Bình Sơn: Đổ xô lặn tìm cổ vật

04:09, 09/09/2012
.

(QNĐT)- Trong 2 ngày qua, tại khu vực biển nằm phía tây thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bỗng chốc náo nhiệt khi hàng trăm ngư dân trong và ngoài tỉnh đổ về để lặn tìm cổ vật trong một chiếc tàu đắm.

TIN LIÊN QUAN


* Công trường trên biển

Trưa ngày 9/9, khi chúng tôi có mặt bờ biển thôn Châu Thuận, cũng là lúc việc lặn tìm cổ vật ở đây đang bước vào lúc đỉnh điểm. Qua quan sát, trên khoảng diện tích 1000m2 xung quanh khu vực chiếc tàu cổ bị đắm nằm cách bờ chưa đến 40m, ước trên 30 chiếc tàu lớn nhỏ đang neo đậu chen chúc nhau.

Người và phương tiện đang đậu chen nhau xung quanh khu vực tàu chở đồ cổ bị đắm để tìm kiếm
Người và phương tiện đang đậu chen nhau xung quanh khu vực tàu chở đồ cổ bị đắm để tìm kiếm


Cùng với máy hút cát nổ ầm ĩ, phun những cột nước đục ngầu; trên các khoang thuyền hàng trăm ngư dân đang tất bật với các công việc: Thả dây hơi cho thợ lặn, người thì canh chừng cho tàu khỏi va đập vào nhau; một số khác thì đang vội vàng đeo chì vào lưng, rồi mang gương, ngậm ống hơi để chuẩn bị nhảy xuống biển thay thế cho số thợ lặn vừa lên...

 Trên khoang một chiếc tàu khá lớn, vẫn không rời tay, mắt để canh chừng dây hơi cho số cùng đi đang lặn tìm cổ vật phía dưới làn nước đục ngầu, ngư dân Trần Thành (45 tuổi), ở trong thôn, cho biết: Mới đi biển vô vào chiều hôm qua, nên sáng nay cùng 4 anh em ra đây lặn và tìm được 5-6 cái dĩa. Cách nơi chúng tôi đứng không xa, nhiều thợ lặn khác đang tranh thủ ngồi ăn trưa, uống nước ngay trên boong.

* Đã có người trúng đậm?

Nhiều ngư dân trong vùng khẳng định: Thông tin về một chiếc tàu chở đồ cổ bị chìm trong khu vực gần bờ biển Châu Thuận do gặp bão, đã được người dân trong thôn biết từ 5 năm nay. Theo đó những năm qua đã có không ít thợ lặn trong vùng cất công tìm kiếm, thế nhưng do bị vùi lấp bởi lớp cát quá dày nên chưa tìm được, cho đến cách đây khoảng 4 ngày.

Một trong số đồ cổ ngư dân vừa vớt được
Một trong số đồ cổ ngư dân vừa vớt được


Vị trí của chiếc tàu đắm này nằm ở phía tây, thế nhưng người phát hiện đầu tiên là số thợ lặn ở xóm phía đông, cùng thôn. Tuy nhiên do họ "ém” thông tin và khai thác vào đêm khuya nên không ai để ý. Đến khi mọi người biết chuyện thì họ đã “ẵm” được khá nhiều rồi. Và người được nhiều cổ vật nhất là một thợ lặn tên “D”.

Vừa rồi nghe nói có người đã trả từ 30-50 triệu đồng/món, nhưng “D” chưa bán. Và nếu điều đó là thật thì tổng giá trị của số đồ cổ mà thợ lặn “D” đã vớt được phải tính bằng tiền tỉ. Ngoài ra một số thợ lặn là người thân của anh “D” cũng vớt được khá nhiều, với tổng giá trị ước tính từ 100-300 triệu đồng/người.

* Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Đến thời điểm này tuy thông tin nhiều thợ lặn ở Châu Thuận đã thu được hàng trăm triệu, rồi cả tỉ đồng từ vớt đồ cổ chỉ là lời đồn đoán. Thế nhưng đã thừa sự hấp dẫn để cuốn hút không chỉ ngư dân địa phương, mà nhiều thợ lặn ở vùng lân cận, như huyện Lý Sơn và cả tỉnh Bình Định cũng đưa phương tiện về khu vực trên lặn tìm.

Một thợ lặn đang chuẩn bị xuống thay thế
Một thợ lặn đang chuẩn bị xuống thay thế


Với số lượng người và phương tiện tham gia tìm kiếm chen chúc trong một phạm vi hẹp như vậy là rất nguy hiểm. Anh Hải, một người dân ở đây, bày tỏ: Nước thì bị máy hút, thổi khuấy đục ngầu; trong khi đó thợ lặn thì đông, đó là chưa kể nhiều người còn sử dụng cào, móc sắt... để bới tìm nên không bị thương tích mới là lạ.

Được biết sáng nay (9/9), đã có một thợ lặn ở đảo Phú Quý bị thương tích vào mặt phải đưa đi cấp cứu. Thiết nghĩ cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường lực lượng để giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực trên, đồng thời có biện pháp ngăn chặn và thu hồi số cổ vật, tránh thất thoát.
                  

 Công Hoàng
 


.