ngợp của một thủ đô lớn, tôi lại ấn tượng nhất với… cây xanh Matxcơva.

Đi giữa Mat, tôi như choáng người khi nhìn ngắm những hàng cây táo nở hoa trắng xóa hai bên đường, những hàng cây anh đào lung linh tung những chùm hoa trắng mơ màng như chào đón khách. Cây ở Matxcơva nhiều đến nỗi cứ bước ra đường là gặp… cây, cứ ngước nhìn là thấy cây và cứ dừng lại ở bên lề một đại lộ nào đó là như ngập dưới bóng cây.

Cây Matxcơva có nhiều chủng loại và người ta không chỉ trồng cây lấy bóng mát mà còn trồng cây lấy hoa, không chỉ trồng cây có hoa mà còn trồng cây lấy quả, không chỉ trồng cây anh đào “khôn”(visnhia) mà còn trồng cả cây anh đào “dại”(tsêrêmukha).

Nếu hoa visnhia nổi tiếng nhờ kịch Tsêkhốp (“Vườn anh đào”), thì tsêrêmukha lại được cả thế giới biết đến nhờ những bài dân ca Nga, mà da diết nhất có lẽ là bài hát mà người Việt rất quen thuộc “Đào vừa ra hoa cành theo gió đưa vầng trăng tà…(“Hoa anh đào”), một bài hát Nga đã theo những người lính thế hệ chúng tôi qua khắp các nẻo đường chiến tranh chống Mỹ.

Vậy đó, cứ mỗi khi nhắc đến cây xanh, là biết bao kỷ niệm lại ùa về. Vì thế, với con người, cây xanh thực sự là người bạn, lặng lẽ chia sẻ cùng ta những thăng trầm của cuộc đời. Không chỉ người ở làng quê mới gắn bó với cây xanh. Tôi không hiểu, với người thành phố, họ sẽ sống thế nào nếu thiếu cây xanh, thiếu những bóng cây trên mỗi con phố họ đi qua đi lại hàng ngày?

Cây trong phố
 
Khi tôi hỏi anh Lê Cao Thanh-giám đốc xí nghiệp cây xanh thuộc Công ty Môi trường TP. Quảng Ngãi, vì sao đoạn đường Lê Trung Đình thẳng tắp nơi xí nghiệp đặt trụ sở, lại không thấy bóng cây xanh, anh Thanh nhỏ nhẹ: “Chúng tôi đã nhiều lần trồng cây, nhưng các hộ dân buôn bán ở phố này sợ cây xanh che…mất cửa hiệu và hàng họ, nên cây cứ trồng ít lâu là… chết.” Tôi hiểu. Nhưng vấn đề ở đây có thể là trồng cây gì. Nếu trước cửa một hiệu buôn mà mình trồng cây sấu (người ta có thể đọc thành “xấu”) hay trồng cây sao đen (tên gọi nghe không được “phát”) thì chắc người ta không thích lắm. Nhưng nếu mình trồng cây lộc vừng-một loại cây có tán tròn và hoa nở thành chuỗi màu đỏ rất đẹp, tượng trưng cho sự phát đạt-thì tôi nghĩ, không chủ hiệu buôn bán nào là không ưng.

Ai chả thích cây, nhất là cây “phát tài phát lộc” như cây lộc vừng ? Ở nhiều đoạn phố trong TP. Quảng Ngãi, tôi còn thấy người dân “tự phát” mua cây lộc vừng về trồng trước cửa nhà mình nữa là!

Anh Thanh cho tôi biết, tới hiện giờ, mỗi người dân Quảng Ngãi được thụ hưởng, được làm bạn với 2,18m2 cây-một chỉ số không thấp nếu so với nhiều thành phố khác ở Việt Nam, nhưng còn khá thấp nếu so với tiêu chuẩn đô thị loại 2 (9-11m2 cây/người). Còn nếu so với Matxcơva?
                
                        “Một người Matxcơva được hai mươi sáu mét vuông cây
                         Căn-hộ-xanh đủ cho mỗi cuộc đời
                         Những giao tiếp bí ẩn thầm lặng
                        Nơi đây ta gặp gỡ đất và trời”

                                        (Cây Matxcơva)

Ta cứ nghĩ, nếu mỗi người thành phố có diện tích ở bình quân là 26m2, thì thành phố ấy sẽ đạt chuẩn cao về diện tích nhà ở như thế nào, và “chỉ số hạnh phúc” sẽ tăng lên bao nhiêu!

