Nan giải bài toán việc làm cho phụ nữ xã Nghĩa An

09:08, 27/08/2012
.

(QNg)- Phần lớn  phụ nữ ở các làng chài phụ thuộc vào nguồn kinh tế do chồng đi đánh bắt trên biển mang về. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại việc đánh bắt hải sản trên biển của chồng con họ không phải lúc nào cũng được thuận lợi, còn bản thân họ thì không biết làm gì để tạo ra nguồn thu nhập phụ giúp gia đình.
 
Trong cái nắng chói chang của ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến xã Nghĩa An (Tư Nghĩa). Đây là xã bao đời nay người dân luôn gắn bó với nghề đánh bắt hải sản trên biển. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là  nhiều phụ nữ đang dùng kéo cắt những cục chì còn sót lại trong những mảnh lưới rách để bán ve chai. Chị Nguyễn Thị Năm một phụ nữ đứng tuổi có chồng đi bạn cho biết, thu nhập mà anh mang về cũng thất thường nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khoăn. Có lúc chồng mang khoảng 3 triệu về nhưng đôi khi trắng tay do không đánh bắt được  hải sản.

Nghề đan lưới tạo nguồn thu nhập cho một bộ phận chị em thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An.
Nghề đan lưới tạo nguồn thu nhập cho một bộ phận chị em thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An.


Hiện tại gia đình chị có 2 đứa con, đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ học lớp 7 và một mẹ già 83 tuổi nên cuộc sống khá chật vật. Những tháng mùa mưa, việc đánh bắt thủy hải sản khó khăn nên số tiền chồng làm ra không đủ chi tiêu trong gia đình. Những lúc như vậy, chị phải chạy vạy vay mượn bà con để lo cơm nước cho gia đình. Chị Năm lo lắng: "Đã bước vào  năm học mới rồi mà gia đình không biết xoay xở như thế nào để có tiền lo sách vở, đóng học phí cho hai con. Dù gì các con cũng phải đi học nhưng bí quá".

Tương tự như chị Năm, chị Trần Thị Kim Chi cũng có chồng cũng đi bạn nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện gia đình chị có 2 con trong độ tuổi cắp sách đến trường, nhưng việc lo sách vở, tiền trường cho 2 cháu khiến chị mất ăn, mất ngủ. Ngoài chị Năm và chị Chi, trên địa bàn xã Nghĩa  An có  rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh tương tự như thế.

Bà Võ Thị I Va - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An cho biết: Hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng hơn 4.000 phụ nữ trong độ tuổi lao động, trong đó khoảng 300 người làm các nghề đan ngư lưới cụ, buôn bán cá, số chị em còn lại chủ yếu ở nhà  nội trợ. Đem điều băn khoăn này trao đổi với bà Võ Thị Lệ Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, bà cho biết: "Hiện xã chỉ có 15 cơ sở đan lưới, có một số chị em tham gia, một số chị em đến các xã khác buôn bán cá, còn lại đại đa số chị em ở nhà nội trợ là chính. Do đó, nếu được các cấp quan tâm mở các lớp đào tạo nghề cho chị em phụ nữ, chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện và hỗ trợ một phần kinh phí để các lớp học hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi mong cấp trên khi mở các lớp dạy nghề cho chị em thì chọn những ngành nghề phù hợp với đặc thù cuộc sống và công việc của chị em ở xã ven biển như Nghĩa An".

Giải quyết việc làm cho phụ nữ ở làng chài xã Nghĩa An là bài toán mà các ngành chức năng cần có hướng giải quyết. Bởi điều này không chỉ tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân mà cũng là nguồn động viên, khích lệ để chồng con họ yên tâm hơn khi bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.


Bài, ảnh: Tấn Tài
 


.