Bức xúc ở Đồi Gu

04:11, 11/11/2011
.

(QNg) -Mặc dù đã rút ra nhiều bài học từ việc di dời dân, tái định cư của nhiều công trình thủy lợi trước đó, nhưng việc đền bù giải tỏa, tái định cư cho đồng bào ở khu vực lòng hồ Nước Trong ở huyện Sơn Hà vẫn gây xáo trộn. Không biết đến bao giờ người dân mới ổn định cuộc sống.

Từ khi được đưa về khu tái định cư (KTĐC), cuộc sống của 65 hộ dân ở thôn Nước Nia dưới trở nên cùng cực vì không có đất đai, nghề nghiệp mưu sinh. Gia đình anh Đinh Văn Khách về KTĐC sinh sống 6 tháng sau khi nơi ở cũ bị giải tỏa để thi công công trình. Anh Khách cho biết,  nơi ở cũ gần sông, lại có đất đai rộng nên kinh tế gia đình anh ổn định vì vừa làm ruộng, vừa phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Còn từ ngày về KTĐC, gia đình anh không còn đất đai để chăn nuôi, làm rẫy cũng không được do xung quanh KTĐC là rừng phòng hộ. "Họ hứa sẽ tạo điều kiện để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, nhưng cuộc sống ngày càng bi đát. Trước đây tui cầm bạc triệu trong tay, nhưng giờ thất nghiệp nên không có đủ tiền để đong gạo hàng ngày"- anh Khách thở dài.
 
Khu tái định cư Đồi Gu.
Khu tái định cư Đồi Gu.

Cạnh đó, gia đình bà Đinh Thị Diệp cũng khốn đốn từ ngày về KTĐC. Bà Diệp cho biết, khi di dời khỏi nơi ở cũ, gia đình bà được đền bù cả trăm triệu đồng. Nhưng do về KTĐC không đất đai, không nghề nghiệp nên gia đình bà đã tiêu hết sạch tiền đền bù. "Giờ để có gạo ăn thì phải làm thuê cho các tư thương buôn gỗ keo. Nhưng kiếm việc làm thuê cũng rất khó, vì hầu hết các tư thương nay đây, mai đó nên không theo được" - bà Diệp rầu rĩ.

Hoàn cảnh của gia đình anh Khách và bà Diệp cũng là cảnh ngộ chung của 65 hộ dân ở KTĐC Đồi Gu. Ngoài việc không đất đai, nghề nghiệp để kiếm sống, người dân ở đây còn chịu cảnh không có nước sinh hoạt, không điện thắp sáng. Bà Đinh Thị Trinh cho biết, không có điện thắp sáng nên việc học hành của trẻ em trong KTĐC đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không có điện, bọn trẻ không thể học được cái chữ. Đã vậy KTĐC không có nước, khiến người dân khá vất vả trong việc đi lấy nước về dùng.

Ông Đinh Quốc Bình - Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng, cho biết: Để giải quyết bức xúc của người dân ở KTĐC về tình trạng không có đất sản xuất, địa phương đã đề xuất huyện, Ban quản lý dự án sớm cấp đất đã khai hoang cho dân sản xuất. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy chủ đầu tư thực hiện. Phương án cấp đất sản xuất bế tắc, địa phương đề xuất huyện cấp đất lâm nghiệp cho người dân phát triển trồng rừng nguyên liệu, nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Đặc biệt là ở các bờ taluy trong KTĐC đã xuất hiện nhiều vết nứt, đe dọa nhà của 12 hộ dân. Việc xây dựng nhà vệ sinh nổi trong KTĐC rất mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Bình, trong quy hoạch, khi người dân chuyển đến sống ở KTĐC này họ sẽ có cuộc sống bằng, hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, đến bây giờ thì ngược lại. Thông thường việc chuẩn bị đất sản xuất cho người dân và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật KTĐC phải hoàn thành trước khi đưa dân đến sinh sống. Nhưng ở KTĐC này, việc tổ chức TĐC cho người dân đã được các cơ quan liên quan thực hiện theo quy trình ngược. Chính cách làm này đã đẩy đời sống của người dân ở KTĐC lâm vào cảnh khốn khó.

Một cán bộ UBND huyện Sơn Hà cho biết: Quá trình đền bù, giải tỏa và TĐC kéo dài khiến đời sống đồng bào hết sức khó khăn. Việc áp giá đền bù phát sinh nhiều khiếu kiện của dân. Chất lượng cuộc sống của người dân nơi ở mới quá kém khiến họ không yên tâm. Đặc biệt đến giờ này việc cấp đất sản xuất cho dân cũng như xây dựng các công trình phục vụ SX chưa làm, người dân chẳng biết làm gì cứ tiêu hết tiền đền bù rồi nơm nớp... lo đói. Để ổn định cuộc sống cho nhân dân đề nghị các cấp, các ngành quan tâm và làm hết trách nhiệm của mình.

             Bài, ảnh: Bá Sơn

.