Xí nghiệp cây xanh thuộc Công ty Môi trường Quảng Ngãi mới “ra riêng” chưa lâu, trụ sở cũng rất nhỏ, có lẽ vì nhân viên suốt ngày ở… ngoài đường, nên đỡ tốn ghế ngồi. Mới ra, nhưng năm 2013, xí nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cây xanh là 1,3 tỉ đồng. Năm 2014 này sẽ là 1,4 tỉ đồng. Vườn ươm cây của xí nghiệp-nơi mang lại lợi nhuận này-đã làm “một công đôi việc”: Vừa tổ chức sản xuất để có cây bán ra ngoài thị trường, vừa chuẩn bị cây bổ sung, trồng dặm, cải tạo “bản đồ cây xanh” thành phố theo quy hoạch.

Trong thực tế, quy hoạch cây xanh đã “phủ sóng” trên một số đường phố thuộc TP. Quảng Ngãi những loại cây thích hợp và tạo dấu ấn riêng. Như đường Nguyễn Du (1km) “phủ” cây lộc vừng, đường Lê Lợi (1,5km) cho vươn lên cây sao đen , đường Nguyễn Tự Tân (1,5km) xanh mướt những hàng cây me. Với cây osaka hoa vàng tuyệt đẹp (còn gọi là cây đuôi công) mà mùa hoa nở khoảng từ tháng 4 tới tháng 6, thì đường Phan Bội Châu (đoạn từ Nguyễn Tự Tân-Hai Bà Trưng) được thụ hưởng. Chọn cây osaka cho đường Phan Bội Châu là rất có ý nghĩa, vì nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu đã từng bôn ba trên đất Phù Tang để tìm đường cứu nước (khán giả Việt Nam đã được xem phim “Người cộng sự”-phim hợp tác giữa truyền hình Việt Nam và truyền hình Nhật Bản-về hành trình của nhà yêu nước Phan Bội Châu tại Nhật Bản).

Có thể coi cây osaka hoa vàng như một biểu tượng của tình hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, lại được trồng trên đường Phan Bội Châu, thì màu hoa vàng ấy chắc càng thắm thiết. “Cây trong phố” không chỉ từng ấy, nhưng với cách trồng cây có ý tưởng như vậy, đường phố Quảng Ngãi sẽ mang được những “gam màu” riêng đầy cảm xúc.

Phố trong cây

Khi đã trồng “cây trong phố”, thì với tháng năm cây lớn lên tỏa bóng, những con phố định danh những loài cây quen thuộc với người Quảng Ngãi sẽ thành “phố trong cây”, được phủ bóng mát của những loài cây khác nhau. Rồi sẽ tới lúc, người dân gọi tên quen của những con phố mình ở là “phố đuôi công”, “phố lộc vừng” hay “phố sao đen”, nghe thân thương và thật ấn tượng.

Trồng cây đã khó, nhưng giữ được cây cho lớn lên, cho tỏa bóng mát, còn khó hơn. Quảng Ngãi là vùng lụt bão hàng năm, nên cây ở Quảng Ngãi không thể so với cây cổ thụ Sài Gòn hay Hà Nội-những vùng rất ít hoặc không có bão. Cây trồng ở Quảng Ngãi phải bắt đầu từ những cây nhỏ, đường kính gốc tối đa 5-7cm và kiên trì nuôi cho chúng lớn lên.

Vừa qua, cây Đà Nẵng bị ngã đổ tơi bời trong bão do thành phố này trồng những cây có đường kính gốc lớn ngay từ đầu. Trồng cây lớn thì sự “hoành tráng” có vẻ thấy được ngay, nhưng tai họa cũng dễ tới liền. Đà Nẵng bây giờ than chưa biết tìm đâu ra khoản kinh phí để trồng lại những cây đường phố bị ngã đổ. May mà TP. Quảng Ngãi đã không theo cách “trồng cây lớn” của Đà Nẵng, nếu không, với nguồn kinh phí eo hẹp của mình, biết bao giờ mới gây dựng lại được “cây sau bão” ?

Cây sau bão

Thú thật, từng có lúc tôi đã rất khó chịu khi thấy công nhân Môi trường đô thị TP. Quảng Ngãi “cắt cây” để chuẩn bị đón mùa lụt bão. Những cây đường phố đang xanh tươi đẹp đẽ phút chốc bị cưa “ngọt” nhánh cành, tới mức trơ trụi, trông rất thảm! Cây đường phố mà bị cưa cắt trụi lủi như thế, thì còn đẹp gì nữa! Nhưng rồi, qua mỗi mùa mưa bão, chứng kiến những trận bão hung cuồng tàn phá Quảng Ngãi, tôi mới nghiệm ra: Nếu không mạnh tay cưa cắt nhánh cành, thì cứ sau mỗi trận bão, cây đường phố Quảng Ngãi sẽ ngã đổ tơi bời. Rồi mùa sau, “những người bạn xanh” tin cậy sẽ vắng bóng trên những đường phố quen thuộc.

