Xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới: Thực trạng và giải pháp

09:02, 21/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết số 27-NQ/TW) tại Quảng Ngãi đã đem lại những kết quả tích cực.
 
Kỳ 1: Kịp thời và cần thiết
 
Nghị quyết số 27-NQ/TW là nghị quyết rất quan trọng của Đảng về công tác trí thức, được ban hành kịp thời và cần thiết. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả tích cực.

 

Đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh
 
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy về tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập nghị quyết, đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa các văn bản của trung ương, của tỉnh bằng các chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức tự khẳng định, phát triển và cống hiến.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Quang Thích trao thưởng cho các tác giả đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 7, năm học 2021 - 2022.  Ảnh: Đăng Sương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lê Quang Thích trao thưởng cho các tác giả đoạt giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 7, năm học 2021 - 2022. Ảnh: Đăng Sương
Đã ban hành một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực, nhân tài; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, xúc tiến và kêu gọi thu hút đầu tư nhằm nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất. Đặc biệt là chính sách bố trí cán bộ là trí thức trẻ về công tác tại xã, phường, thị trấn; về tôn vinh trí thức tiêu biểu; về tuyên truyền đường lối, chủ trương và tình hình thực tiễn cho trí thức.
 
Quảng Ngãi cũng xác định nhiệm vụ và danh mục giao cho trí thức tư vấn, phản biện; về triển khai thực hiện kịp thời chính sách ưu đãi đối với trí thức công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức. Các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm; các trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định; các phòng thiết kế chuyên dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật được nâng cấp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các trường, trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế được đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, khá hiện đại...
 
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ là trí thức được chú trọng và thực hiện ngày càng chặt chẽ. Công tác thi tuyển, tuyển dụng, nâng ngạch, bậc thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ. Chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Việc gặp mặt, trao đổi giữa trí thức và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã cởi mở, dân chủ hơn.
 
Nhờ đó, đội ngũ trí thức được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, học tập tại nước ngoài; có cơ hội trải nghiệm thực tế, phát huy năng lực, làm việc, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Các vấn đề quan trọng của tỉnh, đặc biệt là các lĩnh vực tham mưu về chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển, các đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị... đều có sự tham gia góp ý tư vấn, phản biện, giám định xã hội của đội ngũ trí thức thông qua hệ thống tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
 
Sau 15 năm thực hiện nghị quyết, đội ngũ trí thức tỉnh nhà lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo, tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Tăng cường sự gắn bó vững chắc giữa Ðảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Ðảng và Nhà nước. Tham gia tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tỉnh trên nền tảng liên minh công - nông - trí; góp phần quan trọng xây dựng, phát triển trở thành tỉnh khá của Vùng miền Trung theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Những khó khăn hạn chế
 
Việc cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 29/10/2008 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ở một số địa phương, đơn vị có mặt còn hạn chế, nhất là thể chế hóa mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, quan điểm trọng dụng trí thức là nhân tài của đất nước. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng trong cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về công tác trí thức. Có thể nói, chính sách hiện hành chưa đủ sức “hấp dẫn” đối với trí thức, vì vậy việc thu hút nhân tài rất khó khăn và dẫn đến tình trạng dịch chuyển “chất xám” ra khỏi tỉnh.
 
Các đại biểu tham quan các dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2022 - 2023.  Ảnh: TR.PHƯƠNG
Các đại biểu tham quan các dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2022 - 2023. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương, đơn vị hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, người đứng đầu ở địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức, chưa thật sự tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến, chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ trí thức. Việc đánh giá năng lực, tạo điều kiện cho trí thức cống hiến chậm được đổi mới; còn tư tưởng hẹp hòi, thiếu khách quan trong cất nhắc, sử dụng cán bộ là trí thức.
 
Một số địa phương, đơn vị chưa tạo được môi trường làm việc thật sự dân chủ, thuận lợi để động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức phát huy tài năng, sở trường và chuyên tâm cống hiến. Số trí thức trẻ, trí thức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn ít, nhất là ở cấp huyện. Việc thu hút và sử dụng trí thức trình độ cao và chuyên gia giỏi đầu ngành còn nhiều bất cập. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng còn thấp so với yêu cầu. Một bộ phận trí thức chưa thật sự nỗ lực vươn lên để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức phân bổ và cơ cấu ở các ngành, nghề, vùng chưa đồng đều.
 
Năng lực lãnh đạo, quản lý của một bộ phận trí thức là cán bộ lãnh đạo các cấp còn hạn chế, chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập. Trí thức của tỉnh là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu ở tầm chiến lược, có trình độ sau đại học và chuyên gia đầu ngành còn ít, đặc biệt hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao. Năng lực tham mưu đề xuất, hiệu quả công việc của một bộ phận trí thức chưa tương xứng với bằng cấp đã có. Khả năng sử dụng, ứng dụng tin học và ngoại ngữ của một bộ phận trí thức còn yếu, nhất là trong chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
 
LÊ QUANG THÍCH - PV
 
-----------------
Kỳ cuối: Giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực đội ngũ trí thức
 
 
 
 

.