Muốn có “cây sau bão” thì không thể không cắt chặt nhánh cành trước mỗi mùa bão, chịu hy sinh cái nhỏ là nhánh cành để bảo vệ cái lớn là sự sống của cây. Anh Lê Cao Thanh nói với tôi, trước mùa bão vừa qua, xí nghiệp đã “hạ độ cao” và tỉa cành 847 cây đường phố, loại trừ những cây có khả năng gây nguy hiểm cho người đi đường. Và đã không có cây xanh nào bị ngã đổ sau mùa bão, không có người dân nào bị tai nạn do cây gãy gây ra. Bây giờ nhìn lại, cây đường phố Quảng Ngãi vẫn giữ như nguyên vẹn, để sang xuân, tới hạ là tung nhánh cành, bừng sắc xanh che mát những đường phố. “Cây sau bão” là vậy!

Lá phổi xanh  

Công viên cây xanh luôn là “lá phổi xanh” của thành phố. Đó là tiêu chí bắt buộc khi người ta đánh giá “sức khỏe” của một thành phố. Không thể tưởng tượng những thành phố không có công viên cây xanh.

Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng để bảo vệ lá phổi xanh trong lòng thành phố
Cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng để bảo vệ lá phổi xanh trong lòng thành phố. Ảnh T.L


Mấy năm trước, Quảng Ngãi đã từng rộ lên vụ “Công viên Diên Hồng”, khi một số ít người lãnh đạo tỉnh chủ trương “cho thuê” đất khu Diên Hồng để xây khách sạn, còn đa số người dân TP. Quảng Ngãi thì yêu cầu giữ lại đất khu Diên Hồng để làm công viên cây xanh. Bây giờ, tuy công viên cây xanh vẫn chưa hiện diện ở khu “đất vàng” ấy, nhưng “dự án khách sạn” thì đã bị loại bỏ. Dù sao, đây cũng là một thắng lợi cho những ai muốn bảo vệ sự sống lâu dài của thành phố.

Còn với công viên Ba Tơ, thì lãnh đạo TP. Quảng Ngãi đã có bước đột phá rất đáng hoan nghênh, khi biến công viên này thực sự trở thành một… công viên cây xanh. Biến một công viên thành một… công viên,  là thế nào? Đúng là đã từng có một công viên Ba Tơ “trên danh nghĩa”, nhưng không thực chất. Và khi công viên Ba Tơ được cải tạo lại để trở thành một công viên cây xanh đúng nghĩa, thì kể từ lúc đó, TP. Quảng Ngãi mới chính thức có công viên mang tên Ba Tơ.

Bây giờ, mỗi khi đi ngang công viên này, nhìn ngắm trẻ con và người già thong dong dạo chơi trong công viên một cách an lành, ta càng thấy sự cần thiết của nó trong đời sống của một thành phố. Quảng Ngãi còn cần thêm nhiều công viên, chứ không phải cần thêm nhiều khách sạn, nếu muốn tiến lên đô thị loại 2. Đó là điều kiện tiên quyết.

Nhiều cư dân TP. Quảng Ngãi cũng rất ấn tượng với những con đường có dải phân cách được biến thành những “dải công viên-đường phố”, nơi trồng và chăm sóc nhiều loại cây hoa đẹp, mang lại sự thư thái cho người tham gia giao thông. Đó cũng là một phần của “lá phổi xanh” đang được người TP. Quảng Ngãi đánh giá đúng tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống của chính mình. Nghĩ cho cùng, cây xanh cũng là những “công dân xanh” của thành phố chúng ta:

                            “Những công dân đáng yêu của thành phố
                              Hay giúp đỡ mọi người mà chẳng quấy phiền ai
                              Những người bạn ít lời tin cậy
                             Ta yên tâm mỗi khi dựa lưng vào”

                                               (“Cây Matxcơva”)  

Các công dân TP. Quảng Ngãi sẽ yên tâm biết bao nếu mỗi người được làm bạn với 9m2 “công dân xanh” theo đúng tiêu chí đô thị loại 2 mà thành phố đang hướng đến./.

 


.